Định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong bối cảnh mới

Các hợp tác xã nông nghiệp từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tại Việt Nam, nhu cầu tham gia hợp tác xã nông nghiệp ngày càng lớn, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác ngày càng có nhu cầu tạo chuỗi liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp để phát huy lợi thế của các loại hình hợp tác xã nông nghiệp, mở rộng năng lực sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trước sức ép của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến hết năm 2023, cả nước có 96 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, trên 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt; gần 2.500 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; trên 4.000 hợp tác xã thực hiện bao tiêu nông sản.

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện.

Hợp tác xã phật thủ tại xã Yên Thái, huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: Phương Linh)

Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã tổ chức vào tháng 2/2024 vừa qua, nhằm đưa ra giải pháp giúp hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai 4 nhóm chính sách phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một là, hỗ trợ phát triển đa dạng các mô hình tổ chức, quản trị hợp tác xã, phù hợp với đặc trưng từng vùng miền, ngành hàng sản phẩm.

Hai là, đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, quản trị, nhất là đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã và đào tạo đội ngũ trẻ làm việc trong hợp tác xã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chuẩn hóa hệ thống tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo như tiêu chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình, học liệu điện tử... tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo.

Ba là, phát triển hợp tác xã gắn với vùng nguyên liệu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn 14 địa phương, trải dài từ Bắc vào Nam, với 5 vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, gồm trái cây, lúa gạo, cà phê, tôm.

Ngoài ra, khoảng 1.000 hợp tác xã tham gia chuỗi lúa gạo trong vùng Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ được hưởng lợi từ các chương trình, kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bốn là, đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các dịch vụ logistic hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp.

“Hợp tác xã không chỉ là một mô hình kinh tế đơn thuần, không chỉ là một phong trào có tính thời điểm. Hơn hết, hợp tác xã là hành trình đổi mới tư duy bền bỉ, không ngừng, là triết lý cấp tiến của nhân loại về giá trị của liên kết, hợp tác", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm hơn nữa vào các nhóm chính sách. Đầu tiên là chính sách đất đai. Cụ thể: Đưa ra những giải pháp khả thi, linh hoạt về tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất kinh doanh để hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn; Hỗ trợ, hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng hạ tầng (kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản); Thí điểm hình thành thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Nhóm chính sách thứ hai là về thuế, phí và lệ phí. Bộ trưởng gợi ý, cần nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng cho đối tượng hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt là các giao dịch nội bộ giữa hợp tác xã và thành viên. Ngoài ra, có thêm chính sách ưu đãi đối với hợp tác xã hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, hợp tác xã có nhiều thành viên, người lao động nữ, có nhiều thành viên, người lao động khuyết tật.

Cùng với đó là hỗ trợ chính sách tín dụng theo hướng tăng độ mở và linh hoạt đối với việc vay vốn cho hợp tác xã nông nghiệp, hoặc khuyến khích hoạt động tín dụng nội bộ. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến đào tạo nguồn nhân lực.

Phương Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dinh-huong-phat-trien-hop-tac-xa-nong-nghiep-trong-boi-canh-moi-d214139.html