Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia thảo luận tại tổ về hai dự thảo nghị quyết

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia thảo luận tổ chiều 30/5. Ảnh: QUỐC LUÂN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 30/5, các ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ về Dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo tại Tổ đại biểu số 9, gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bến Tre. Tham gia thảo luận có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội.

Tham gia thảo luận tại tổ, ĐBQH Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nêu ý kiến về một số vấn đề liên quan đến 2 dự thảo nghị quyết này.

Về Dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐNQ bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu Lê Văn Thìn thống nhất với việc xây dựng nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.

Bên cạnh đó, về nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị chỉnh lý quy định tại khoản 4 Điều 5 theo hướng bổ sung yêu cầu về báo cáo và công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Lê Văn Thìn cho rằng mặc dù dự thảo nghị quyết quy định người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến trước Quốc hội, HĐND (khoản 2 Điều 15 và Điều 16) nhưng nếu thực hiện quyền này khi chưa có ý kiến thảo luận của đại biểu tại đoàn ĐBQH hoặc tại tổ đại biểu HĐND thì việc giải trình sẽ không có nhiều ý nghĩa. Do đó, đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị chỉnh lý theo hướng bổ sung trình tự Quốc hội, HĐND thảo luận tại hội trường trong trường hợp cần thiết và cho phép người được bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến trước Quốc hội, HĐND sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn ĐBQH hoặc thường trực HĐND báo cáo kết quả thảo luận tại tổ đại biểu HĐND để bảo đảm quyền được giải trình của họ cũng như tăng tính minh bạch, dân chủ, chuyên nghiệp và pháp quyền trong hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm.

ĐBQH Lê Văn Thìn phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ. Ảnh: QUỐC LUÂN

ĐBQH Lê Văn Thìn phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ. Ảnh: QUỐC LUÂN

Về quy định tại khoản 1 Điều 12, đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị chỉnh lý lại theo hướng trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp mà không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm, thay vì quy định “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm” như trong dự thảo nghị quyết để bảo đảm thống nhất với quy định về chủ thể có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại Điều 13 của dự thảo Nghị quyết và cũng là kế thừa quy định tương ứng của Nghị quyết số 85/2014/QH13.

Về hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 17), đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá không tín nhiệm thì cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, đó là Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó.

Về Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, đại biểu Lê Văn Thìn thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết.

QUỐC LUÂN (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/299182/doan-dbqh-tinh-phu-yen-tham-gia-thao-luan-tai-to-ve-hai-du-thao-nghi-quyet.html