Đình làng

Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.

Đó là câu ca từ xa xưa của các chàng trai cô gái thường nhớ về nhau, câu ca của đồng bằng Bắc bộ gắn bó với đình làng.

Đình làng tôi có lâu lắm rồi, có lẽ từ cuối đời Nhà Lý chuyển sang nhà Trần. Vì nghe nói thờ ông Thành Hoàng làng là một vị tướng đời nhà Lý. Ông trung thành với nhà Lý nên bị Trần Thủ Độ bày mưu sát hại.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Thời xa xưa các cụ dựng đình làng về cuối làng, hướng đông. Thời gian đầu dân làng làm ăn phát đạt, đồng ruộng thời vụ luôn xanh tốt. Hoa trái trong vườn trĩu quả. Cánh đi rừng đẵn gỗ đóng bè năm nào cũng kiếm bộn tiền tiêu rủng rỉnh, nhất là cánh con gái thì xinh lại càng xinh. Các cô đi đâu về qua giếng làng nước trong leo lẻo, cũng nhờ đó để vuốt tóc coi mặt thay gương.

Bởi vậy các chàng trai thấp thoáng bên đình nhìn trộm và trêu câu :

Qua đình ngả nón trông đình !

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu !

Đó cũng là mở đầu cho những cuộc quen nhau của những lứa đôi.

Một thời gian sau, làng bên (chỉ cách một cánh đồng) họ đào một cái giếng to bằng giếng làng tôi. Nước của họ cũng trong veo không kém, và kèm theo cuộc sống của họ cũng sung túc. Giếng làng tôi tự nhiên đổi màu, các cụ cho rằng làng kia họ đã động vào long mạch của làng, nhất là đụng đến ngôi đình hàng trăm năm. Dân làng tôi đã bàn đến việc rời đình đi nơi khác.

Sự cố này được quyết định vào một việc bất ngờ.

Đó là vào một đêm mùa thu, khi các cụ chánh, cụ lý trưởng, phó lý và mấy vị khách ngồi đánh tổ tôm. Các cụ thi nhau sát phạt thì tiếng sáo diều trên trời vẫn ngân nga trầm bổng, diều của cụ chánh bắt được giá trên làm rộn ràng thôn xóm về đêm. Bỗng anh tuần ở đâu xồng xộc chạy vào bẩm cụ chánh :

- Dạ thưa cụ diều mất trộm rồi ạ !

- Mày láo,tiếng vi vu đấy thôi !

- Thưa cụ trộm nó dẫn diều bằng đường gió ạ.

- Ừ tao nghe tiếng sáo đã xa xa, đuổi mau, mau!

Tất cả cánh tuần đinh hơn chục người,cứ chạy tắt cánh đồng, giáo mác lăm lăm, chẳng ngại gì gai góc vật cản, nhằm tiếng sáo diều chạy tới.

Đến bờ sông bỗng tiếng sáo diều im bặt. Trộm đã cuốn diều và theo đò ngang chạy về bên sông. Thế là mất tiếng sáo diều thổn thức dân làng mỗi mùa trăng.

Cụ chánh quyết định rời đình lên phía đầu làng phía Tây. Ở đây là khoảng đất rộng ngót một mẫu, gồm cả chùa Thích Ca Tự. Cách chùa vào khoảng mươi mét về phía làng là Nhà Bà, cũng xây bệ thờ. Tục truyền thờ cụ bà bán quán nước, thấy tướng quân phi ngựa qua. Qua quán người dong ngựa đi thong thả, vết thương người máu me đầy mình, miệng kêu khát. Bà lão liền mang nước cho người uống, uống xong cả người lẫn ngựa đi được vài bước thì đổ quỵ cách quán không xa. Bà lão bèn kêu dân làng ra đắp mồ cho Ngài tại chỗ.

Đồng bằng Bắc bộ có hàng trăm làng mạc thờ ngài, làm đình thờ ngài là Thành Hoàng làng, phong danh hiệu cho ngài là Đông Hải Đại Vương. Nhớ công lao cụ Bà bán nước, thường bên cạnh đình dân làng xây thêm miếu thờ, gọi là Nhà Bà.

Đáng ra làng định xây đình ở vườn đồng, nơi có thửa đất rộng gần hai mẫu. Thuở ấy phần lớn xây bằng vôi cát mật, xi măng còn rất hiếm. Thời gian đó dân làng đã chuẩn bị được 19 thùng vôi, 15 vạn gạch để chuẩn bị xây đình, nhưng vì Pháp lại cướp nước ta một lần nữa (khi đó vào khoảng năm 1946) nên Dân làng vẫn thờ ngôi đình cũ ở đầu làng, còn gạch định xây đình mới thì lát đường hai xóm.

Năm 1966 ngôi đình xuống cấp nặng, lúc ấy phong trào thủy lợi lại rất cần cho đồng ruộng thâm canh. Yêu cầu xây dựng trạm bơm để tưới tiêu cho đồng ruộng. Do chưa sẵn nguyên vật liệu, cấp trên về bàn với dân làng giải hạ ngôi đình đã cũ để lấy gạch xây dựng trạm bơm. Thánh được chuyển tạm vào ngôi chùa nhỏ ở đầu làng, tượng Phật được chuyển sang ngôi chùa lớn.

Cán bộ thủy lợi về giúp địa phương xây dựng trạm bơm. Đê sông Nhuệ được đào ra để làm cống dẫn nước từ trạm bơm.

Ngày giải hạ ngôi đình thật vui,khi các cụ làm lễ xin phép thánh và thổ địa xong, các trai tráng trèo lên tháo ngói, các cô gái sếp vào quang gánh ganh đến nơi để dự trữ cho ngôi đình mới sau này. Hết giải ngói đến giải tường, lượng gạch cũng chẳng được bao nhiêu, lý do gạch liên kết bằng vôi mật rất chắc chắn.

Không khí làm rất vui, tôi cũng được tham gia vì thời gian đó đang nghỉ hè. Tôi gánh khoảng hai mươi viên mỗi chuyến, các anh chị lớn gánh khoảng ba mươi viên, khí thế làm việc rất sôi nổi rôn ràng. Có anh chị còn chở gạch bằng xe cải tiến, đổ gạch xong xe không kéo về chở chuyến sau. Khi thì anh kéo chị ngồi trên xe, khi thì anh ngồi chị kéo... vừa đi vừa vui mấy câu thơ.

Anh hát: "Hôm nay giải hạ đình làng/ Xe không anh đón rước Nàng về Dinh"

Đến lượt chị hát: "Dịp hay giải hạ đình làng/ Em chăm chở gạch cho Chàng xây Dinh".

Rồi tiếng cười vui rộn rã suốt chặng đường, ngót một cây số từ đình đến trạm bơm. Không ít cặp trai gái đã nên đôi lứa khi xây dựng công trình thủy lợi này.

Tôi vừa đi học vừa đi làm thủy lợi trong những năm giúp mẹ, nhất là trong những dịp nghỉ hè năm 1966- 1967. Đầu năm 1968 tôi xa nhà đi kháng chiến.

Hòa bình tôi trở về quê. Tôi ra thăm trạm bơm, đứa em gái con cậu tôi đã trưởng thành. Em đã là một công nhân vận hành máy bơm. Ngày tôi đi bộ đội, em mới là cô bé thiếu nhi, đi học còn dây mực tím đầy tay, có khi còn vương trên mặt... vậy mà giờ đây em tôi vận hành máy thành thạo.

Tôi đến chơi em đưa ra bể bơm xem ba máy bơm nhả ra những cột nước hình cầu vồng tung bọt trắng xóa.

Tôi vui hỏi em :

- Bao giờ cho anh ăn kẹo mừng đây !

Em hơi hồng đôi má nhỏ nhẹ trả lời, nhưng dứt khoát:

- Còn lâu ! Em đã có chị dâu đâu mà chồng con chứ!

Em là em gái ngoan, khi tôi trả phép em lai tôi ra bến xe. Đường chất đầy rơm mà em vẫn đạp xe chạy băng băng. Tôi hỏi em: "đường người ta chất đầy rơm mà em lai anh khỏe thế"? Em trả lời: "Em với anh cùng gien mà. Trước đây anh còn to cao khỏe mạnh đắt phi công, chứ có nhẹ bỗng thế này đâu. Chở anh cũng như không"... Em nghẹn ngào.

Tôi vừa an dưỡng vừa điều trị vết thương. Khi dần bình phục, cấp trên cho ôn văn hóa để thi vào trường nào hợp với khả năng của mình. Tôi thi và đỗ vào trường Kinh Tế Thái Nguyên.

Mùa Đông vào tháng mười một năm 1976 anh Ba tôi lai tôi ra Hà Nội và từ đây đi Thái Nguyên. Anh đưa tôi vào đơn vị anh ở Bạch Mai nghỉ tạm để sáng sớm hôm sau đi tàu về Thái Nguyên.

Đến đơn vị anh vừa buổi trưa, anh em kịp thời báo cho tôi thêm suất cơm vậy là tôi cùng vui chung với anh em trong đơn vị anh, bữa trưa thật vui vẻ. Chiều anh đưa tôi ra hồ nước, nơi các anh nuôi cá trắm cỏ. Chúng nhao lên mặt nước đớp cỏ như giọt mưa rào rơi xuống mặt nước. Buổi tối anh em ngồi xem tivi, anh Ba bảo tôi đi ngủ sáng sớm còn ra kịp tàu đi Thái Nguyên.

Khoảng năm giờ sáng anh Ba lai tôi ra phía sau Ga Hàng Cỏ. Cửa tàu đã mở toang, tôi vội chào anh rồi vào trong, lên tàu Thái Nguyên. Mọi người đã lên hết, tôi vừa lên là tàu chuyển bánh.

Tôi xuống Ga Phổ Yên, ngược về hướng Thái Nguyên khoảng ba cây số là đến trường. Tôi học đã là khóa 13. Trường như vậy là từ Trường Kinh Tế Một được thành lập từ năm 1963. Sinh viên ở đây được học ngành quản lý kinh tế, gồm toàn cán bộ sĩ quan còn trẻ, đào tạo để về bổ xung cho các cơ quan xí nghiệp của nhà nước.

Thời gian đầu chúng tôi ôn luyện lại văn hóa cấp ba và củng cố trường lớp đi vào nề nếp. Tôi ở lớp LD khóa 13 chuyên ngành Lao động tiền lương. Học sinh đủ các tỉnh từ miền Trung trở ra. Cũng có thêm mấy em sinh viên trẻ từ miền Nam gửi ra, các em chỉ kém chúng tôi vài tuổi.

Sang năm thứ hai chính thức vào hoc chuyên môn, chúng tôi được các thầy có trình độ cao và dày dạn kinh nghiệm dậy đẽ hiểu nên tiếp thu bài vở cũng dễ dàng dễ hiểu. Lớp tôi có sáu nữ còn hơn ba mươi nam. Có hai cặp yêu nhau khi tốt ngiệp đã tổ chức cưới.

Giữa năm thứ ba chúng tôi về thực tập tại nhà máy dụng cụ cắt gọt Số 1, cạnh nhà máy Trung quy mô, cạnh Ngã Tư Sở khu vực Cầu mới. Tôi trọ tại nhà người ông họ ở đầu thôn Giáp Nhất, ngày ra nhà máy thực tập, nghỉ trưa tại nhà máy, chiều ăn tại nhà máy, tối chỉ việc về nhà ông ngủ. Các bạn cùng lớp khoảng hai mươi người,cũng rải rác trọ trong làng.

Công việc thực tập của chúng tôi cũng không có gì khó khăn. Đến giờ làm việc thì đến bàn làm việc của anh em phòng hành chính, nghiên cứu tài liệu liên quan đến chuyên môn, sau đó đi thăm anh em công nhân sản xuất. Quan sát kỹ họ làm ra sản phẩm, quan sát máy vận hành.

Hết đợt thực tập tôi về nhà ông họ viết thu hoạch. Cũng dễ dàng, kết hợp với nghiên cứu nhiệm vụ của nhà máy, cộng với những gì quan sát được ở công nhân sản xuất, cộng với lý luận được học... Tôi viết một buổi sáng là xong.

Thi vấn đáp cộng với viết thu hoạch tôi đạt loại ưu, đến hết năm thứ tư cũng vậy. Kết quả tôi có bằng đỏ ngành đào tạo về kinh tế. Ra trường tôi được nhận về nhà máy làm việc cho đến năm 2000.

Về quê hương, tuổi còn trung niên, hòa vào cuộc sống thôn quê. Bao năm bôn ba vào Nam ra Bắc giờ về quê mà lòng thanh thản lạ thường.

Về quê đúng vào dịp dân làng đang chuẩn bị dựng lại ngôi đình.

Ngôi đình cũ đã giải hạ được hơn ba mươi năm, nay phải làm lại đình, để Thánh ở ngôi nhà nhỏ không thích hợp.

Vẫn là khu đất Vườn Đồng ngày xưa các cụ định dựng đình làng nhưng vì giặc Pháp trở lại mà công việc lỡ dở. Năm 1966 khu đất hơn một mẫu này Hợp Tác Xã đã lấy làm sân phơi và kho chứa thóc. Ngày ấy tôi chưa đi bộ đội, mỗi mùa vụ đều tham gia thu hoạch giúp mẹ. Tôi chỉ làm nửa buổi vào chiều, sáng đi học, nghỉ hè thì tham gia cả ngày.

Năm 1978 hợp tác xã đã vào hợp nhất, khu đất ấy dành riêng cho các cụ làm vườn ươm cây, nơi để các cụ tham gia vui tuổi già lại có thu nhập.

Đến nay thì các cụ và dân làng bàn làm đình. Các cuộc họp bàn tán thâu đêm, nhiều ý kiến bàn ra tán vào: Trước đây Thánh ở chỗ rộng rãi, bây giờ ngài ở chỗ nhỏ hẹp đi lại khó khăn thì làm sao phù hộ cho dân làng được.

Có lẽ ý kiến thuyết phục nhất vẫn là của một chàng trai trẻ: "Các cụ không làm đình cho Thánh ở, Ngài không phù hộ cho chúng con, để gái làng thiên hạ họ "nhấc đi"... chúng con ế hết!

Câu này phần lớn người trẻ ủng hộ, vừa reo vừa vỗ tay rào rào. Thế là quyết định làm đình.

Đình làm xong vào năm 2004. Khánh thành. Cùng dịp này lại được thầy sư mới về chùa, thật là song hỷ lâm môn.

Đám rước Thành Hoàng làng vào nhày 12 tháng 8 âm lịch vui chưa từng thấy. Các đội múa rước đều chỉnh tề xiêm áo. Cánh con trai con gái áo đỏ áo vàng khêng kiệu, cầm cờ quạt hàng dọc tiến hướng cuối làng. Đội ngũ dâng hương, đội lễ tế cựu chiến binh, tiếp đến là dân làng quan khách... theo nhịp trống hội dấn bước.

Ước mong có đình mới khang trang thỏa tâm nguyện dân làng sau hơn nửa thế kỷ đã hoàn thành, kể từ khi Giặc pháp trở mặt từ năm 1946.

N.Đ.D

Trái tim người lính

Nguyễn Đăng Dung

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dinh-lang-a24764.html