Doanh nghiệp địa ốc vẫn 'ngồi trên đống lửa' vì vướng pháp lý

Dự án kéo dài vì 'tắc' pháp lý đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản kiệt quệ. Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng ngành địa ốc cần 'thuốc đặc trị' là được phê duyệt dự án, khơi thông dòng vốn, thay vì chỉ là các chính sách giãn, hoãn nợ.

Thời gian qua, một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong lĩnh vực địa ốc là việc Công ty cổ phần Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 liên tục gửi đơn “kêu cứu” vì dự án 'đứng bánh' 7 năm, khiến công ty rơi vào cảnh mất khả năng thanh khoản.

Doanh nghiệp “kêu cứu”

Ông Đặng Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5, cho hay gần như toàn bộ các dự án của công ty hiện đang gặp vướng mắc trong công tác thẩm định giá đất, xác định giá trị doanh nghiệp và quyết toán chuyển thể kéo dài nên không thể triển khai.

Dự án duy nhất công ty có thể triển khai để có nguồn thu là dự án tại quận 8 khởi công từ tháng 2/2018 và đã thi công xong tầng trệt. Tuy nhiên, đến tháng 7/2019, dự án phải tạm dừng thi công vì chưa được cấp phép xây dựng phần thân, do khu đất chưa được Sở TN&MT cập nhật biến động tên đơn vị sử dụng đất mới.

“Công ty đã rót hơn 250 tỷ đồng vào dự án, sau hơn 3 năm vẫn đứng bánh, mỗi tháng công ty phải trả lãi vay ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng. Đến nay riêng tiền lãi phát sinh là 35,518 tỷ đồng. Dự án đình trệ, công ty đứng trước nguy cơ phá sản, mất vốn nhà nước. Dù đã cầu cứu rất nhiều nhưng các sở ngành vẫn không giải quyết”, vị đại diện địa ốc Sài Gòn 5 than thở.

Khó khăn về pháp lý vẫn đang là điểm nghẽn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản.

Thực tế việc doanh nghiệp “kêu cứu” về dự án bị treo do những vướng mắc pháp lý không lạ trong thời gian qua. Chắc hẳn giới bất động sản vẫn chưa quên việc Công ty TNHH Gotec Việt Nam (Gotec Land) chủ đầu tư của dự án Shizen Home đầu năm 2023 gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng.

Thời điểm gửi đơn, đại diện Gotec Land cho biết đã 6 tháng kể từ lần nộp hồ sơ đầu tiên nhưng chưa được Sở Xây dựng cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, khiến công ty thiệt hại 1.052 tỷ đồng. Vừa qua, nhiều thông tin cho hay dự án đang được tháo gỡ, nhưng cũng chưa rõ khi nào được duyệt đủ điều kiện bán.

Tương tự, vào đầu tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trực tiếp làm việc với ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland, để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án của doanh nghiệp này ở Đồng Nai.

Cần gỡ khó tận gốc

Chỉ đạo trên được Thủ tướng Chính phủ đưa ra sau khi nhận được công văn của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đơn của Novaland, UBND tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị khẩn cấp tháo gỡ vướng mắc tại các dự án.

Tại Đồng Nai, Novaland đang là chủ đầu tư của 9 dự án, đó là các dự án thành phần của Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (gồm 3 dự án thành phần Khu dân cư Long Hưng, Khu đô thị Đồng Nai WaterFront, Khu đô thị Aquacity) và dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp cù lao Phước Hưng.

Thời gian qua, do những điều chỉnh về quy hoạch chung của địa phương, Novaland đang phải tạm dừng triển khai xây dựng và kinh doanh tất cả các dự án. Sự việc này đã kéo dài gần hai năm, gây nhiều thiệt hại nhà đầu tư, khách hàng. Theo tính toán, hiện mỗi ngày Novaland và Novagroup phải trả trung bình 50 tỷ đồng lãi phát sinh.

Có thể thấy, dù hàng loạt các chính sách vĩ mô đã được triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tuy nhiên hầu hết mới chỉ nằm trên giấy, chưa có nhiều tác động vào thực tế. Minh chứng là các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang chật vật với bài toán dòng tiền, thanh khoản, đặc biệt là pháp lý.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cho rằng cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước hết, cần khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm, tiếp tục sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường. Phương án này cần lưu ý đến các doanh nghiệp lớn, có sức ảnh hưởng với thị trường.

Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DKRA, nhấn mạnh ách tắc lớn nhất hiện tại là pháp lý, trong đó đầu bảng là đền bù, tiền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, đất công xen kẽ trong các dự án…

Riêng ở TP.HCM, theo ông Lâm, từ năm 2022 đến nay liên tục hô hào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thực tế vẫn chưa có một kết quả nào rõ ràng. Những khó khăn của doanh nghiệp đang rất nghiêm trọng, nên nếu không thể khơi thông về dòng tiền thì việc gỡ khó về cơ chế, chính sách là giải pháp tối cần thiết lúc này.

Trong khi đó, trên nghị trường Quốc hội đầu tháng 6 vừa qua, khi nói về vấn đề vốn cho bất động sản, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nhà đất vẫn luôn cao hơn so với mức tăng trưởng chung, nhưng với những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay thì 70% là khó khăn về pháp lý.

Theo đó, giải pháp hiện tại là phải tập trung vào tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý cho doanh nghiệp, vì còn vướng mắc thì ngân hàng muốn cho vay cũng không thể. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải rà soát để điều chỉnh giá bất động sản. Như vậy, sẽ kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp xây dựng bất động sản cũng như là người mua nhà.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/doanh-nghiep-dia-oc-van-ngoi-tren-dong-lua-vi-vuong-phap-ly-1093186.html