Đỗ Minh Dương Với miền đất đỏ và…

Làm thơ từ những năm 70 của thế kỷ trước, ngay năm 1975, anh Đỗ Minh Dương đã từng đoạt giải cao trong cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ. Trước khi in Về miền đất đỏ (NXB Hội Nhà văn, 2007), anh đã có 4 tập thơ in riêng: Thư tình để ngỏ (1990), Chạnh lòng (1997), Tình yêu và định mệnh (2001), Hành trình lục bát (2003).

Nhà văn Đỗ Minh Dương

Tập thơ Về miền đất đỏ có 52 bài, trừ bài Về quê thăm Bác sáng tác đã lâu, năm 1990, còn lại là các bài thơ tác giả viết từ sau năm 2000. Có lẽ bài thơ Về thăm quê Bác được đưa vào tập này do gần gũi với tiêu chí tuyển chọn tập thơ chăng?

Mang tên Về miền đất đỏ, tập thơ đã chỉ dẫn rõ nơi người làm thơ đang sống và sáng tác. Đấy là vùng đất miền Đông Nam bộ với màu đất đỏ đặc trưng, nơi mà một nhạc sĩ từng viết nên ca khúc nổi tiếng: Tình đất đỏ miền Đông. Còn xa lắm, Trịnh Hoài Đức có bài thơ hay về nơi chôn nhau cắt rốn của mình: Chu thổ sừ vân (Đất đỏ bừa mây). Vì thế, có thể gọi Về miền đất đỏ là tập thơ về Đồng Nai. Ngay ở những bài không có địa danh nào ở Biên Hòa - Đồng Nai, người đọc vẫn biết nhà thơ viết về vùng đất ấy, hoặc chí ít, chính miền đất đỏ là điểm tựa để người làm thơ nghĩ suy, cảm xúc.

Thơ viết về đất nước, con người Đồng Nai của Đỗ Minh Dương nhiều màu sắc và góc nhìn. Ở miền đất đỏ đã lâu, dường như anh thấm được cái tình, cái nghĩa của nơi không phải là quê hương bản quán mà máu thịt, mến thương tha thiết bội phần: Biên Hòa thương quá thành quê/ Nhớ lời hẹn bạn: mai về Đồng Nai (bài Mai ta về Đồng Nai).

Hơn thế nữa, trong tâm khảm của người làm thơ còn là một nỗi hàm ơn: Chợt nhận ra màu đất mới đỏ au/ Thấm vào tôi những mạch nguồn nóng hổi/ Tôi cúi xuống như người tạ lỗi/ Rừng cao su xao động mãi trên đầu…! (bài Buổi sáng trong rừng cao su).

Cảm và nghĩ được như thế nên thơ giả dụ có phải viết theo yêu cầu về đề tài đi nữa cũng không còn chất địa phương ca khuôn sáo, khiên cưỡng. Cho hay, đề tài không làm gì nên tội và hẳn cũng chưa chắc là một sự đảm bảo về giá trị của thơ. Ở đây, cái nhìn và tấm lòng của nhà thơ có ý nghĩa hơn.

Trong tập thơ, Đỗ Minh Dương có 4, 5 bài viết về Bác Hồ - một đề tài vừa gần gũi, quen thuộc, vừa thật khó bởi có biết bao nhà thơ đã viết. Vì không cố chạy theo đề tài hay chủ đề mà chỉ viết về những điều mình nghĩ, mình cảm xúc thật, nên có lẽ một số bài thơ của anh khiến người đọc nhớ lâu và chia sẻ. Trước mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Trước mộ cụ Phó bảng), Đỗ Minh Dương phát hiện: Không vương tước, chẳng phong thần/ Mà người nhớ nghĩa mang ân, tìm về…!

Về làng Sen (Về thăm quê Bác), anh mang cảm xúc của một người con đi xa: Con từ sông nước Đồng Nai/ Vượt qua ngàn dặm đường dài về đây/ Ơn sâu, tình nặng, nghĩa dày/ Như người xa xứ lâu ngày về thăm.

Trên đất nước này, hẳn không chỉ có nhà thơ mới cảm được cái tình, cái nghĩa, cái ơn sâu nặng ấy. Với nhà thơ, anh còn tìm thấy ở đó là cội nguồn, xứ sở, quê hương.

Hoặc Đỗ Minh Dương viết về một nữ cựu tù chính trị Côn Đảo ở Đồng Nai (Kể chuyện Bác Hồ) ngồi nghe kể chuyện Bác Hồ “như trẻ nhỏ say mê thần thoại”: Em ngưng kể, bàng hoàng chị giục: / - Tiếp đi em - những chuyện về Người/ Rồi như thể đang được nhìn thấy Bác/ Nước mắt trào chị khẽ gọi: Bác ơi!

Rồi bài thơ được kết bằng hình ảnh đẫm đầy nước mắt trên gương mặt của người kể chuyện và người nghe: Mỗi câu chuyện dồn thêm xúc động/ Nước mắt nhòa gương mặt chị, mặt em/ Như thể hai miền cùng khóc Bác/ Chuyện về Người rung động mọi con tim!

Tôi có biết người nghe kể chuyện Bác Hồ trong bài thơ, người phụ nữ có lẽ hồi trẻ thật xinh đẹp, đã gan góc trong rừng Chiến khu Đ và kiên trung trong chốn lao tù. Thật tiếc, bà đã mất. Bài thơ của Đỗ Minh Dương là lời tiễn đưa hương hồn người nữ chiến sĩ ấy.

Chưa nói đến câu từ, thơ trước hết phải bật lên từ những cảm xúc chân thật và thiết tha. Chính vì thế, Đỗ Minh Dương có những câu thơ hay về một đề tài lớn lao và cũng khó không kém - chiến tranh: Những thôn làng đất Việt tôi qua/ Vò võ bóng hoàng hôn góa bụa/ Người vợ mất chồng không thể đi bước nữa/ Bà mẹ đơn côi thành mẹ anh hùng! /Đau nhói tim ta những xóm không chồng/ Những bia dựng ghi mồ chôn tập thể/ Ai đi tìm người thân khắp nghĩa trang liệt sĩ/ Đứng khóc ròng quanh mộ chí vô danh… (bài Đất nước những năm chiến tranh).

Đọc thơ Đỗ Minh Dương tôi không kiếm tìm những sáng tạo thật độc đáo, hay những ý tưởng bất ngờ, đột biến. Anh đã đi nhiều vùng, sống nhiều nơi, nhưng không phải vì cái máu giang hồ hay bốc đồng và chắc là chẳng mấy khi nổi lên cái nộ khí xung thiên. Là người khoan hòa, từ tốn, anh tự nhận phần thua thiệt về mình và cất giấu nỗi buồn vào trong: Tài chưa đủ sáng cho thơ/ Đức chưa rọi thấu đôi bờ thực, hư…/ Hai mùa nắng lửa mưa tuôn/ Hồn tôi trĩu nặng nỗi buồn riêng tôi! (bài Gửi bạn).

Một người sống giữa thế gian này, tất nhiên, bên cạnh những niềm vui, đã có biết bao nỗi buồn. Ở người làm thơ, nỗi buồn, niềm nhớ dường như một ngày một dày dặn thêm: Nhớ mùa gió bấc mưa thâm/ Áo tơi, nón lá, chân dầm ruộng sâu (bài Đưa mẹ về quê); - Làm ông ngồi nhớ tổ tiên/ Cháu thì mơ tới những miền khơi xa… (bài Mừng được lên ông).

Và, đáng quý biết bao là những niềm thương: Bạn bè lác đác sao rơi/ Nghĩ mà thương những kiếp người tài hoa…/ Thương người bất hạnh khổ đau/ Mái đầu nhuộm trắng nỗi sầu nhân gian (bài Gửi bạn).

Nỗi buồn khiến người đời thấm thía hơn với thân phận của mình. Niềm thương gợi cho người đời nghĩa lý của sự tồn tại ở nhân gian.

Thơ cần cho con người là như thế chăng?

Biên Hòa, mùng 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn

Bùi Quang Huy

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202402/do-minh-duong-voi-mien-dat-do-va-0e33ff8/