ĐOÀN ĐBQH TỈNH THANH HÓA ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH QUAN TRỌNG VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI

Để tiếp tục triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 được hiệu quả, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như: Tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT đến hết năm 2024; Cho phép tiếp tục triển khai các chính sách cho vay nhà ở xã hội và cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm do những khó khăn; Xem xét tiếp tục triển khai và thực hiện Chương trình 'Sóng và máy tính cho em'...

Thực hiện Nghị quyết số 94/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội và Kế hoạch số 544/KH-ĐGS ngày 06/10/2023 của Đoàn Giám sát của Quốc hội; Quyết định số 253/QĐ-ĐĐBQH ngày 27/11/2023 và Kế hoạch số 254/KH-ĐGS ngày 27/11/2023 của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa, Đoàn (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành giám sát trực tiếp tại 04 đơn vị, đồng thời, giám sát qua báo cáo đối với cơ quan, đơn vị.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại các huyện Yên Định và Triệu Sơn.

Đánh giá tác động cụ thể của việc thực hiện Nghị quyết số 43 đếnphục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải nhấn mạnh: Nghị quyết số 43/2022/QH15 ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 21/3/2022 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước

Về thực hiện chỉ tiêu phục hồi, phát triển và tăng trưởng: Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải cho biết, theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 21/3/2022 của UBND tỉnh, mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.200 USD trở lên. Đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân giai đoạn 2021 – 2023 ước đạt 9,6%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Tuy thấp hơn mục tiêu đề ra (11%) nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 và những khó khăn chung của nền kinh tế, nếu không quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế trong thời gian vừa qua, chắc chắn kết quả tăng trưởng kinh tế sẽ còn khó khăn hơn nhiều; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 3.067 USD, gấp 1,39 lần năm 2020 và bằng 73% mục tiêu đến năm 2025.

Về tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân: UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chứctriển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… từ đó tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải.

Qua giám sát trực tiếp tại các huyện Triệu Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa và thị xã Bỉm Sơn cũng cho thấy, ngành Thuế và Ngân hàng chính sách xã hội tại các địa phương đã làm tốt các khâu từ công tác thông tin, truyền thông đến thực hiện các thủ tục kê khai giảm thuế; thủ tục cho vay, miễn, giảm lãi vay… tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời trong việc hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng thuộc Chương trình.

Với những giải pháp kịp thời, quyết liệt, hiệu quả nêu trên đã tác động tích cực đến mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Tình hình phát triển doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định và phát triển trở lại.

Đánh giá từ phía các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cũng như phản hồi từ phía người dân, doanh nghiệp cho thấy các chính sách về giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất cho vay… đã phát huy hiệu quả tích cực, tính khả thi và sự cần thiết đối với đời sống xã hội của các chính sách; nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục kéo dài việc thực hiện các chính sách này sau khi các chính sách kết thúc để tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng do tình hình sản xuất của doanh nghiệp, người dân nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng tự phục hồi và phát triển chưa thực sự bền vững.

Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân

Về phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, hỗ trợ người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Qua giám sát trực tiếp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và các báo cáo, tài liệu liên quan cho thấy, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh nói chung được triển khai thực hiện chủ động, linh hoạt từ việc xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình phòng chống dịch để cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của Trung ương, cũng như diễn biến, tình hình dịch bệnh tại địa phương cho đến khâu tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch; sự quyết liệt, hiệu quả từ khâu phòng dịch đến điều trị bệnh nhân Covid-19 nên đã kiểm soát, hạn chế được tác động tiêu cực của dịch bệnh đến phát triển kinh tế- xã hội và sức khỏe của Nhân dân.

Thực tế cho thấy, Thanh Hóa đã sớm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và được đánh giá là địa phương có tỷ lệ số ca mắc Covid-19 và tử vong do Covid-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước, tạo môi trường, điều kiện để khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Các giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dâncũng được các cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan tại Thanh Hóa tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, tín dụng ưu đãi, cho vay giải quyết việc làm... Các chính sách này đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân đúng lúc, đúng thời điểm tạo đà cho phục hồi và phát triển đời sống, kinh tế-xã hội nói chung trên địa bàn.

Đánh giá chung về kết quả đạt được, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải khẳng định: Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời ban hành các Kế hoạch, chương trình hành động; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ phục hồi và phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Kết quả thực hiện, về công tác phòng chống dịch Covid-19 Thanh Hóa đã sớm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ bị nhiễm thấp và thấp hơn so với bình quân cả nước 11,8%; các chính sách an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân được quan tâm thực hiện; tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,6%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước; tuy thấp hơn mục tiêu đề ra (11%), nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 và những khó khăn chung của nền kinh tế. Như vậy, so với các mục tiêu, chỉ tiêu chung của Quốc hội, Chính phủ và của riêng địa phương đã đề ra về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, về phòng chống dịch, về an sinh xã hội… Thanh Hóa đều đạt hiệu quả sớm và ở mức rất cao. Điều đó cho thấy tính hiệu quả, tính khả thi của cơ chế, chính sách cũng như tính hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính sách.

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện Nghị quyết 43 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, đối với chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng thì việc thực hiện thời gian đầu còn nhiều lúng túng, vướng mắc trong xác định loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế của Chương trình.

Chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người lao động trên địa bàn. Chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Đạt kết quả triển khai thấp so với nguồn vốn được bố trí từ Chương trình. Chính sách đầu tư phát triển: Việc triển khai thực hiện các dự án, giải ngân vốn đầu tư chậm chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ của Chương trình.

Nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế là do tác động của đại dịch Covid-19 để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Việc xây dựng và ban hành chính sách giảm thuế VAT diễn ra trong thời gian ngắn dẫn đến một số quy định chưa có hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn trong việc xác định loại hàng hóa, dịch vụ giảm thuế.

Một số khách hàng là doanh nghiệp có năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành còn hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, thông tin về tình hình tài chính thiếu minh bạch khó đáp ứng yêu cầu thẩm định của tổ chức tín dụng; Một số khách hàng không đáp ứng được về điều kiện được hỗ trợ lãi suất.

Đối với chính sách đầu tư phát triển: Các dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh không có dự án nào được triển khai thực hiện theo cơ chế đặc thù; thời gian thực hiện dự án ngắn chỉ trong 02 năm; nguồn vốn được phân bổ từ Trung ương được chia làm nhiều đợt và chậm; thủ tục đầu tư dự án phải tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đấu thầu nên tiến độ thực hiện kéo dài.

Nguyên nhân chủ quan là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương ở một số thời điểm chưa thực sự quan tâm, đánh giá đúng mức về tầm quan trọng của Chương trình nên việc chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách chưa thực sự quyết liệt; chưa thực hiện việc xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của UBND tỉnh; các chính sách thuộc Chương trình được lồng ghép trong các nhiệm vụ, kế hoạch chung nên không xác định được tính hiệu quả cũng như trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan; công tác thông tin, truyền thông chưa kịp thời, đầy đủ, sâu rộng nên việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách của đối tượng vẫn còn hạn chế.

Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư các dự án với một số địa phương, đơn vị liên quan trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thanh lý tài sản công, bàn giao mặt bằng thi công chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, chưa đáp ứng tiến độ (Sở Y tế, Hà Trung, Lang Chánh, Quảng Xương, Cẩm Thủy, Hậu Lộc).

Một số đề xuất, kiến nghị

Để tiếp tục triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 được hiệu quả, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành, UBND tỉnh.

Đối với Quốc hội: Tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT đến hết năm 2024. Cho phép tiếp tục triển khai các chính sách cho vay nhà ở xã hội và cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm do những khó khăn để lại từ hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với người dân là không nhỏ, nhu cầu vay của người dân nói chung và người lao động nói riêng là rất lớn.

Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương: Xem xét tiếp tục triển khai và thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để hỗ trợ cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo chưa được thụ hưởng các chính sách từ Chương trình này.

Đối với UBND tỉnh: Chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện và kéo dài thời gian thực hiện tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 như việc khẩn trương hoàn thành các dự án đầu tư đưa vào sử dụng; thực hiện tốt việc giảm thuế VAT trong 06 tháng đầu năm 2024./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=85978