Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tiếp tục thảo luận tại tổ về công tác lập pháp

Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ chiều 5/6. Ảnh: QUỐC LUÂN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, chiều 5/6, các ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ về hai dự án: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo tại Tổ đại biểu số 9, bao gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi và Bến Tre. Theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên là Tổ trưởng Tổ đại biểu số 9, điều hành phiên thảo luận.

Tham gia thảo luận có các đồng chí Trần Quang Phương, thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội và các ĐBQH của Tổ số 9.

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tổ trưởng Tổ đại biểu số 9 điều hành phiên thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN

Phát biểu điều hành buổi thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương, Tổ trưởng Tổ đại biểu gợi ý, nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm của 2 dự án luật để các ĐBQH trong tổ tập trung thảo luận, đảm bảo hoàn thành phiên thảo luận theo đúng nội dung, chương trình kỳ họp.

Các ĐBQH tỉnh đã tham gia một số ý kiến phát biểu về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trong đó, đại biểu Lê Đào An Xuân tham gia một số ý kiến về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra tại Điều 4, đại biểu đề nghị ưu tiên bổ cập nguồn nước dưới đất phù hợp với quy luật tự nhiên.

Đại biểu Lê Đào An Xuân phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ chiều 5/6. Ảnh: QUỐC LUÂN

Tại Điều 29 có quy định không được xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn vào nguồn nước mặt, biển nhưng không quy định về việc xả nước thải vào nguồn nước dưới đất, đại biểu cho rằng cần có quy định và định nghĩa việc xả thải vào nguồn nước dưới đất là gì. Bên cạnh đó, đại biểu góp ý thêm về nội dung quy định tại Điều 10, Điều 20, Điều 36 của dự thảo luật.

Đại biểu Dương Bình Phú thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Cần chú trọng phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Đại biểu Dương Bình Phú phát biểu ý kiến thảo luận tổ. Ảnh: QUỐC LUÂN

Đại biểu Dương Bình Phú đề nghị rà soát, xem xét sự cần thiết ban hành nhiều quy hoạch về tài nguyên nước như hiện nay và để tránh trùng lặp, chồng chéo với các quy hoạch khác; định nghĩa rõ, cụ thể hơn quy định tại Khoản 24 Điều 3.

Đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung chính sách bắt buộc đối với việc xử lý nước thải đô thị, công nghiệp tập trung có quy mô lớn quy định tại Điều 5. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý thêm các quy định tại Khoản 1 Điều 10; Khoản 6 Điều 22; điểm b Khoản 1 Điều 66 của dự thảo luật.

Đại biểu Lê Quang Đạo tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUỐC LUÂN

Đại biểu Lê Quang Đạo cũng thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước và tham gia góp ý một số nội dung cụ thể của dự thảo luật như quy định về nước dưới đất và nước biển tại khoản 2 Điều 1; quy định bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại khoản 4 Điều 28 và một số nội dung khác.

QUỐC LUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/299414/doan-dbqh-tinh-phu-yen-tiep-tuc-thao-luan-tai-to-ve-cong-tac-lap-phap.html