Đoàn kết, đổi mới, xây dựng huyện ngày càng phát triển

Bảy mươi năm kể từ ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, giành được những chiến công vang dội trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược; thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương Yên Châu ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ngược dòng lịch sử, sau cách mạng tháng 8/1945 chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc Yên Châu bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng quê hương. Trước yêu cầu của cách mạng, Tỉnh ủy Sơn La chỉ đạo phải đẩy mạnh công tác phát triển và xây dựng tổ chức đảng ở Yên Châu để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngày 11/6/1948, tại cây đa Nóng Luông, bản Lựm, nay là bản Na Băng, xã Mường Lựm, Chi bộ Yên Châu trực thuộc Tỉnh ủy được thành lập. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, phong trào cách mạng ở Yên Châu ngày càng lớn mạnh, công tác phát triển đảng viên được tăng cường.

Thị trấn Yên Châu.

Thị trấn Yên Châu.

Tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban huyện ủy Yên Châu đã lãnh đạo cán bộ và nhân dân các dân tộc tích cực chuẩn bị mọi mặt phục vụ và tham gia chiến dịch. Ngày 20/11/1952, từ các hướng Tạ Khoa, Mường Lựm và trên đường 41, quân và dân Yên Châu đã truy kích, đánh chặn, buộc địch phải dồn co cụm ở Chiềng Đông. Ngay sau đó, các đội du kích ở Tú Nang, Chiềng Tương, Lóng Phiêng, Chiềng On phối hợp với lực lượng bộ đội tổ chức bao vây, tấn công đồn Pá Khôm, đồn bản Đán. Cứ điểm án ngữ của địch trên đường 41 ở Mộc Châu bị thất thủ, địch ở các đồn ven sông Đà từ Tạ Khoa, Sốp Bưn, Chiềng Pằn đến Yên lỵ cũng vội vàng tháo chạy về Nà Sản. Quân và dân Yên Châu truy kích, chặn đường rút lui của địch, bắt sống gần 200 tên, thu toàn bộ vũ khí. Đến chiều ngày 20/11/1952, Yên Châu được hoàn toàn giải phóng.

Sau giải phóng, nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, vinh dự lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu được đón Bác Hồ về thăm. Những lời dặn dò, khen ngợi của Bác là cội nguồn sức mạnh, động viên cổ vũ lớn lao đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc và chiến sỹ các lực lượng vũ trang Yên Châu vượt qua khó khăn thử thách, tiếp tục kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Bà Quàng Thị Lĩnh, nguyên Tiểu đội trưởng tiểu đội nữ dân quân xã Sặp Vạt, Yên Châu, bồi hồi nhớ lại: Những năm kháng chiến chống Mỹ, cầu Tà Vài là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của quân địch nhằm cắt đứt giao thông trên quốc lộ 6, chia cắt viện trợ giữa Trung ương với vùng Tây Bắc, chặt đứt nguồn chi viện cho chiến trường miền Nam của quân và dân ta. Theo tiếng gọi của Đảng, tôi cùng 9 chị em trong xã đã tham gia tiểu đội dân quân, ngày đêm bám trận địa. Ngày 2/9/1965, tiểu đội đã bắn rơi một chiếc máy bay F-105; đảm bảo huyết mạch giao thông thông suốt, góp phần đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Ghi nhận những thành tích đạt được, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho huyện Yên Châu cùng hai xã Tú Nang và Chiềng Hặc. Đồng chí Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu, cho biết: Ở mỗi một giai đoạn lịch sử, Đảng bộ huyện đã vận dụng linh hoạt và sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp và cách làm thích hợp, sát, đúng để lãnh đạo thực hiện hiệu quả. Phát huy truyền thống anh dũng, vẻ vang của quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Yên Châu đã năng động, sáng tạo, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

Đến nay, nhiều mô hình kinh tế được đầu tư, phát triển hiệu quả, như: Mô hình trồng xoài ghép giống Đài Loan, Thái Lan và chuối cấy mô tại các xã Chiềng Pằn, Sặp Vạt; nhãn ghép chín muộn, mận hậu tại các xã Tú Nang, Lóng Phiêng, Phiêng Khoài; trồng rau hàng hóa ở các xã Chiềng Sàng, Chiềng Pằn; mía nguyên liệu tại các xã Yên Sơn, Chiềng Đông... Toàn huyện có trên 11.000 ha cây ăn quả, trong đó 787 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; 985 ha được cấp mã số vùng trồng; sản lượng quả tươi đạt hơn 48.600 tấn/năm; giá trị sản phẩm trên 485 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt bình quân 13,2 tiêu chí/xã, có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, đến nay, 100% xã có đường ô tô đi được 4 mùa đến trung tâm; 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chất lượng giáo dục được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Hoạt động đối ngoại với huyện Xiềng Khọ và Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào được tăng cường mở rộng, duy trì, củng cố.

Phấn khởi, tự hào là vùng đất được đón Bác Hồ về thăm, về truyền thống cách mạng và những thành tựu đạt được trong 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh và phấn đấu trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doan-ket-doi-moi-xay-dung-huyen-ngay-cang-phat-trien-54611