Đò neo bến quê

1. Một buổi trưa cuối năm, đôi chân liêu xiêu dẫn tôi ghé về bến bà Quẹo. Ở quê, có nhiều địa danh mang tên kỳ cục, quê mùa, mộc mạc như trường bà Bì, bến Đò, xóm cô Tư, chùa thầy Năm, hẻm bà Bốn Xóm. Những cái tên không nằm trong hộ tịch làng xã nhưng đã ăn sâu vào hơi thở, tiếng nói tiếng cười, như ký ức không nguôi về làng về xóm dẫu chẳng ai nhớ nơi khởi nguồn của những địa danh quá đỗi gần gũi này.

Một góc sông Dinh. Ảnh: Internet

Bến năm xưa bất kể nắng mưa đều dập dìu như trẩy hội. Nước thượng nguồn sông Dinh muôn đời ăm ắp như bầu sữa căng tròn chẳng vơi, khơi ra từ lòng núi đá, băng qua những ngóc ngách hẹp ngang, bao cheo leo đồi núi rồi ùa ra biển rộng. Trên chuyến thiên hành muôn nẻo, sông ghé Ninh Đông, ngang qua Ninh Hòa, chảy tràn qua bến bà Quẹo thân thương.

Chỉ với vài trăm bạc, lơ đễnh đứng chờ, lơ đễnh bước lên đò, lơ đễnh ngồi đã sang bờ bên kia, tiết kiệm ngần ấy thời gian cuốc bộ vòng qua con đường vắng ngoằn ngoèo mờ mịt bụi. Ông chèo đò lưng trần, ngực vuông vạm vỡ, đôi tay sừng sững như bức tượng đồng đen chống mái chèo ngày ngày đưa khách sang sông. Ông góa vợ, con gái mồ côi mẹ ngồi thu lu trong căn chòi trên bến đưa mắt tròn xoe nhìn cha lênh đênh giữa sóng nước miền quê.

Mấy thím nhà quê lấy nón cời phe phẩy làm quạt, đôi gánh trĩu nặng trên vai gầy với ít bó rau, mớ trứng gà, rổ trái cây trong vườn, sáng sáng theo đò sang bờ bên kia rồi mang ra chợ bán, đứng bóng lại về cho kịp bữa cơm trưa. Chỉ một dòng sông ngăn dải đất làm đôi, hổng biết bên ấy có gì, cuộc sống có êm đềm với bãi mía bờ ruộng mênh mông như làng tôi ở, hay chỉ toàn ngõ sâu hun hút gió Nam non. Hay nơi đó, có cô gái môi hường, má đỏ, mắt liếc lẳng lơ, lả lơi ngồi hớ hênh trong quán cà phê giữa trưa vắng nỉ non tiếng nhạc vàng da diết… Có đôi lần, tôi muốn lẳng lặng trốn nhà một mình đi đò qua bên đó để coi cho thỏa trí tò mò của cậu nhóc tuổi mười lăm, nhưng lại chùn chân vì sợ má biết đánh đòn.

Má có cửa hàng tạp hóa nằm gần bến bán dầu ăn, gạo, muối, bột ngọt, củi, than, bánh tráng. Lời lãi chẳng là bao, đủ tiền ngày đong hai bữa gạo. Tôi ngồi trước nhà, quen từng khuôn mặt quê đi qua tạt vào quán. Bà Tám miệng nhồm nhoàm nhai trầu, đứng dựa vô đòn gánh, nói với má bây đường nếp gì cũng lên, tao cứ bỏ cốm giá này sớm muộn gì cũng đổ nợ quá. Dì Mười lao vô như bão, vừa nói vừa lấy hơi lên, bán chịu cho tao ký đường, nói má bây chiều xuống ăn bánh xèo trừ nợ nhen. Bà "tình tính tang" cứ bảy giờ sáng ghé vô uống một ly rượu gạo cho ấm bụng, giở lớp lá chuối, lấy trái ổi xá lị cho tôi, rồi chân thấp chân cao ra chợ. Trưa về ghé quán, nốc thêm ly nữa, móc túi trả luôn tiền hồi sáng, bước thấp bước cao, vừa đi vừa hát "tình tính tang là tang tính tình. Cô nàng rằng, cô mình ơi”, lên đò qua bên xóm ấy. Chẳng ai biết bà tên gì, ở đâu, cứ gọi đại là "bà tình tính tang" như câu hát giao duyên.

Sau này nhà bắt đầu làm kem để bán. Những khi cuối tuần hay vô hè nghỉ học, tôi được bổ sung vào “lực lượng” bán cà rem hùng hậu của má. Má bỏ ít kem chuối, kem bịch vô thùng xốp để tôi vác lên chùa gần bến bà Quẹo. Ngồi cả ngày, hết thì nhắn mấy chị đi chợ ngang qua nhà hú giùm một tiếng để gửi thêm lên. Không thì chạy về lấy.

Xóm nhỏ xíu, lèo tèo vài chục người. Trưa hè nắng nứt da, bịch cà rem mát lạnh ít trăm giải tỏa phần nào cơn khát cháy. Khách của tôi chỉ nhiêu đó người, bán tới bán lui cũng từng ấy mặt. Hết tiền ra ăn chịu, mai trả, mai không trả thì mốt trả. Không thì ăn gối đầu. Hôm nay trả nợ hôm qua, cứ thế làm tới. Bán xong, tôi hay thơ thẩn lên bến sông ngồi nhìn đám lục bình trôi lờ lững, ngó mấy con chim bói cá từ trên cao bay xuống cái vèo, nhanh như cắt trong miệng có một con cá thiệt to, hay thơ thẩn nghe gió thổi qua lòng sông, như câu hát ru thẩn thơ của má.

2. Bến đò năm cũ vắng bóng khách qua sông. Cách đó không xa người ta xây cây cầu gỗ cheo leo nối hai bờ thương nhớ. Ông chèo đò ngã bệnh, nằm xuống, ho sù sụ từng cơn. Cô gái nhỏ năm xưa thay cha đưa đò, giờ thành thiếu phụ long đong, tóc xác xơ bởi nắng gió miền quê nhuộm đen làn da trắng nõn. Mồ cha xanh um màu cỏ chơ vơ trên bến vắng. Ông gắn cả đời với bến, giờ nằm xuống cũng ngay chỗ này, ngày ngày nhìn bờ bãi đìu hiu. Cô bỏ nghề chèo đò, một nách hai con, mở quán nho nhỏ tảo tần buôn bán nuôi thân. Dòng sông rộng giờ như con lạch nhỏ. Mùa cạn, nước trơ dòng, xắn quần lội một cái qua đến bờ bên kia.

Chỉ có con đò nằm chỏng chơ bên bến vắng, rỉ sét, bào mòn, mục nát bởi nắng mưa.

Và tôi như người khách tình quân năm cũ, một lần lỡ bước chân quen, tìm về thẩn thờ trên bến vắng. Nước chảy qua cầu, lá rơi trên tóc rối. Bến bên kia, làng bên ấy giờ không còn gì bí mật, đã dọc ngang khám phá hết rồi.

Bà tình tính tang hóa gió cưỡi mây bay về cõi Niết.

Để rồi chiều về văng vẳng tiếng ai gọi

Ớ… đò ơi!

NGUYỄN HỮU TÀI

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202307/do-neo-ben-que-40f5049/