Đoàn ĐHQH tỉnh thảo luận tổ:Thêm tỉnh Bình Thuận vào định hướng phát triển không gian kinh tế

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ 5 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bình Thuận, Hà Tĩnh, Sơn La và Đắk Nông. Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chủ trì phiên thảo luận Tổ 5.

Sửa tên thành: Vùng động lực miền Đông Nam bộ

Tham gia ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Dương Văn An nêu rõ, hiện nay chúng ta có 6 vùng kinh tế và 4 vùng động lực; có vùng động lực ôm trọn vùng kinh tế và có vùng động lực bao gồm một số tỉnh ở vùng kinh tế này và vùng kinh tế khác; có vùng kinh tế chưa được định hướng trở thành vùng động lực.

Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chủ trì phiên thảo luận.

Qua nghiên cứu các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế và tờ trình Chính phủ cũng như dự thảo nghị quyết, đại biểu Dương Văn An băn khoăn về tên gọi của vùng động lực phía Nam. Lý giải về nội dung này, đại biểu Dương Văn An cho biết: Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị có nêu 6 vùng và một số chủ trương phát triển vùng miền Đông Nam bộ gồm các tỉnh, thành: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương. Tuy nhiên, vùng động lực miền Nam trong dự thảo Tờ trình của Chính phủ lại nêu đó là vùng động lực phía Nam. Như vậy không đồng bộ với Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị; mặt khác, nước ta có 3 vùng Bắc - Trung - Nam rõ rệt, nhưng hiện nay có vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long chưa rõ thuộc vùng nào. Do đó, đại biểu Dương Văn An đề nghị chỉnh sửa tên vùng động lực phía Nam thành vùng động lực miền Đông Nam bộ để phù hợp với Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, rõ hơn định danh và vị trí địa lý và phù hợp với thông lệ hiện nay miền Nam hay gọi.

Thêm tỉnh Bình Thuận vào định hướng phát triển không gian kinh tế

Đối với vùng kinh tế Bắc Trung Bộ (BTB) và Duyên hải miền Trung (DHMT) có 14 tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận dài khoảng 1.600km. Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, thì đây là vùng duy nhất phân thành 2 tiểu vùng là vùng BTB và vùng DHMT. Đối với vùng BTB – DHMT thì xác định vùng động lực là từ Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi và sau năm 2030, sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi vùng động lực ra các địa bàn khác trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đại biểu Dương Văn An nêu rõ ở cuối của ý phân vùng có khoản “d”: Định hướng từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung bộ, vùng Tây nguyên, khu vực duyên hải Nam Trung bộ (Khu vực Khánh Hòa và vùng phụ cận).

Theo đại biểu Dương Văn An, với hiện trạng sự phát triển kinh tế xã hội của vùng BTV – DHMT thì định hướng sau 2030 là phù hợp và có tính khả thi. Tuy nhiên trong dự thảo, có đoạn mở, đóng ngoặc đơn là “(khu vực Khánh Hòa và phụ cận)”. Nội dung này, thứ nhất, về kỹ thuật lập pháp và logic vấn đề thì chưa phù hợp. Đại biểu Dương Văn An băn khoăn, tại sao ở vùng tương lai hình thành vùng động lực là vùng trung du, miền núi phía bắc, khu vực Bắc Trung bộ, khu vực Tây nguyên thì không có mở ngoặc đơn? Ví dụ Tây Nguyên có thể là mở ngoặc Đắk Lắk?

Thứ hai, Bình Thuận là tỉnh cuối cùng phía Nam của khu vực duyên hải Nam Trung bộ nhưng lại gắn với Đông Nam bộ nhiều hơn. Toàn bộ giao lưu văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế là kết nối khu vực Đông Nam bộ. Tỉnh Bình Thuận còn kết nối với các 4 tỉnh (Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu); là tỉnh kết nối 3 vùng kinh tế (BTB-DHMT, Tây nguyên và vùng Đông Nam bộ).

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 5.

Thứ ba, Bình Thuận cận kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa của cả Tây Nguyên. Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Có nhiều tiềm năng; nhất là năng lượng tái tạo, du lịch, trữ lượng khoáng sản titan gần như lớn nhất nước; các điều kiện về giao thông như cao tốc, sân bay, cao tốc, Quốc lộ 1A, cảng biển,.. Vì vậy, đại biểu Dương Văn An đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung vào ý “d”, mục 1. IV; định hướng phát triển không gian kinh tế: thêm Bình Thuận trước từ phụ cận.

Thống nhất cao xây dựng Việt Nam mạnh về biển

Về định hướng không gian biển, đại biểu Dương Văn An bày tỏ thống nhất cao về định hướng xây dựng Việt Nam mạnh về biển, giàu từ biển và phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là du lịch, dịch vụ hàng hải, … và năng lượng tái tạo và những ngành công nghệ mới.

Thống nhất với vấn đề năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ ở khu vực ven biển Việt Nam, đại biểu Dương Văn An bày tỏ băn khoăn trong dự thảo, chỉ định hướng vùng ven biển Tây Nam bộ mới phát triển năng lượng tái tạo. Thực tế, tiềm năng điện gió ven bờ và ngoài khơi là lớn nhất từ Bình Định – Ninh Thuận và Bình Thuận – Cà Mau. Tuy nhiên vùng có sức gió lớn nhất thì là vùng ven biển Ninh Thuận – Bình Thuận, chiếm tỷ lệ lớn trong công suất khai thác. Vì vậy đại biểu Dương Văn An đề nghị bổ sung vùng ven biển duyên hải Nam Trung bộ và ven biển Đông Nam bộ.

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cũng cho ý kiến về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội; định hướng khai thác và sử dụng vùng trời; định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên quốc gia;…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/doan-dhqh-tinh-thao-luan-to-them-tinh-binh-thuan-vao-dinh-huong-phat-trien-khong-gian-kinh-te-104920.html