Doanh nghiệp gặp khó khi tỉ giá biến động

Tính từ đầu năm đến nay, đồng Đô la Mỹ đã tăng khoảng 4,76%. Áp lực tỉ giá đang tác động trực tiếp đến chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Là doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm dược liệu, đại diện CTCP Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam cho biết, tỉ giá tăng cao, trước mắt họ sẽ được hưởng lợi, song điều này sẽ không kéo dài. Ngược lại, sự biến động của tỉ giá và các ngoại tệ khác tăng khiến chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp tính đến điều chỉnh giá bán.

Với ngành gỗ, dù sản phẩm đầu ra khi xuất khẩu sẽ hưởng lợi nhờ tỉ giá tăng, song biến động tỉ giá cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp gỗ gặp khó khi phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, họ bị tác động mạnh của giá đầu vào.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp xuất khẩu phải có kế hoạch để chủ động trước những điều chỉnh về tỉ giá

Theo các chuyên gia, để tránh những tác động do biến động khó lường của tỉ giá, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải làm tốt hơn công tác dự báo cũng như tham gia vào các công cụ về phòng ngừa rủi ro.

PGS. TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, việc điều chỉnh tỉ giá hối đoái là một xu thế buộc chúng ta phải chấp nhận. Và trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải có kế hoạch để chủ động trước những điều chỉnh về tỉ giá và sử dụng các công cụ phái sinh để có thể bảo hiểm đảm bảo việc thực hiện các kế hoạch.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, thời gian qua các bộ, ngành đã tìm mọi cách tháo gỡ nhằm hạ thấp các chi phí logistic cũng như các chi phí liên quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải có sự tính toán để giảm các chi phí vận chuyển. Theo nguyên tắc, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỉ giá một cách chủ động, linh hoạt, để từ đó, đồng Việt Nam nếu có tăng hoặc giảm giá so với USD thì sẽ chỉ trong phạm vi từ 2 - 3%.

Sự biến động của tỷ giá đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thương mại ở cả chiều nhập khẩu và xuất khẩu, song doanh nghiệp Việt vẫn có thể chủ động kiểm soát; tối đa hóa nguồn lực, tìm kiếm các vật liệu thay thế ngay ở trong nước để giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế sẽ giúp giảm bớt chi phí nhập khẩu, hạn chế rủi ro khi tình hình thế giới vẫn có nhiều biến động.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/doanh-nghiep-gap-kho-khi-ti-gia-bien-dong-234379.htm