Doanh nghiệp 'khát' nhân sự ngành công nghiệp bán dẫn

Khả năng đáp ứng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam hiện chưa đến 20%. Tỷ lệ ít ỏi này khiến cho tình trạng các doanh nghiệp 'khát' kỹ sư có kinh nghiệm và cả kỹ sư mới ra trường ngày một trầm trọng. Chưa kể, các vị trí đòi hỏi kiến thức, kỹ năng sâu càng khan hiếm.

Dù được xem là ngành công nghiệp tỉ đô la, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nguồn nhân lực và nhân sự hiện có chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp…Đây là nhận định của ông ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam chia sẻ bên lề hội thảo “Định hướng thành công trong lĩnh vực Kỹ thuật Viễn thông và Vi điện tử” do trường Đại học Việt Đức (VGU) và trường đại học Stuttgart tổ chức ngày 15-3.

Hơn 100 doanh nghiệp và khách mời tham gia hội thảo “Định hướng thành công trong lĩnh vực Kỹ thuật Viễn thông và Vi điện tử” ngày 15-3. Ảnh: Minh Anh

Số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cho biết đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 – 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

“Trong ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, doanh nghiệp nào cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, nhóm nhân lực này có thể xuất khẩu ra nước ngoài, do đó, chất lượng nhân sự rất quan trọng vì phải đạt được mức độ yêu cầu, doanh nghiệp nước ngoài mới chấp nhận”, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam chia sẻ.

Theo một số doanh nghiệp, hiện các đơn vị “khát” kỹ sư có kinh nghiệm và cả kỹ sư mới ra trường, chưa kể, các vị trí đòi hỏi kiến thức, kỹ năng sâu càng khan hiếm. Do đó, việc các trường mở thêm các ngành đào tạo, đặc biệt là các chương trình cao học sẽ giúp doanh nghiệp bổ sung nguồn nhân sự và rút ngắn thời gian đào tạo, huấn luyện khi tuyển dụng.

Theo đó, tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp đến từ những tập đoàn, công ty hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật viễn thông và vi điện tử đã cùng trao đổi trực tiếp về nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn, đòn bẩy kinh tế từ giáo dục kỹ thuật viễn thông và vi điện tử, đồng thời thông tin về chương trình đào tạo mới của các trường đại học với kỳ vọng giúp các sinh viên phát triển kỹ năng, kiến thức cần thiết trong ngành kỹ thuật điện tử và truyền thông.

Ông Thomas Aulig, Phó hiệu trưởng trường đại học Việt – Đức, cho biết nhà trường sẽ là cầu nối giúp nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp và sinh viên “gặp nhau”.

“Thông qua các cuộc hội thảo chuyên đề, ngày hội thông tin và các hoạt động giao lưu trực tiếp giữa doanh nghiệp và sinh viên sẽ giúp các đơn vị tuyển dụng có dịp kết nối, tìm kiếm nguồn nhân sự chất lượng cho chính các nhà kinh doanh”, ông Thomas Aulig chia sẻ.

Minh Anh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-khat-nhan-su-nganh-cong-nghiep-ban-dan/