Đoàn kết, tự lực, tự cường, xây dựng huyện phát triển toàn diện

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sốp Cộp luôn đoàn kết, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, xây dựng huyện phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Lãnh đạo huyện Sốp Cộp tham quan gian hàng nông sản.

Lãnh đạo huyện Sốp Cộp tham quan gian hàng nông sản.

Cách đây 20 năm, ngày 2/12/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2003/NĐ-CP về thành lập huyện Sốp Cộp trên cơ sở tách ra từ huyện Sông Mã. Ngày 9/1/2004, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức lễ ra mắt huyện Sốp Cộp - huyện có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Hiện nay, huyện có 147.224 ha đất tự nhiên; gồm 8 xã (4 xã biên giới); dân số trên 54.400 người, thuộc 6 dân tộc chủ yếu: Thái, Mường, Mông, Lào, Khơ Mú và dân tộc Kinh. Có đường biên giới dài 124,8 km giáp với huyện Phôn-Thoong, tỉnh Luông-Pha-Băng; huyện Mường Ét và huyện Mường Son, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào).

Khi mới thành lập, huyện còn bộn bề khó khăn, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại, nhân dân không có nước sạch để sử dụng; đường giao thông chỉ là đường đất...; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%. Trước những khó khăn trên, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Hội nghị giao ban giữa huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Bang và huyện Mường Ét, Mường Son, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) với huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Hội nghị giao ban giữa huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Bang và huyện Mường Ét, Mường Son, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) với huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, huyện đã tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển; xác định hướng đi, cách làm phù hợp với thực tế của địa phương. Tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân để tạo sự đồng thuận trong thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 2.218 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt 3.000 tấn quả/năm, chủ yếu là cam, quýt, tập trung ở các xã Nậm Lạnh, Mường Và. Ngoài ra, nhân dân các xã Mường Và, Sốp Cộp, Dồm Cang, Púng Bánh đang mở rộng diện tích trồng cây cà phê với tổng diện tích là 555,5 ha và triển khai trồng thí điểm cây mắc ca.

Nhân dân xã Mường Và phát triển cây ăn quả có múi.

Nhân dân xã Mường Và phát triển cây ăn quả có múi.

Huyện đã có 3 sản phẩm nông sản được công nhận sản phẩm OCOP, đó là gạo nếp tan Mường Và; Thịt trâu gác bếp biên cương và Viên hà thủ ô mật ong rừng. Trong đó, sản phẩm gạo nếp tan đã được công nhận Nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”. Sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt trên 23.200 tấn, cơ bản bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương. Nhân dân bảo vệ tốt 69.779,8 ha rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 47,4%. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; bước đầu hình thành một số gia trại, trang trại chăn nuôi tập trung, với tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có trên 369.000 con.

Bên cạnh đó, huyện tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, điện sinh hoạt và các cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. Hiện nay, từ trung tâm huyện đến 8 xã đã có đường ô tô đi được 4 mùa. Năm 2023, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện an toàn đạt 89,35%; 100% trụ sở làm việc, trạm y tế các xã đã được đầu tư xây dựng khang trang; trường lớp học xây dựng kiên cố, góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục.

Một tiết học của cô và trò Trường PTDT nội trú Sốp Cộp.

Một tiết học của cô và trò Trường PTDT nội trú Sốp Cộp.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục & đào tạo được quan tâm đúng mức. Huyện có 21 trường học và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, trong đó 12 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hiện nay, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 79,9%; tỷ lệ bản văn hóa đạt 80%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4-5%/năm. Đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Chính sách người có công với cách mạng và an sinh, bảo trợ xã hội được quan tâm chăm lo kịp thời.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân, khu vực phòng thủ huyện được củng cố; an ninh biên giới và chủ quyền quốc gia được bảo vệ vững chắc. Quan hệ hợp tác hữu nghị với huyện Mường Ét, huyện Mường Son, tỉnh Hủa Phăn và huyện Phôn Thong, tỉnh Luông Pha Băng (nước CHDCND Lào) được củng cố, phát triển, góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định và phát triển toàn diện.

Các tuyến đường bản Sốp Cộp được đổ bê tông.

Các tuyến đường bản Sốp Cộp được đổ bê tông.

Ngày 26/12/2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 638-QĐ/TU, về việc thành lập Đảng bộ huyện Sốp Cộp và chỉ định 25 đồng chí tham gia Ban Chấp hành lâm thời. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Đảng bộ huyện có 41 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, tổng số 4.014 đảng viên. Những năm qua, Đảng bộ huyện luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo lựa chọn nhiều nội dung đột phá, tập trung thực hiện, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tổ chức, bộ máy của Đảng bộ và chính quyền được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến rõ rệt. Năng lực của cán bộ lãnh đạo và kỹ năng chuyên môn của đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy. Khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững và tăng cường.

Đội văn nghệ bản Cang Ôn, xã Mường Và.

Đội văn nghệ bản Cang Ôn, xã Mường Và.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu đạt và vượt 19 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ IV Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025, đã đề ra.

Hai là, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của huyện theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản trên thị trường; liên kết với các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Quản lý và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển rừng nâng cao thu nhập cho nhân dân..., giảm 4-5% hộ nghèo/năm.

Ba là, quan tâm công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và khu vực biên giới. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Bốn là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Tăng cường công tác phòng, chống ma túy, nắm chắc và giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; không để phát sinh điểm nóng, phức tạp.

Năm là, tiếp tục củng cố vun đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác với các huyện giáp ranh của nước CHDCND Lào; xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị phát triển toàn diện và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia của mỗi nước.

Với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sốp Cộp phấn đấu xây dựng huyện phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vững bước trên con đường đổi mới mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

Dương Tú Anh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/doan-ket-tu-luc-tu-cuong-xay-dung-huyen-phat-trien-toan-dien-ljxJjvFIR.html