Doanh nghiệp dệt may trên đà phục hồi

Trong tháng 10 và 11, các doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã nhận thêm nhiều đơn hàng mới. Đặc biệt, nhu cầu ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu có dấu hiệu tăng đáng kể đã mở ra cơ hội tìm kiếm đơn hàng cho ngành dệt may trong năm 2024.

Đơn hàng tăng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 50 DN dệt may. Trong số đó, đa phần sản phẩm của các DN lớn (như: Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Xí nghiệp May Khatoco, Công ty TNHH Một thành viên Phát triển trang phục phụ nữ kiểu Pháp...) đều phục vụ xuất khẩu, đã đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các thị trường chính là Mỹ (hơn 50%), châu Âu, Ả Rập, Canada và Hàn Quốc. Mặc dù trong 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may mới đạt 56,7 triệu USD song nếu chỉ tính riêng tháng 10, dệt may đã xuất khẩu được 4,6 triệu USD, tăng tới gần 38% so với tháng 9. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự phục hồi của lĩnh vực dệt may. Nhiều DN đã nhận được các đơn hàng đến hết quý I/2024; doanh thu tháng 10 tăng so với tháng 9.

Xưởng may 1 của Công ty TNHH Komega-X.

Xưởng may 1 của Công ty TNHH Komega-X.

Ông Kim Jeong Bae - Giám đốc Công ty TNHH Komega-X cho biết, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc và găng tay thể thao xuất khẩu với năng lực sản xuất khoảng 1,2 triệu sản phẩm/tháng. Sản phẩm của công ty xuất khẩu cho các thị trường chính: Mỹ (26%), Hà Lan (22%), Canada (19%), Italia (15%), Trung Quốc (11%) và Thụy Điển (7%). Mặc dù năm 2023 gặp khá nhiều khó khăn song kết thúc quý III, doanh thu của công ty đạt khoảng 16 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập bình quân của người lao động tăng 6%. Thời gian vừa qua, công ty đã rất cố gắng để duy trì sản xuất. Công đoàn công ty luôn chăm lo đời sống người lao động; bám sát để động viên công nhân vượt qua khó khăn, yên tâm ở lại nhà máy làm việc, góp phần bảo đảm các đơn hàng công ty đã ký kết.

Ông Nguyễn Hải Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, sở dĩ đơn hàng của ngành dệt may tăng là vì thị trường Mỹ (chiếm 60% sản phẩm xuất khẩu) đã sử dụng hết hàng tồn kho. Chu kỳ cắt giảm hàng tồn kho của Mỹ sắp kết thúc và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng khá mạnh trong quý III. Bên cạnh đó, chi tiêu của người tiêu dùng dần hồi phục trong nửa cuối năm 2023 và các nhãn hàng bắt đầu chuẩn bị cho giai đoạn nửa đầu năm 2024 ngay từ quý IV/2023. Đồng thời, thời điểm hiện tại đúng dịp mua sắm cuối năm, cùng với kinh tế Mỹ đã phục hồi nên nhu cầu hàng may mặc tăng cao. Hiện nay, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang hoạt động hết công suất và đã có đơn hàng sản xuất đến hết quý I/2024.

Tiếp tục mở rộng thị trường

Ngành dệt may đang có những tín hiệu tích cực, kể cả trong những tháng tới. Các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu cũng khởi sắc hơn. Dự kiến, đơn đặt hàng của ngành dệt may sẽ được cải thiện dần từ quý IV/2023. Tuy nhiên, theo nhận định của các DN dệt may trên địa bàn tỉnh, những tháng còn lại của năm 2023 và trong năm 2024, DN dệt may vẫn có thể phải chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi, như: Bất ổn chính trị, xung đột vũ trang ở các khu vực có nguy cơ lan rộng; tín hiệu phục hồi bền vững ở cả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều chưa rõ ràng; thời gian áp dụng EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với môi trường) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) đang đến gần… sẽ là rào cản đối với hoạt động xuất khẩu. Tuy tổng thể thị trường năm 2024 khả năng tốt hơn năm 2023 song không cải thiện nhiều. Tổng cầu năm 2024 dự kiến vẫn thấp hơn 2022 từ 5 đến 7%; xu thế giảm số lượng hàng hóa để chuẩn bị dần cho việc áp dụng EPR; chi phí đầu vào tăng và yêu cầu chất lượng cũng khắt khe hơn.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, các DN dệt may trên địa bàn tỉnh đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Theo đó, từ nay đến cuối năm, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang tập trung tối ưu hóa hoạt động sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, bám sát khách hàng, bám sát thị trường để có các chính sách linh hoạt, kịp thời; đa dạng sản phẩm, tìm kiếm thêm các thị trường mới. Xí nghiệp May Khatoco đẩy mạnh tìm nguồn hàng gia công để tạo việc làm cho người lao động, qua đó giữ ổn định nhân lực sẵn sàng cho các đơn hàng năm sau.

Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để ngành công nghiệp dệt may tiếp tục có mức tăng trưởng cao hơn trong các tháng cuối năm, bên cạnh hỗ trợ DN phát triển hiệu quả, khai thác thị trường trong nước, sở cũng tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường ngoài nước để giúp DN đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, sở kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ DN đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của đối tác xuất khẩu đối với nhóm hàng chủ lực và các thị trường đã ký Hiệp định Thương mại tự do để có các đơn hàng mới, kích thích sản xuất công nghiệp. Sở Công Thương cũng đã yêu cầu bộ phận chuyên môn của sở cung cấp thông tin tham tán thương mại tại các nước để DN chủ động liên hệ về tiếp cận thị trường. Sở tạo điều kiện kết nối DN với thị trường các nước cũng như cơ quan liên quan trong lĩnh vực thương mại; đồng thời hỗ trợ DN khai thác các hiệp định thương mại, thông qua đại sứ, tham tán ở các nước để đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

ĐÌNH LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202311/doanh-nghiepdet-may-tren-da-phuc-hoi-6c86e8e/