Đô thị quốc tế mang khát vọng Phương Nam

Sau 49 năm non sông thu về một mối, TPHCM đã vươn lên thành một đô thị quốc tế. Người dân TPHCM tự hào được dự phần vào hành trình hội nhập toàn cầu của đất nước Việt Nam thế kỷ XXI.

Hành trình khát vọng

Đã có rất nhiều mỹ từ dành cho TPHCM, bởi đó là đô thị lớn nhất phương Nam. TPHCM có những công trình hiện đại bậc nhất và cũng có những di tích cổ kính trầm mặc. TPHCM được hình thành trên nền tảng những giá trị cốt lõi của Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn nên có bản sắc văn hóa riêng. TPHCM có nhịp sống năng động và lối sống nghĩa tình, tuy nhiên vượt lên tất cả, TPHCM mang đậm dấu ấn của một đô thị có khả năng hội tụ, dung nạp mọi cá tính và chấp nhận mọi thử thách.

TPHCM có dân gốc không? Có chứ! Nhiều gia tộc đã vài đời sinh sống tại TPHCM. Thế nhưng, không ai phân biệt người Sài Gòn thâm căn cố đế và người Sài Gòn tập tễnh nhập cư. Đó là sự cởi mở và hào hiệp đặc trưng của TPHCM. Vì vậy, TPHCM là đô thị có tính hòa nhập quốc tế cao nhất Việt Nam. Những cái mới, những thể nghiệm, những trào lưu, những xu hướng đều được dịp xuất hiện tại TPHCM và tương tác nhanh chóng với cộng đồng.

Có nói ngàn lời hay viết ngàn trang cũng không thể kể hết những vẻ đẹp TPHCM trong mắt những người đã gắn bó. Các thành tựu xây dựng hiện đại từ hầm Thủ Thiêm đã chứng minh ý nghĩa thiết thực đến tuyến tàu điện Metro Bến Thành - Suối Tiên còn đang dang dở vẫn không thể che mờ ký ức của bao người về chuyến đò trên bến Bình Đông hay cơn gió trên kênh Thị Nghè. Khách phương xa nếu hào hứng dạo gót trên phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn thích thú chen chân ở chợ Bến Thành. Mỗi cảnh sắc TPHCM theo thời gian càng tạo thêm sự lưu luyến cho những ai từng ghé đô thị này.

TPHCM luôn mở rộng vòng tay cưu mang mọi số phận. Cho nên, TPHCM cũng tập hợp được nhiều tài năng và trí thức hàng đầu đất nước. Tốc độ tăng trưởng của TPHCM đang chậm lại, chính là điều nhiều người băn khoăn. TPHCM đang cần cơ chế phù hợp, hay TPHCM đang thiếu những con người dám nghĩ, dám làm, những con người biết đột phá và chịu trách nhiệm? Nếu TPHCM mất đi vai trò đầu tàu thì không chỉ đáng tiếc cho TPHCM mà còn là sự thiệt thòi cho quốc gia. Bởi lẽ, sự phát triển đa dạng của TPHCM luôn có tính kích thích và truyền cảm hứng đối với nhiều địa phương khác.

Toàn cảnh TPHCM nhìn từ trên cao

Bên cạnh những bài học đau xót về công tác cán bộ, TPHCM vẫn sở hữu một thứ tài sản quý báu, đó chính là những con người ân cần, rộng lượng và sáng tạo. Họ bình dị ở từng góc phố, âm thầm ở từng con hẻm, nhưng họ biết sống vì mọi người, vì tương lai. Cốt cách của con người đô thị phương Nam chính là câu chuyện thú vị nhất và kiêu hãnh nhất mà ai cũng phải công nhận. Sự thật ấy được nhắc đến trong ca khúc Thành phố gì kỳ khá chi tiết: "Thành phố gì kỳ, trà đá mang đi, giữa trời chang chang cho vơi đi lo toan, sao đi cho free/Thành phố gì kỳ, có xe ôm quái lạ, dù không đi cuốc nào ai hỏi đường cũng đều rộn rã/Thành phố gì kỳ, một lần ghé nơi đây, sao mà vương vương ôi bao nhiêu yêu thương khi ai chia tay".

Phục vụ dân sinh

TPHCM hôm nay rất đáng tự hào, nhưng cũng còn lắm ngổn ngang. Với dân số vẫn tăng hàng năm do đón nhận dòng người nhập cư không ngừng, TPHCM gánh chịu không ít áp lực. TPHCM không thể văn minh thực sự nếu không giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường và quy hoạch đồng bộ vỉa hè đáp ứng sinh kế người dân lẫn cảnh quan đô thị. Hiện nay, ngoài những dòng mương đen ngòm ở nhiều quận huyện, việc xử lý rác thải tại TPHCM vẫn là một hạn chế. Ở nhiều quốc gia, rác thải đã được tái chế thành điện năng hoặc phân bón. Vậy thì bao giờ người dân TPHCM có thể thu gom rác thải để bán cho chính quyền nhằm chung tay bảo vệ môi trường? Nếu cuối cùng để chôn lấp thì cần gì phải phân loại rác! Đề xuất "mua rác của người dân" là một ý tưởng được đề xuất từ nhiều năm trước, mà vẫn chưa thực hiện. Lợi ích kinh tế từ giao dịch đơn giản "bán rác" và "mua rác" có thể rất nhỏ, nhưng lại góp phần trực tiếp vào tiến trình bảo đảm năng lượng sạch cho tương lai. TPHCM khao khát kiến tạo nền kinh tế xanh thì nhất định phải có đô thị xanh.

Để giải quyết kẹt xe, TPHCM triển khai nhiều cầu vượt bằng thép ở những nút giao thông quan trọng, nhưng vỉa hè dành cho người đi bộ vẫn chưa có biện pháp căn cơ. Không rõ tích tụ từ tập quán bao đời, vỉa hè trở thành nơi cộng sinh của những mảnh đời khác nhau. Vỉa hè gồng gánh bao nhiêu số phận. Quan sát vỉa hè TPHCM ở những quận trung tâm, không khó nhận ra những gánh hàng rong di chuyển liên tục, còn một địa điểm cố định cũng được phân chia khoa học. Đừng ngạc nhiên khi chứng kiến cái góc vỉa hè quen thuộc, buổi sáng thấy một chị bán bò kho, buổi trưa thấy một bác bán cơm bụi, buổi chiều thấy một cô bán chè bưởi, còn buổi tối thấy một anh bán thịt nướng. Người bán xong thì thu xếp gọn gàng cho người bán tiếp. Không một lời nặng nhẹ, chẳng một câu hờn trách, tất cả cứ tuần tự, đầy trách nhiệm và đầy tự trọng!

Nếu kinh tế vỉa hè bị triệt tiêu thì vẻ đẹp TPHCM sẽ bị hao hụt. Có những món ăn vỉa hè ngon gấp mấy lần món ăn ở các nhà hàng tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, cái không gian cởi mở và thân thiện của vỉa hè thì chẳng có đại sảnh thơm tho của khách sạn năm sao nào so sánh được. Trên vỉa hè, con người được bộc lộ thái độ yêu ghét rõ ràng nhất, trong sáng nhất, vô tư nhất.

Vì vậy, quy hoạch vỉa hè không phải chiến dịch ra quân rầm rộ với khẩu hiệu "đường thông hè thoáng" vài hôm rồi đâu lại vào đó với các kiểu "luật ngầm". Gần đây, Giáo sư Mỹ Annette Kim đã xuất bản cuốn sách Thành phố vỉa hè: Lập bản đồ không gian công cộng TPHCM chia sẻ: "Vỉa hè ở TPHCM còn dạy cho các nhà quy hoạch về chiều thời gian trong quy hoạch không gian công cộng, vốn cho phép sự linh hoạt và chia sẻ không gian, đặc biệt ở những thành phố chật chội. Cuộc sống vỉa hè là một trong những ấn tượng đậm nhất mà TPHCM để lại trong lòng du khách. Tôi đã khảo sát du khách quốc tế từ bốn nhóm ngôn ngữ khác nhau xem họ chia sẻ những gì về chuyến đi tới thành phố và 40% những trao đổi là về vỉa hè. Họ yêu thích các món ăn, uống cà phê, trò chuyện với người dân địa phương, ngồi trên những chiếc ghế nhựa và nhìn cuộc sống diễn ra trên vỉa hè. Đô thị TPHCM khiến nhiều du khách hồi tưởng về quá khứ và tiếc rằng cuộc sống vỉa hè đã biến mất khỏi quê hương họ. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng kinh tế vỉa hè là một phần quan trọng của an sinh xã hội. Một số ước tính rằng nền kinh tế vỉa hè cung ứng tới 30% việc làm và lương thực, thực phẩm cho thành phố".

Bản lĩnh văn hóa của người TPHCM tô điểm cho thành phố trẻ trung và nồng nhiệt. Mỗi số phận nhỏ bé yêu lao động, thích cống hiến, trọng danh dự và biết sáng tạo đã cộng hưởng một không gian đô thị lạc quan, tin cậy. Không có ai bị bỏ rơi, không điều gì bị lãng quên, người TPHCM nâng niu lịch sử và kế thừa lịch sử để làm bệ phóng tương lai. Người đến TPHCM thì lưu luyến, người xa TPHCM thì nhớ nhung. Những địa danh từng ghi dấu bàn chân cha ông như Chợ Lớn, Củ Chi, Thủ Thiêm, Tân Định, Hóc Môn... bây giờ lại được bàn tay thế hệ hôm nay giữ gìn, vun đắp. Sông Vàm Thuật, rạch Thị Nghè, kênh Tàu Hủ, chợ Bến Thành, cầu Chữ Y... mỗi ngày lại tưng bừng chào đón du khách bốn phương.

Cốt cách Nam Bộ phóng khoáng và thơm thảo đã tạo nên hồn vía TPHCM không lẫn với bất kỳ đô thị nào. Sự trìu mến, sự chăm chỉ, sự chân thành, sự độ lượng của người TPHCM đã ân cần vẫy gọi bao nhiêu trí thức, doanh nhân, chuyên gia... cùng chung sức đồng lòng cho những giá trị đột phá giàu mạnh. Mỗi ý tưởng, mỗi trái tim, mỗi khối óc, mỗi hành vi... của người TPHCM đều hướng đến mục tiêu chung thịnh vượng và nhân văn cho dân tộc Việt Nam tự tin, đẹp đẽ, hùng cường.

49 năm hòa bình, TPHCM vẫn ngạo nghễ, kiên trung cùng đất nước. Thành phố văn minh hấp thu công nghệ hiện đại phục vụ dân sinh. Thành phố nghĩa tình dành dụm và chắt chiu nhường cơm sẻ áo cho những vùng đất còn gieo neo vất vả. Thành phố khát vọng không ngừng trau dồi để tiến bộ cùng nhân loại. Thành phố đổi thay ngoạn mục mà vẫn vẹn nguyên ký ức, mỗi con đường vẫn nhắc nhớ một kỷ niệm, mỗi di tích vẫn râm ran một câu chuyện, mỗi hàng cây vẫn rợp mát một niềm riêng. TPHCM không thu hẹp bởi sự ích kỷ lợi ích cá nhân, mà TPHCM mở lòng cho mọi giới, mọi ngành, mọi nghề, mọi người. Để sống với TPHCM, để hiểu được TPHCM và để yêu lấy TPHCM là sự chọn lựa thiện chí của mỗi người. Vài khó khăn và thử thách tạm thời chỉ càng khiến TPHCM hun đúc thêm phẩm chất một đô thị quốc tế.

LÊ THIẾU NHƠN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/do-thi-quoc-te-mang-khat-vong-phuong-nam_161673.html