Doanh nghiệp đổi bảng giá mới, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Kể từ đầu tháng 4, giá nhiều mặt hàng đã được điều chỉnh tăng, từ những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như trứng, thịt, gas cho tới nguyên liệu đầu vào sản xuất như thức ăn chăn nuôi, giá dầu... Bộ Công Thương lo ngại xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa trong năm nay và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.

Kể từ ngày 1/4, giá gas bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng thêm 14.000 đồng/bình 12kg. Đây là lần thứ ba trong năm 2022, giá gas tăng liên tiếp với tổng mức tăng là 72.000 đồng/bình 12kg.

Mặt bằng giá mới được thiết lập

Các công ty gas cho hay, giá gas trong nước vào tháng 4 tăng mạnh theo đà tăng giá nhiên liệu cả thế giới trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga - Ukraine vẫn chưa kết thúc. Giá gas thế giới bình quân tháng 4 là 950 USD/tấn, tăng 42,5 USD/tấn so với tháng 3.

Từ ngày 2/4, TP. HCM tăng giá bán thịt, trứng gia cầm từ 7-14%.

Đặc biệt do gas là mặt hàng giao và lắp đặt tận nhà nên trong tháng 4, người tiêu dùng đổi gas thông thường sẽ phải chi từ 550.000 - 600.000 đồng/bình 12kg, tùy thương hiệu và màu vỏ bình (nếu không có các chương trình khuyến mãi).

Cũng từ ngày 1/4, dù giá xăng giảm 1.000 đồng/lít, trong khi đó các mặt hàng dầu tăng từ 506 - 1.519 đồng/lít/kg. Hiện nay, 100% xe tải, xe container đều sử dụng nguyên liệu dầu, vì vậy việc tăng giá mặt hàng này sẽ tiếp tục thêm gánh nặng, áp lực tăng chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian tới.

Trong khi đó, với ngành chăn nuôi, mặc dù Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã bày tỏ mong muốn trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không vội tăng giá, nhưng kể từ ngày 1/4, một số doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh tăng giá. Tính từ cuối năm 2020 đến nay, đây là lần tăng giá thứ 11.

Cụ thể, công ty TNHH CJ Vina Agri cho biết do tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động trong thời gian vừa qua, vì vậy công ty này quyết định tăng 400 đồng/kg đối với các loại thức ăn đậm đặc, thức ăn heo con, bò; Thức ăn cho heo nái, heo thịt, gà thịt, gà đẻ, vịt thịt, vịt đẻ, dê tăng 300 đồng/kg.

Công ty Greenfeed cũng quyết định tăng 400 đồng với sản phẩm tập ăn heo con và đậm đặc các loại; tăng 300 đồng/kg với tất cả các sản phẩm còn lại. Mức giá mới này áp dụng từ ngày 1/4/2022, đối với tất cả các sản phẩm thức ăn cho gia súc, gia cầm và bò mang nhãn hiệu GreenFeed, Hi-Gain, Hitek và FCR.

Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Việt Trung (địa chỉ huyện Nam Sách, Hải Dương) cũng thông báo điều chỉnh tăng giá các sản phẩm thức ăn đậm đặc thêm 500 đồng/kg và các sản phẩm thức ăn hỗn hợp tăng 400 đồng/kg.

Công ty Cổ phần MNS Feed (hệ thống Proconco và Anco) thông báo tăng giá tất cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi thuộc nhãn hiệu Proconco và Anco do công ty sản xuất. Theo đó, tăng 400 đồng/kg với thức ăn cho heo (heo con và đậm đặc), tăng 300 đồng/kg với các nhóm sản phẩm còn lại.

Không chỉ giá nguyên liệu đầu vào tăng mà giá các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như trứng, thịt trong chương trình bình ổn giá cũng được điều chỉnh. Theo đó, từ ngày 2/4, TP. HCM tăng giá bán thịt, trứng gia cầm từ 7-14%. Cụ thể, sau khi tăng, thịt gà ta ở mức 90.000 đồng/kg, thịt gà tam hoàng 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp 45.000 đồng/kg và thịt vịt 68.000 đồng/kg. Trứng gia cầm tăng 6-7% với trứng gà lên 29.500 đồng/chục (giá cũ 28.000 đồng); trứng vịt 35.000 đồng/chục (giá cũ 33.000 đồng).

Lạm phát kỳ vọng sẽ khiến người dân tiết kiệm chi tiêu

Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng đạt 438.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.318.000 tỷ đồng, tăng 4,4%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

"Nhìn chung, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua vẫn còn yếu, tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu như hàng lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa giáo dục và phương tiện đi lại (mức tăng từ 5,4 - 11%), trong khi các nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đều giảm từ 3,6-4,9%.

"Xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa trong năm nay và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu", Bộ Công Thương đặt vấn đề.

Cũng theo Bộ Công Thương, từ giữa tháng 3, giá một số mặt hàng tươi sống, rau củ quả và một số hàng hóa có chiều hướng tăng do tác động từ chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu tăng.

Theo đó, Bộ Công Thương lo ngại thời gian tới, nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang, giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Giá hàng hóa, nguyên nhiên liệu nhập khẩu là đầu của sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao khiến giá hàng hóa trong nước gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát.

Trước thực tế trên, Bộ Công Thương khẳng định sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, phối hợp chặt với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu tư, thao túng giá.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế là kích cầu tiêu dùng nội địa. Người dân chi tiêu nhiều hơn thì doanh nghiệp mới bán được hàng, phục hồi nhanh chóng sản xuất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang phải "thắt lưng buộc bụng" do thu nhập giảm, giá cả hàng hóa tăng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, nhấn mạnh thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường thì về nguyên tắc, chúng ta phải chấp nhận những tín hiệu khách quan của thị trường để ứng xử phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, như vậy thì không có nghĩa là phó mặc cho những cú sốc của thị trường mặc sức tự do va đập gây bất lợi cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mà cần phải có những giải pháp ứng phó phù hợp thích ứng với những biến động của thị trường.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/doanh-nghiep-doi-bang-gia-moi-nguoi-tieu-dung-that-chat-chi-tieu-1084577.html