Doanh nghiệp dệt may nỗ lực thoát 'kiếp gia công'

Không chấp nhận mang 'kiếp gia công', ngày nay nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã xây dựng thành công những thương hiệu 'made in Viet Nam' để xuất khẩu, giúp thu về giá trị cao hơn gấp nhiều lần.

Xây dựng, làm mới thương hiệu

Trong tất cả mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, dệt may có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Dây chuyền sản xuất tại Tổng Công ty May 10.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu, qua đó tạo giá trị cao hơn trong các đơn hàng xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa, những sản phẩm “made in Viet Nam” đã tạo vị thế vững chắc, chinh phục người tiêu dùng.

Mới đây, Tổng Công ty May 10 đã đưa ra thị trường hai dòng sản phẩm mang thương hiệu Generos và DeTheia nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, Generos sẽ hướng tới phân khúc khách hàng trẻ tuổi; DeTheia là dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới.

Nhờ đó, ngay đầu năm nay, May 10 đã có hơn 200 đơn hàng xuất khẩu thương hiệu thời trang DeTheia đi sang Trung Đông.

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Đức Giang Phạm Tiến Lâm khẳng định, những năm qua, đơn vị luôn tập trung đầu tư cho khâu sản xuất, hợp tác với nước ngoài để tiếp thu kỹ năng chuyển giao công nghệ quản lý sản xuất, phát triển sản phẩm mới nhằm tăng trưởng xuất khẩu và cạnh tranh tại thị trường trong nước.

Đến nay, công ty đã đưa ra thị trường nhiều thương hiệu thời trang như: Paul Downer, DGC, S.Pearl, HeraDG, Forever Young… đồng thời phát triển chuỗi cửa hàng may đo veston thương hiệu Smart Suits Tailor Shop đã được khách hàng trong nước tin dùng và đánh giá cao.

Không chỉ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhiều doanh nghiệp dệt may đã đẩy mạnh nội địa hóa nguyên phụ liệu, đồng thời liên kết chặt chẽ với các trường để tìm kiếm nhân tài và nâng cao chất lượng gia tăng sản xuất.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dệt may, đầu tư, thương mại Thành Công (TCM) đã đầu tư hàng tỷ đồng cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Hàng năm, doanh nghiệp tuyển dụng nhiều sinh viên của Đại học Bách Khoa để trao cho các em cơ hội nghiên cứu những loại sợi vải vừa thân thiện môi trường, vừa có tính ứng dụng cao.

Còn Công ty cổ phần Kết nối Thời trang (Faslink) đã tiên phong đầu tư mạnh cho R&D và cho ra thị trường nhiều loại sợi vải “xanh” từ sen, cà phê, bạc hà, tre… có tính ứng dụng cao.

Đến nay, công ty đã cung ứng gần 3 triệu sản phẩm từ vải sợi cà phê cho hơn 40 nhãn hàng thời trang, như: Owen, Yody, Coolmate, Routine...

Thương hiệu quốc gia - “bệ đỡ” để hàng Việt vươn ra thế giới

Theo Brand Finance (Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, trụ sở tại Anh), năm 2023, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua.

Hiện, Thương hiệu quốc gia Việt Nam xếp thứ 33 trong Top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance đánh giá trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất, Việt Nam có sự chuyển đổi mạnh mẽ về giá trị thương hiệu của các ngành. Trong đó, 3 ngành viễn thông, ngân hàng và thực phẩm có đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị bảng xếp hạng.

Theo các chuyên gia, việc có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp. Bởi tất cả sản phẩm của doanh nghiệp phải xây dựng trên thương hiệu của chính sản phẩm ấy, từ đó định vị ở thị trường nội địa và quốc tế.

Thương hiệu quốc gia không chỉ là một thương hiệu mà còn là nền tảng để những nhà nhập khẩu nước ngoài lựa chọn. Thương hiệu quốc gia sẽ trở thành cầu nối giúp doanh nghiệp đi ra thế giới nhanh hơn.

Thực tế, nhiều sản phẩm đến từ các doanh nghiệp như: Giày thể thao Biti’s (Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên), gốm sứ Minh Long, gỗ An Cường, gạo A An (Tập đoàn Tân Long), gạo Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời), sản phẩm thời trang Việt Tiến (Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến), sữa Vinamilk... đã đạt chứng nhận Thương hiệu quốc gia và ngày càng phát huy giá trị, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Phương Anh

Báo Lao động Xã hội số 50

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/doanh-nghiep-det-may-no-luc-thoat-kiep-gia-cong-20240425092134545.htm