Đồ chơi bạo lực, chứa chất độc trước thềm Tết Trung thu, bủa vây trẻ em

Tết Trung thu đang đến gần, thị trường đồ chơi trẻ em lại trở nên sôi động. Đây cũng là miếng mồi béo bở cho các gian thương trục lợi...

Phụ huynh cần cảnh giác khi mua đồ chơi cho con, tránh những loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mang tính bạo lực...

Phát hiện nhiều vụ nhập lậu, bày bán công khai đồ chơi bạo lực

Bên cạnh thị trường bánh kẹo, thị trường đồ chơi Trung thu ngày càng đa dạng với đặc điểm chung là mẫu mã bắt mắt, âm thanh sống động… thu hút khách hàng nhí.

Ghé vào bất kỳ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em, mọi người có thể dễ dàng thấy những sản phẩm mang tính bạo lực như gươm, đao, kiếm, súng, lựu đạn, các viên đạn nhựa… được bày bán công khai. Phụ huynh chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn đồng là có thể mua cho con trẻ.

Không chỉ “chợ thật”, “chợ ảo” cũng xuất hiện tràn lan các bài đăng bán đồ chơi bạo lực. Nhằm qua mặt lực lượng chức năng, nhiều gian thương chọn phương thức kinh doanh online, giao dịch qua mạng xã hội hoặc điện thoại.

 Lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh đồ chơi bạo lực thời gian qua. Ảnh: DMS

Lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh đồ chơi bạo lực thời gian qua. Ảnh: DMS

Do trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe nên theo quy định, đồ chơi trẻ em là mặt hàng bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy của cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành thì mới đảm bảo an toàn để lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các chủ kinh doanh vẫn nhập và bày bán các đồ chơi kích động, bạo lực. Nhiều vụ việc đã được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phát hiện, xử phạt.

Điển hình, sáng 24/8, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Thái Bình phát hiện 4.202 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại không có nhãn hàng hóa, không có tem hợp quy.

Số hàng hóa vi phạm trên đã được thu giữ sau khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh đồ chơi trẻ em Bùi Thị Mai (địa chỉ tại Ki-ốt số 7-8-9, Trần Nhật Duật, chợ Bo, phường Bồ Xuyên) và khám kho hàng của hộ kinh doanh tại địa chỉ Công ty CP dụng cụ thể dục thể thao trên đường Lý Bôn.

Thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa trên.

Tại Lai Châu, ngày 17/8, Đội QLTT số 2 tiến hành khám phương tiện mang biển kiểm soát 34C 263.78 do ông Nguyễn Viết Phượng (trú tại tỉnh Hải Dương) điều khiển kiêm chủ hàng.

Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 304 bộ đồ chơi trẻ em có hình dạng súng và kiếm bằng nhựa. Chủ xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, trên sản phẩm không có nhãn để căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất.

Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Viết Phượng tổng số tiền xử phạt 16.940.000 đồng, trong đó phạt hành chính là 6.000.000 đồng và tịch thu hàng hóa trị giá 10.940.000 đồng.

 Các loại súng được bày bán kinh doanh, nhập lậu đa phần là súng đồ chơi có hình dạng súng quân dụng, súng ngắn bắn đạn nhựa. Ảnh: DMS Lai Châu

Các loại súng được bày bán kinh doanh, nhập lậu đa phần là súng đồ chơi có hình dạng súng quân dụng, súng ngắn bắn đạn nhựa. Ảnh: DMS Lai Châu

Cũng trong ngày 17/8, Đội QLTT số 11 thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Công an quận Hà Đông kiểm tra cửa hàng kinh doanh Ninh Hòa ở địa chỉ Tổ 17 Phú Lương, quận Hà Đông, do bà Nguyễn Thị Hòa làm chủ hộ kinh doanh.

Nhiều sản phẩm được các gian thương nhập về chỉ với giá trên dưới 10.000 đồng. Khi đến tay người mua, giá đã được thổi lên khoảng 100.000 đồng. Lợi nhuận gấp cả chục lần nên chủ hàng sẵn sàng nhập về kho với số lượng lớn để tung ra thị trường.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện trên 700 sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình súng là loại đồ chơi kích động, bạo lực, không có bất kể hóa đơn chứng từ nào, để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số sản phẩm đồ chơi này.

Trước đó, ngày 10/8, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT Hà Nội kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ 19A1 ngách 74 ngõ Thịnh Hào 1, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, cũng phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh có 20 thùng hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Bên trong chứa 400 chiếc đồ chơi trẻ em bằng nhựa, hình dạng kiếm, không có nhãn hàng hóa và 2.400 chiếc đồ chơi trẻ em bằng nhựa, dạng hình gậy, có phát sáng khi lắp pin, hàng hóa chưa có pin, không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Các lô đồ chơi được phát hiện trong những vụ việc trên đều là lô hàng “3 không” theo đúng nghĩa: không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được chứng nhận chất lượng và không có hóa đơn chứng từ.

Đồ chơi bạo lực độc hại sức khỏe, tâm lý, nhân cách của trẻ

Theo các chuyên gia, những loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ thường được làm từ nhựa tái chế, kém chất lượng, kim loại pha chì, rất độc hại khi trẻ tiếp xúc trực tiếp.

Đặc biệt, đối với đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, đây là chất có thể gây ra ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của trẻ. Các bé nhỏ thường có thói quen ngậm đồ chơi, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, có thể nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn, gây nên các căn bệnh về đường ruột, viêm phổi…

Sở dĩ, chất phthalate được sử dụng sản xuất đồ nhựa vì giá thành của nó rẻ gấp 10 lần so với sử dụng các chất thay thế khác. Để cạnh tranh giá, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chất này trong quá trình sản xuất đồ nhựa.

 Thay vì mua súng đạn nhựa, đao hoặc kiếm, cha mẹ có thể tìm mua các loại đồ chơi trí tuệ, kích thích tư duy cho trẻ. Ảnh: IT

Thay vì mua súng đạn nhựa, đao hoặc kiếm, cha mẹ có thể tìm mua các loại đồ chơi trí tuệ, kích thích tư duy cho trẻ. Ảnh: IT

Theo các chuyên gia tâm lý, đồ chơi bạo lực, nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.

Một món đồ chơi thông minh sẽ giúp trẻ vừa giải trí, vừa phát triển trí tuệ. Nhưng những loại đồ chơi bạo lực sẽ tác động sâu sắc đến tính cách của trẻ, tạo nên tính hung dữ, bạo lực.

Do tác hại của đồ chơi bạo lực đối với trẻ nhỏ là vô cùng lớn nên các bậc phụ huynh cần thông thái hơn trong việc lựa chọn đồ chơi Trung thu cho con em mình, đừng vì tâm lý "trẻ chơi được vài ngày sẽ chán" mà ham rẻ hoặc chủ quan.

Hải An

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/do-choi-bao-luc-chua-chat-doc-truoc-them-tet-trung-thu-bua-vay-tre-em-d6125.html