Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 5/6. Ảnh: QUỐC LUÂN

Chiều 5/6, Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 9 do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tổ trưởng Tổ đại biểu số 9 điều hành phiên thảo luận.

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nêu ý kiến về một số vấn đề liên quan đến 2 dự thảo luật này.

Thống nhất luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội

Đại biểu Lê Văn Thìn cho rằng, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này có một số nội dung rất khác so với Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, trong đó có việc bổ sung các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14. Các quy định này của Nghị quyết số 42/2017/QH14 là các quy định cần thiết để xử lý được khó khăn, vướng mắc của TCTD trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.

Qua hơn 5 năm triển khai, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc hỗ trợ xử lý nợ xấu của các TCTD, khẳng định các quy định tại nghị quyết đã tạo cơ sở pháp lý phù hợp, kịp thời và hiệu quả cho việc thực hiện quyền xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD.

Đại biểu Lê Văn Thìn cơ bản thống nhất việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu tại 42/2017/QH14 nhằm thực hiện mục tiêu bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD nhằm xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông nguồn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển theo các chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng một số nội dung được luật hóa cần được đánh giá kỹ để phù hợp, đồng bộ với hệ thống pháp luật như: Việc luật hóa quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 cho phép tổ chức tín dụng có quyền trước tiên đối với tài sản bảo đảm; ưu tiên giải quyết tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng; một số quy định được luật hóa về kê biên tài sản, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, hoàn trả vật chứng; thứ tự thanh toán số tiền thu được từ tài sản bảo đảm…

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ các quy định được luật hóa theo hướng cụ thể, chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của TCTD giới hạn trong phạm vi quy định của luật, qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của tổ chức cá nhân; bảo đảm các quy định này được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích người dân, lợi ích quốc gia, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách.

Cần làm rõ một số quy định của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Tại Khoản 1 Điều 34 dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) quy định về phòng, chống ô nhiễm nước biển, đại biểu cho rằng hướng giải quyết thiên về “chống” mà chưa coi trọng “phòng”, đối với quy định về việc phòng, chống ô nhiễm nước biển phụ thuộc hoàn toàn vào các tổ chức, cá nhân mà không có sự quản lý, hướng dẫn của các cơ quan chức năng là chưa phù hợp. Do đó, đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị cần có những quy định cụ thể để hướng dẫn thực hiện đảm bảo việc phòng, chống được thực hiện theo ưu tiên “phòng” trước, “chống” sau.

Tại Khoản 7 Điều 44 quy định việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn, các dự án xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước sẽ phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức liên quan.

Như vậy, quy định của dự thảo sẽ dẫn đến nguy cơ dự án phải thực hiện hai lần công tác lấy ý kiến hoặc thực hiện một lần nhưng lại phải có hai bộ hồ sơ. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng nội dung này nằm trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đối với các dự án khác thì thực hiện theo quy định như dự thảo.

Tại Khoản 2 Điều 63 của dự thảo luật quy định các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước có nguy cơ gây tác động xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ phải thực hiện đánh giá tác động và có phương án bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ và được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

Quy định này sẽ dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền vì hiện nay, các hoạt động này đều đã phải thực hiện các thủ tục hành chính theo các pháp luật liên quan. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo trao đổi với các cơ quan liên quan, quy định theo hướng người dân và doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục một lần tại một cơ quan, các cơ quan khác phối hợp cho ý kiến và ra quyết định cùng một lúc.

Đại biểu Lê Văn Thìn cho rằng, hiện nay, việc quản lý tài nguyên nước được thực hiện chủ yếu theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường. Việc sản xuất nước sạch, phân phối, tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo quy định của Nghị định về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ Xây dựng và UBND các cấp chỉ đạo hoặc quy định tại Luật Thủy lợi nếu việc khai thác nước này nằm trong hệ thống công trình thủy lợi.

Hơn nữa, việc quản lý, giám sát chất lượng sạch sau quá trình sản xuất cho đến cấp nước cho các hộ dân được thực hiện theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế. Do vậy, còn nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt nên đề nghị cần có quy định điều chỉnh nội dung này trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

QUỐC LUÂN (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/299415/doan-dbqh-tinh-phu-yen-thao-luan-hai-du-an-luat-tai-nguyen-nuoc-sua-doi-va-luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-doi.html