Đỉnh núi Ngàn Nưa - nơi đất trời giao hòa, linh khí tụ hội

Núi Ngàn Nữa được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh đánh quân xâm lược Đông Ngô năm 248. Hằng năm, mỗi dịp Tết đến Xuân về, nơi đây tổ chức Lễ hội 'Đền Nưa - Am Tiên', thu hút hàng nghìn du khách thập phương và người dân.

Quang cảnh chụp từ trên cao của Núi Nưa, hay còn gọi là Ngàn Nưa, Na Sơn thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên. (Nguồn: VN Express)

Đền Nưa - Am Tiên là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, tọa lạc trên đỉnh núi Ngàn Nưa với độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển, thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia Am Tiên (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Quần thể di tích này bao gồm: Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên được quy hoạch với tổng diện tích 100ha.

Điểm chính giữa khu di tích là đỉnh Ngàn Nưa được dân gian quan niệm là một trong ba "huyệt đạo thiêng" của Việt Nam (bên cạnh núi Đá Chông, huyện Ba Vì, Hà Nội và núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh) - nơi có sơn cao thủy tụ, linh khí thiêng giữa trời-đất hội tụ, giao hòa.

Theo tài liệu khoa học, quần thể Núi Nưa có mạch núi bắt nguồn từ dải Trường Sơn, vươn về phía biển theo hướng Tây Bắc-Đông Nam; có hàng ngàn ngọn núi lớn nhỏ trùng điệp phân bổ đều khắp trên diện tích 55 km2, xung quanh là 99 ngọn núi tựa như voi phục chầu về đỉnh, nên người dân gọi là Ngàn Nưa.

Con đường từ tỉnh lộ 517 dẫn lên đỉnh Ngàn Nưa. (Nguồn: VN Express)

Theo sử sách, năm 248, bà Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.

Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nhưng câu nói của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta”, nhiều đời sau vẫn còn lưu truyền mãi.

Trải qua hàng ngàn năm, dấu tích trên ngọn núi này đã bị xóa mờ theo thời gian, nhưng những câu chuyện về giếng tiên, bàn cờ tiên, vườn thuốc tiên, động am tiên… vẫn còn được kể và lưu truyền đến tận ngày nay và thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách.

Bên cạnh đó, Ngàn Nưa mây mờ, sương phủ gợi nhắc câu chuyện về người ẩn sĩ đã hóa thành chim hạc tại nơi này. Ngay trong cái tên Ngàn Nưa cũng nhắc nhớ về ông Nưa - một trong những nhân vật tiêu biểu trong hệ thống nhân vật khổng lồ trong huyền thoại xứ Thanh, người đã có công lao mở mang xóm làng, đồng ruộng giúp người dân có kế sinh nhai, xây dựng cuộc sống no ấm đời này qua đời khác…

Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên kéo dài từ mùng 9 Tết hàng năm đến 20 tháng Giêng. (Nguồn: VN Express)

Cứ vào dịp đầu Xuân năm mới, UBND huyện Triệu Sơn lại tổ chức Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên ở khu di tích đền Nưa - Am Tiên.

Theo thông lệ, lễ hội chính thức được mở vào ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm, ngày “Mở cổng trời” (cho phép du khách lên thắp hương, cầu cúng khu huyệt đạo) và kéo dài đến ngày 20 tháng Giêng.

Mỗi năm vào khoảng thời gian này, địa phương đón hàng nghìn lượt khách tụ hội về để chiêm bái, thắp hương cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà may mắn và cầu tài, cầu lộc, cầu đỗ đạt, cầu tình duyên...

Tuấn Việt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dinh-nui-ngan-nua-noi-dat-troi-giao-hoa-linh-khi-tu-hoi-261366.html