Doanh nghiệp đang kỳ vọng những giải pháp cấp bách để củng cố niềm tin và gia tăng nội lực

Doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn, niềm tin xuống thấp. Truyền thông chính sách và khâu thực thi phải cải thiện mạnh mẽ để tương xứng với quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ và hệ thống hành chính để thực sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Chuyên gia Phát triển Khu vực tư nhân, Giám đốc Văn phòng Ban IV.

+ Gần đây, thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng tháng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã tập hợp tình hình, khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình tập hợp, bà thấy tình hình từ doanh nghiệp, tâm trạng doanh nghiệp ra sao? Họ nhìn triển vọng những tháng tới đây thế nào?

 Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Chuyên gia Phát triển Khu vực tư nhân, Giám đốc Văn phòng Ban IV.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Chuyên gia Phát triển Khu vực tư nhân, Giám đốc Văn phòng Ban IV.

- Những bộc lộ của gần 10.000 DN ở nhiều ngành, lĩnh vực mà chúng tôi vừa khảo sát gần đây cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành đặc biệt thấp. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân dường như đang bi quan hơn so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước. Điều này làm chúng tôi rất trăn trở.

Theo kết quả khảo sát, có 10,9% doanh nghiệp chờ giải thể. 12,4% đã tạm ngừng kinh doanh. 38,5% doanh nghiệp đã giảm mạnh quy mô và 20,5% giảm nhẹ quy mô sản xuất kinh doanh.

Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71, 2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5% (trong đó 29,4% số doanh nghiệp cho biết giảm hơn 50% doanh thu).

Có đến 81,4% doanh nghiệp có đánh giá tiêu cực về triển vọng kinh tế những tháng tới trong khi chỉ có 4,2% doanh nghiệp có đánh giá tích cực.

Doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu thì hoang mang khi cầu sụt giảm mạnh nhưng những quy định yêu cầu từ các nước nhập khẩu khó lên. Đơn cử như yêu cầu về thuế cacbon, hay hàng xuất khẩu vào EU phải chứng minh được là không liên quan đến vùng đất bị cho là phá rừng, nước Đức lại đặt ra tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Đức…

+ Có thể thấy những ảnh hưởng xấu từ tình hình thế giới đang càng ngấm sâu hơn vào kinh tế trong nước bên cạnh những thách thức nội tại. Vậy đâu là những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối diện?

- Các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt là: thiếu đơn hàng (59, 2% doanh nghiệp cho biết gặp vấn đề này); khó tiếp cận vốn vay (51,1% doanh nghiệp đang gặp phải); Khó khăn về thủ tục hành chính và thực hiện các quy định của pháp luật (45,3% doanh nghiệp phản ánh). Trong khi khó khăn chồng khó khăn, lại vẫn có thêm những quy định làm khó thêm như quy định mới về phòng cháy chữa cháy…

Bên cạnh đó là sự lo ngại nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế khiến cho nhiều người chững lại, nhiều việc dừng lại (có 31,1% số doanh nghiệp đã nói lên điều này).

Phải nói là doanh nghiệp đang trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng khâu thực thi chính sách, truyền thông chính sách lại kém hiệu quả và đang là vấn đề ảnh hưởng tới niềm tin của doanh nghiệp.

Khi trả lời khảo sát của Ban IV, cộng đồng doanh nghiệp đều nhận thấy điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Nhưng khâu thực thi và truyền thông chính sách chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng. Đơn cử như vấn đề hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp rất chậm và kéo dài. Trong giai đoạn này, rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn về dòng tiền, nhưng vẫn phải đeo đuổi hằng năm để “xin” hoàn thuế.

Và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Lúc này áp lực mọi bề, cần có những giải pháp và hành động cấp bách gỡ các nút thắt ngay trước mắt, để củng cố niềm tin và gia tăng nội lực, để doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.

 Hội thảo “Lộ trình Chuyển đổi xanh và những điều doanh nghiệp cần biết”.

Hội thảo “Lộ trình Chuyển đổi xanh và những điều doanh nghiệp cần biết”.

+ Vậy những giải pháp cấp bách là gì, doanh nghiệp đang cần gì, mong đợi gì?

- Chúng tôi tin rằng, đây là thời điểm cực kỳ thách thức với doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng cũng là thời điểm, là cơ hội để thực hiện những cải cách triệt để nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao sản lượng kinh tế trong dài hạn.

Trong ngắn hạn, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân và Ban IV kiến nghị 4 nhóm giải pháp để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, tiếp cận thị trường hiệu quả hơn; và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo sức bật cho doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ nên kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn COVID-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng, thậm chí đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023.

Chi phí lao động cũng cần tiếp tục giảm cho doanh nghiệp, thông qua việc tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội hay kinh phí công đoàn; Xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới; Đưa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác...

Và phải đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, không kéo dài như hiện nay. Trong đó cũng nên tính tới một số cơ chế đặc thù như cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm. Như thế vừa tạo điều kiện cho số đông các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật nhưng vẫn kiểm soát rủi ro, ngăn chặn gian lận thuế.

Kiến nghị nữa là nên có gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực; Không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất; Cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các doanh nghiệp trong nước; Giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân, người lao động có cơ hội tiếp cận việc thuê, mua nhà từ nguồn hỗ trợ tín dụng.

Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cũng kiến nghị sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại để doanh nghiệp ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất, kinh doanh. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và nếu cần có thể ban hành 1 Nghị quyết chuyên đề về việc này như những năm 1997-2000. Có cơ chế và quy trình pháp lý rõ ràng đối với các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi.

Hà Nguyễn (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-dang-ky-vong-nhung-giai-phap-cap-bach-de-cung-co-niem-tin-va-gia-tang-noi-luc-post252471.html