Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Đồng chí Phạm Đại Dương điều hành phiên thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN

Chiều 19/6, các ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Tổ đại biểu số 9, bao gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bến Tre, do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên làm tổ trưởng, điều hành phiên thảo luận.

Tham gia thảo luận có các đồng chí: Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các ĐBQH của tổ số 9.

Phát biểu bắt đầu buổi thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương, Tổ trưởng tổ đại biểu gợi ý, nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm để các ĐBQH trong tổ tập trung thảo luận.

Tham gia thảo luận, ĐBQH tỉnh Phú Yên Lê Quang Đạo cho rằng, dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Tại Điều 7 dự thảo quy định công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh, đại biểu Lê Quang Đạo đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đề xuất cơ chế xử lý, tăng cường trách nhiệm cho tổ chức, doanh nghiệp trong trường hợp không thực hiện đúng quy định về công khai thông tin hoặc công khai thông tin không chính xác, đầy đủ gây bất lợi, thiệt hại cho khách hàng.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Quang Đạo đề nghị có quy định về khung phí môi giới và các khoản chi phí khác để giới hạn được tỉ lệ hoa hồng môi giới, các loại chi phí của các đơn vị tham gia dịch vụ kinh doanh bất động sản để đưa bất động sản đến tay người mua, người sử dụng với mức giá hợp lý và quy định hoạt động kinh doanh bất động sản và dịch vụ bất động sản phải thông qua tài khoản ngân hàng để có thể kiểm soát được giá bán, việc thanh toán, mua bán, đồng thời, chống rửa tiền, chống trốn thuế. Đại biểu Lê Quang Đạo cũng tham gia góp ý thêm về điều kiện đối với cơ sở đào tạo bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản…

Đại biểu Dương Bình Phú tham gia phát biểu thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN

Đại biểu Dương Bình Phú tham gia phát biểu thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN

ĐBQH Dương Bình Phú cho rằng, dự thảo luật khôi phục lại yêu cầu một số các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn môi giới bất động sản tại tại khoản 1 Điều 57 (quy định này đã được bỏ tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014). Việc yêu cầu các giao dịch bất động sản phải thực hiện qua sàn có thể sẽ khiến những vướng mắc cũ quay trở lại, tạo thêm về thủ tục cho các bên trong giao dịch, từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch về bất động sản trên thị trường. Đại biểu Dương Bình Phú đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, trao quyền quyết định việc giao dịch bất động sản cho nhà đầu tư, điều này tạo ra cơ chế thông thoáng cho hoạt động kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, đại biểu Dương Bình Phú tham gia góp ý về điều kiện của nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh. Đại biểu Dương Bình Phú đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cơ chế thỏa thuận của các bên khi thực hiện mua, bán bất động sản hình thành trong tương lai, theo đó, các bên có quyền thỏa thuận về thời điểm thu 5% giá trị hợp đồng còn lại.

ĐBQH Lê Văn Thìn đề nghị cơ quan soạn thảo nên bổ sung thêm 1 nội dung quy định về thời hạn bảo lãnh tại Điều 27 của dự thảo luật theo hướng việc bảo lãnh có hiệu lực khi tranh chấp phát sinh mà không kể thời hạn hoặc thời hạn của chứng thư bảo lãnh phải kéo dài đến ít nhất sau 36 tháng kể từ thời điểm hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai kết thúc. Vì điều 27 không quy định về thời hạn của bảo lãnh, trong khi các tranh chấp giữa bên mua, thuê mua nhà ở thường chỉ phát sinh sau thời điểm chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ. Việc này dẫn đến các chủ đầu tư và ngân hàng thường “lách luật” bằng cách vẫn phát hành chứng thư bảo lãnh nhưng thời hạn chỉ đến thời điểm chủ đầu tư bàn giao nhà theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Do đó, khi phát sinh tranh chấp thì chứng thư bảo lãnh đã hết hiệu lực nên bên mua, thuê mua nhà ở không thể yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung và làm rõ hơn quy định về giải thích nội hàm “Kinh doanh bất động sản” tại khoản 1 Điều 3 và đề nghị biên tập lại nội dung các quy định về môi giới bất động sản tại Mục 3, Chương VII dự thảo luật theo hướng: tách bạch quyền và nghĩa vụ của Tổ chức môi giới bất động sản với quyền và nghĩa vụ của cá nhân môi giới bất động sản thành những điều luật riêng biệt; quy định phương thức xác định thù lao, hoa hồng của tổ chức môi giới bất động sản.

QUỐC LUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/299918/doan-dbqh-tinh-phu-yen-thao-luan-tai-to-ve-du-an-luat-kinh-doanh-bat-dong-san-sua-doi.html