Doanh nghiệp 'đói vốn' đúng theo 'lộ trình' các chuyên gia đã dự đoán

Những dự báo về tình trạng khó khăn của doanh nghiệp đã được dự báo khá chính xác trong Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023. Tại sự kiện này, nhiều chuyên gia khuyến nghị, cần tiếp tục khơi thông tín dụng, củng cố lại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp...

Ngày 28-2, Văn phòng Chính phủ đã phát thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá kỹ thông tin được phản ánh trên VnEconomy về tình trạng "đói vốn, nhiều doanh nghiệp buộc phải bán cho nước ngoài để giải vây" và có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định.

ĐÓI VỐN DIỄN RA TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC

Trong bài viết: “Đói vốn, nhiều doanh nghiệp buộc phải bán cho nước ngoài để giải vây" đăng trên VnEconomy ngày 18/2, có nhiều nội dung phản ánh về những khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2023.

Theo đó, ngành mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm mạnh, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa (gỗ dăm và viên nén tăng nhưng chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp FDI).

Thực tế ghi nhận cho thấy, chỉ có 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, có 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.

Riêng trong lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và có xu hướng đi vào suy thoái. Sự ngưng trệ của thị trường bất động sản đã kéo theo sự ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan. Đơn cử, ngành vật liệu xây dựng đang ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng cả trên thị trường trong và ngoài nước.

Cụ thể, hiện giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng, doanh nghiệp nợ lẫn nhau. Người lao động bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống an sinh xã hội…

Cũng nằm trong tình trạng rất cần vốn để hoạt động nhưng các doanh nghiệp ngành dệt may đang quá gian nan. Nhiều công ty đang bị ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản chỉ còn 50 - 60% so với trước đây khiến hạn mức cho vay giảm mạnh.

Một trong những ngành hàng vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất là lương thực, thực phẩm, nhưng các doanh nghiệp ngành này cho biết họ cũng không có lãi, khi mà lãi suất cho vay của ngân hàng tăng trên 10%/năm, cộng thêm giá nước tăng.

Đáng chú ý, những dự báo về tình trạng khó khăn của doanh nghiệp đã được các chuyên gia kinh tế dự báo khá chính xác trong Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 1/2023.

CHUYÊN GIA HIẾN KẾ GIÚP DOANH NGHIỆP VƯỢT KHÓ

Tại diễn đàn này, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV khẳng định: “Năm 2023 doanh nghiệp đang gặp những khó khăn rất lớn, 1 là pháp lý. Tôi muốn nhấn mạnh về vấn đề bất động sản, hiện nay còn hàng ngàn dự án đang tồn đọng về pháp lý chưa thể xử lý được. Thứ 2 là vấn đề nguồn vốn, dù sao vẫn ách tắc, vẫn chưa khơi thông hoàn toàn, nhất là kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 giảm tới 60% lượng phát hành. Nhưng quan trọng hơn là nghĩa vụ trả nợ năm tới của khối doanh nghiệp bất động sản. Theo thống kê, trái phiếu đáo hạn năm 2023 là 120.000 tỷ. Rõ ràng đây là vấn đề rất lớn cần xử lý. Chính phủ, Bộ Tài chính đang tư vấn để có cách thức xử lý cho kịp thời, khả thi.

Thứ 3 là về nhân sự lao động, do doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu đơn hàng nên buộc phải cắt giảm nhân sự. 600.000 lao động bị cắt giảm tại khu vực phía Nam, rõ ràng đây là câu chuyện rất lớn cho chúng ta trong thời gian tới. Tiếp đó là câu chuyện rủi ro nợ xấu. Đây là hệ quả của những khó khăn kinh tế mang lại. Tất nhiên hiện nay năng lực của hệ thống tài chính, ngân hàng đã mạnh hơn, cho nên chúng ta cũng một phần yên tâm. Điều cuối cùng tôi muốn nhắc lại, đó là thị trường trái phiếu, bất động sản và chứng khoán, dù chúng ta nhận diện tốt rồi, nhưng vẫn mất thời gian xử lý”.

Cũng tại diễn đàn nêu trên, ông Nguyễn Bích Lân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đưa ra những số liệu rất chi tiết về khó khăn của doanh nghiệp: “Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, quý 3/2022 có 23,5% các doanh nghiệp phản ánh lãi suất cao không vay được. Sang quý 4, số 37,5% doanh nghiệp kêu về lãi suất tăng, tức là sự khó khăn về vốn của doanh nghiệp đang xảy ra nhiều hơn, phổ biến hơn. Hiện nay, cơ cấu doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm rất nhiều, tới 98%, cho nên số doanh nghiệp này không có khả năng huy động về vốn. Thực tế những tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn huy động về vốn được qua kênh phát hành trái phiếu, thì năm 2022 đã bị tắc rồi. Đây là biến cố của nền kinh tế. Nếu chúng ta không xử lý tốt, thì doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Sự khó khăn này lan rộng trong các khối, kể cả doanh nghiệp lớn cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa.”

Ông Lân đưa ra kết luận: “Dù có nói chính sách gì đi nữa, nhưng nếu để doanh nghiệp khó khăn thì không thể có tăng trưởng kinh tế. Vì vậy chúng ta phải có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Và thực ra chúng ta cứu doanh nghiệp, thì chính là ổn định kinh tế vĩ mô và tạo dựng sự ổn định cho những năm sau.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch đầu tư, cho rằng: “Một số vấn đề nổi cộm hiện nay đó là tỷ giá, lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường chứng khoán, bất động sản cũng đang được các bộ, ngành nhận diện và tham mưu cho Chính phủ để tìm ra các hướng xử lý kịp thời, bài bản nhất. Về thị trường trái phiếu chẳng hạn, vừa rồi Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 để giúp khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, hiện nay cũng vẫn tiếp tục sửa đổi.

Tuy nhiên, khi ban hành 1 chính sách mới, về phía cơ quan quản lý cũng chịu rất nhiều sức ép để đảm bảo thị trường này phát triển lành mạnh, vừa hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp nhưng cũng không để xảy ra tình trạng lợi dụng, gây hại cho quyền lợi của nhà đầu tư, từ đó có thể ảnh hưởng tới hệ thống tiền tệ, cũng như hệ lụy về kinh tế xã hội”.

Liên quan đến kênh huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023, theo một số chuyên gia, hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chứng kiến hai xu hướng trái ngược. Nhiều doanh nghiệp phát hành không thành công, xin khất nợ trái phiếu.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp vẫn phát hành thành công, mua lại trước hạn, thanh toán đúng hạn nhiều lô trái phiếu. Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng, giúp cho niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại.

Việc củng cố lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp bao gồm việc không đánh đồng các doanh nghiệp tốt xấu và quan trọng là vẫn phải xác định được mức lãi suất hấp dẫn, khả năng thanh toán tốt, kinh doanh hiệu quả, minh bạch thông tin. Đợt khủng hoảng vừa qua, chủ yếu đến từ các doanh nghiệp bất động sản, một ngành thường chịu rủi ro về bong bóng tài sản và chu kỳ tín dụng.

Theo thống kê, trong tháng 2 vừa qua đã có 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ở thị trường trong nước. Tổng lượng trái phiếu phát hành ra công chúng thuộc về Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan với lãi suất là 9,5%/năm và kỳ hạn 5 năm và Công ty CP Bất động sản Sơn Kim.

Song Hoàng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-doi-von-dung-theo-lo-trinh-cac-chuyen-gia-da-du-doan.htm