Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận tại hội trường và tại tổ về một số dự thảo luật

Ngày 20.6, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5: Biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang có các đại biểu: Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tham gia thảo luận tại hội trường vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và Hoàng Ngọc Định, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thảo luận tại tổ vào dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quang cảnh phiên họp tại hội trường

Quang cảnh phiên họp tại hội trường

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Tráng A Dương nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo đại biểu, sau hơn 10 năm thực thi Luật Tài nguyên nước 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước - nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta nhưng từ trước đến nay chưa được coi trọng vì được coi là vô cùng dồi dào, không bao giờ suy thoái, cạn kiệt. Nhưng thực tế hiện nay do áp lực phát triển kinh tế, sự gia tăng dân số, vấn đề đô thị hóa, nguồn nước đã và đang dần cạn kiệt và ô nhiễm.

Đoàn ĐBQH tỉnh ta bấm nút biểu quyết các luật và nghị quyết tại phiên làm việc ngày 20.6

Đoàn ĐBQH tỉnh ta bấm nút biểu quyết các luật và nghị quyết tại phiên làm việc ngày 20.6

Đại biểu đề nghị xem xét đưa nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của luật để đảm bảo thống nhất quản lý về tài nguyên nước như đã nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 dự thảo luật.

Ngoài ra, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên loại tài nguyên nước có giá trị cao và có khả năng tái tạo nên cần có quy định cụ thể nhằm tạo thuận lợi trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này để phục vụ nhu cầu sức khỏe của nhân dân và phát triển dịch vụ, du lịch, tăng thu cho ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tiếp thu, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tiếp thu, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Đề nghị bổ sung và làm rõ khái niệm “phát triển tài nguyên nước” tại Điều 3 dự thảo luật. Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu rà soát, bổ sung các quy định cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Đại biểu thống nhất với quy định tại khoản 4 Điều 35 của dự thảo luật về quy định phục hồi nguồn nước. Tuy nhiên, để quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động này cần xem xét quy định cụ thể về cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động phục hồi các dòng sông.

Đại biểu Tráng A Dương thảo luận tại hội trường

Đại biểu Tráng A Dương thảo luận tại hội trường

Theo đại biểu, Ban soạn thảo cần quy định cụ thể về nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng, nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng bảo vệ nguồn sinh thủy. Theo đại biểu, hiện nay, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện dựa trên diện tích rừng, chưa xem xét đến mức độ suy thoái của rừng. Xuất phát từ thực tiễn địa phương Hà Giang và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc - vùng thượng nguồn sinh thủy, có thể thấy cần có cái nhìn tổng thể giữa các ngành trên toàn lưu vực, trên toàn quốc để điều phối phân bổ nguồn vốn từ dịch vụ chi trả môi trường rừng phù hợp với yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, đạt mục tiêu bảo vệ hiệu quả số lượng và chất lượng nguồn nước.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận tại tổ

Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận tại tổ

Đại biểu Tráng A Dương đề xuất xem xét nghiên cứu bổ sung quy định các chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy; giao trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi mức chi trả bảo vệ phát triển rừng nhằm khuyến khích người dân ở các địa phương thượng nguồn tham gia bảo vệ rừng. Ngoài việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo diện tích rừng thì có thể điều phối một tỉ lệ % nhất định từ quỹ chi trả môi trường rừng để điều phối lại việc phát triển bảo vệ nguồn sinh thủy, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các địa phương, khu vực vùng thượng nguồn trong việc bảo vệ phát triển rừng, vùng sinh thủy.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Phạm Thúy Chinh và Hoàng Ngọc Định thống nhất cho rằng trong điều kiện hiện nay, khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự và giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở là yêu cầu cần thiết.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận tại tổ

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận tại tổ

Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát nghiên cứu bổ sung thêm một điều về “Giải thích từ ngữ”, làm rõ các vấn đề để các tầng lớp nhân dân tiếp cận được có thể hiểu rõ, hiểu đúng các nội dung luật trong quá trình tổ chức thực hiện tại cấp cơ sở. Đồng thời, bổ sung thêm điều về“đối tượng áp dụng”, để đảm bảo kết cấu của một sự án luật.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định kiến nghị xem xét nghiên cứu thống nhất các quy định về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong Điều 2 và các điều khoản tại Chương 2, tạo sự nhất quán khi thực hiện trong thực tế. Đề nghị bổ sung các trường hợp được ưu tiên xem xét tuyển chọn, bố trí vào các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở như: Đoàn viên thanh niên, đảng viên, cựu chiến binh…. Đồng thời, bổ sung “vùng biên giới” vào địa bàn “Đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa không có đối tượng tuyển chọn có đủ tiêu chuẩn trung học phổ thông thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình trung học cơ sở để tham gia lực lượng...”. Cần quy định, làm rõ mối quan hệ công tác trong quá trình phối hợp giữa các đơn vị trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nghiên cứu có bổ sung thêm nhiệm vụ tham gia phòng chống “dịch bệnh” hay không? Trên thực tế trong thời gian qua dịch bệnh COVID -19 diễn ra hết sức phức tạp, trong quá trình phòng chống dịch bệnh đã huy động tất cả các lực lượng ở thôn, tổ dân phố để tham gia chống dịch.

Các đại biểu cũng góp ý vào một số quy định về chế độ chính sách, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân tỉnh trong việc quy định cụ thể hơn các nội dung về quy định cơ cấu, số lượng thành viên của lực lượng bảo vệ an ninh ở cơ sở để các địa phương thuận lợi, thống nhất khi thực hiện.

Cuối phiên họp tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã tiếp thu, làm rõ một số ý kiến đại biểu quan tâm, thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Duy Tuấn (Tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/tin-noi-bat/202306/doan-dbqh-ha-giang-thao-luan-tai-hoi-truong-va-tai-to-ve-mot-so-du-thao-luat-29a6899/