Doanh nghiệp hợp tác giới học thuật đón đầu cơ hội phát triển kinh tế số

Theo các diễn giả, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và giới học thuật đang nổi lên như một hướng đi hiệu quả để thúc đẩy nền kinh tế số.

Các nền kinh tế số toàn cầu đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Làm thế nào để các học giả, nhà lãnh đạo tư tưởng và chuyên gia trong các ngành nghề có thể tác động lên những thị trường mới nổi trong bối cảnh này? Đây là một trong những chủ đề lớn được đem ra phân tích tại Hội thảo Digital3 do Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam chủ trì tổ chức.

Là một trong những chuyên gia quốc tế kỳ cựu diễn thuyết tại Hội thảo Digital3, GS. Jason Potts - Đồng sáng lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo blockchain thuộc Đại học RMIT nhận định: “Kinh tế số giúp tái thiết toàn thế giới một cách sâu sắc toàn diện. Đây là cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển vũ bão vì họ đang trên hành trình cải cách thể chế, cũng như tái xây dựng và tái thiết kế cơ bản và phát triển hạ tầng kinh tế”.

Trong bối cảnh đó, hợp tác doanh nghiệp và giới học thuật nổi lên như một hướng đi hiệu quả để thúc đẩy nền kinh tế số.

Khách tham dự hội thảo đã thu hoạch được kiến thức sâu sắc, thú vị trong mảng học thuật quanh bốn chủ đề chính: trí tuệ nhân tạo, blockchain, thành phố thông minh và chuyển đổi số

Trưởng khoa Kinh doanh RMIT Việt Nam, GS. Robert McClelland cho biết ông đã tận mắt chứng kiến sức mạnh hợp tác giữa giới học thuật và doanh nghiệp trong các ngành nghề.

“Mối lương duyên chặt chẽ giữa nghiên cứu học thuật và hiểu biết thực tiễn sâu sắc có khả năng tạo ra thay đổi sâu rộng và khai mở những khả năng mới cho các thị trường đang nổi. Hội nghị này thể hiện cam kết của nhà trường trong việc thúc đẩy những kết nối quan trọng này”, GS. McClelland nói.

Trong chương trình, TS. Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệm bộ môn cấp cao của RMIT đã chủ trì phiên thảo luận với các chuyên gia trong các lĩnh vực blockchain, AI và kinh tế số. Các khách mời chia sẻ kỳ vọng rằng với lực lượng dân số trẻ và môi trường thuận lợi cho ứng dụng kỹ thuật ở Việt Nam, nhân lực sẽ sớm không còn là một vấn đề nan giải nữa.

“Mức lương hiện tại ở Việt Nam khá cạnh tranh so với các thị trường khác nhưng chất lượng nhân lực vẫn chưa bắt kịp với mức giá đó”, diễn giả Lê Thanh cho biết. Ông hy vọng các trường đại học như RMIT có thể giúp giải quyết thách thức này.

Các chuyên gia trong phiên thảo luận nhóm

Câu hỏi làm thế nào nghiên cứu học thuật có thể giúp điều hướng thách thức trong giai đoạn chuyển đổi sang kinh tế số cũng được các chuyên gia thảo luận sôi nổi. Các chuyên gia kết luận rằng dẫu có tiềm năng rất lớn, vẫn còn dư địa để hiệu chỉnh hoạt động hợp tác giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp trong ngành.

GS. Claire Macken - Tổng Giám đốc RMIT Việt Nam trao giải Nghiên cứu suất xắc nhất tại hội thảo

Đại học RMIT giới thiệu Digital3 vào tháng 11/2022 - một cách tiếp cận mới về đào tạo kinh doanh dựa trên kết nối giữa các ngành nghề với nghiên cứu nhằm đón đầu các xu hướng làm việc mới trong nền kinh tế số phát triển nhanh chóng.

Digital3 (D3) đặt mục tiêu nâng cao kỹ năng của người học thông qua phát triển chuyên môn hiệu quả, giúp họ trang bị kỹ năng mới và giải pháp thực tế để tự tin tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số.

Sáng kiến mới này huy động kiến thức từ các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới của RMIT - nơi quy tụ nhiều chuyên gia về các công nghệ kỹ thuật số bao gồm blockchain, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thực tế ảo…

Doãn Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-hop-tac-gioi-hoc-thuat-don-dau-co-hoi-phat-trien-kinh-te-so-2213623.html