Đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam bắt đầu các hoạt động cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ

* Đội Quân y sẵn sàng lên đường tham gia hỗ trợ tại Thổ Nhĩ KỳSáng 11.2, theo thông tin từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ quốc tế với 24 thành viên thuộc Bộ Công an đã đến và bắt đầu những hoạt động cứu hộ đầu tiên tại thành phố Adiyaman, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề bởi thảm họa động đất hôm 6.2 vừa qua.

Trước đó, 7 giờ ngày 10.2 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ), đoàn công tác đã đáp máy bay xuống sân bay Istanbul. Từ sân bay Istanbul, đoàn công tác tiếp tục bay đến thành phố Adana để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Khoảng 12 giờ 30 ngày 10.2, đoàn công tác đến sân bay ở thành phố Adana (Thổ Nhĩ Kỳ). Đoàn đi tiếp tới thành phố Adiyaman, cách sân bay 300km để thực hiện nhiệm vụ. Tại đây, theo sự sắp xếp của Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), lực lượng cứu nạn quốc tế của Bộ Công an Việt Nam sẽ làm nhiệm vụ tại thành phố Adiyaman. Đại diện đoàn công tác cũng cho biết thêm, do đi lại khó khăn và phải vận chuyển 15 tấn thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn nên đoàn đã phải chia thành hai nhóm để di chuyển. Đến 3 giờ ngày 11.2 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ) đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam đã đến tòa nhà bị đổ sập ở đường 531, Adiyaman Merkez (Adiyaman). Đại diện Đoàn công tác cho biết: "chúng tôi được Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ thông báo là có 15 người bị mắc kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà. Ngay khi đến nơi, chúng tôi đã tiến hành trinh sát và vào việc ngay". Tinh thần của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an Việt Nam là cố gắng tìm kiếm được những người còn sống sót bị mắc kẹt trong đống đổ nát nên quá trình trinh sát được thực hiện rất tỉ mỉ, lên kế hoạch kỹ lưỡng. “Tình hình thực địa đang vô cùng khó khăn vì nhiệt độ giảm sâu đến âm 6 độ C, thêm vào đó các tòa nhà bị sập vẫn tiếp tục đổ xuống. Nếu như không có kế hoạch tỉ mỉ thì chính lực lượng cứu nạn, cứu hộ sẽ gặp nguy hiểm”, đại diện đoàn công tác cho biết. Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng nhận định nếu không lên phương án cụ thể sẽ rất dễ gặp tai nạn bởi tại nơi này, những tòa nhà có nền móng và kết cấu rất yếu, sẵn sàng đổ sập bất cứ lúc nào.

Ngoài việc chính là cứu nạn, cứu hộ, các thành viên của đoàn công tác sẽ thực hiện các nhiệm vụ y tế khác theo sự điều phối của Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, chiều 9.2, Bộ Công an đã tổ chức lễ xuất quân đội cứu nạn, cứu hộ lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai xảy ra ở rất xa lãnh thổ Việt Nam, phối hợp cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới đang nỗ lực cứu nạn, cứu hộ như El Salvador, Hàn Quốc, Algieria, Nga, Iraq, Mexico...
+ Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Tổng cục Hậu cần tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ cho Đội Quân y tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, chiều 10.2, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ cho lực lượng tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm 76 cán bộ, chiến sĩ, trong đó, Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ thành lập Đội Quân y gồm 30 cán bộ, nhân viên quân y, nhân viên hậu cần, cùng trên 20 tấn vật tư thiết bị phục vụ cho công tác thu dung, cấp cứu, điều trị.

Ngoài ra, Tổng cục Hậu cần cũng đảm nhiệm chuẩn bị 10 tấn lương khô và mì ăn liền giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực hiện phương châm đối ngoại của Đảng ta, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế; từ truyền thống đạo lý nhân đạo, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam; thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ; Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định cử lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 76 quân nhân sang tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ, với thành phần gồm: Đội Quân y (Tổng cục Hậu cần) 30 cán bộ, chiến sĩ; Đội Cứu sập (Binh chủng Công binh) 30 cán bộ, chiến sĩ; Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) gồm 9 cán bộ, chiến sĩ bao gồm huấn luyện viên và chỉ huy, 6 chó nghiệp vụ; Bộ phận chỉ huy và cơ quan quân số 7 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có các cán bộ của Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Cục Đối ngoại...

Bộ Quốc phòng giao Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ đảm nhiệm chức vụ Tổng Chỉ huy các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

X. Tùng - H. Hạnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/doan-cong-tac-cua-bo-cong-an-viet-nam-bat-dau-cac-hoat-dong-cuu-nan-tai-tho-nhi-ky-i316004/