Định hướng dạy và học môn Ngữ văn

Ngữ văn là môn học có vai trò quan trọng trong việc định hình, trau dồi tư tưởng, tình cảm cho học sinh. Môn học này còn là một trong các môn thi bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố đề thi minh họa các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trong đó có môn Ngữ văn. Với nhiều điểm mới trong đề thi đã đặt ra cho các trường THPT cần có sự thay đổi về cách dạy và học, cũng như kiểm tra đánh giá trong giai đoạn hiện nay.

ĐỀ THI GÓP PHẦN “TRIỆT TIÊU” VĂN MẪU

Cấu trúc đề thi minh họa môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 2 phần: Đọc hiểu (4 điểm) và viết (6 điểm). Riêng phần viết, có câu nghị luận văn học (2 điểm) và nghị luận xã hội (4 điểm). Ở phần đọc hiểu gồm 5 câu hỏi nhỏ được thiết lập theo ma trận 3 mức độ là nhận biết, thông hiểu và vận dụng, kiểm tra kiến thức từ ngữ, ngữ pháp, đọc hiểu văn bản của thí sinh.

Một tiết học Ngữ văn ở Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho.

Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật thần thoại từ văn bản “Thần Mưa” được cho sẵn và câu nghị luận xã hội đặt vấn đề cuộc sống thường có những khó khăn, thử thách; đối mặt hay bỏ cuộc là lựa chọn của mỗi người. Đề yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến về những khó khăn, thử thách đối với tuổi trẻ.

Cô Trương Thị Châu Minh, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đánh giá về toàn bộ cấu trúc đề minh họa môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THTP từ năm 2025 có thể thấy đề có độ bao phủ rộng chương trình, đáp ứng cả hai yêu cầu của kỳ thi lấy điểm thi xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Phần đọc hiểu nếu nắm kiến thức sẽ làm được bài. Riêng với câu nghị luận xã hội nếu nắm cấu trúc làm bài văn nghị luận xã hội học sinh vẫn có thể triển khai tốt. Riêng câu nghị luận văn học đặt ra trong bài, thì học sinh khá, giỏi mới có khả năng làm bài tốt.

So với đề cũ thì điểm mới của đề thi minh họa môn Ngữ văn là ở phần làm văn, câu nghị luận văn học không ra trong sách giáo khoa như hằng năm và điểm số đã hạ xuống còn 2 điểm, trong khi đó câu nghị luận xã hội tăng lên 4 điểm.

“Đánh giá tổng quát toàn bộ đề thi minh họa môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có thể thấy đã bám sát những yêu cầu, chuẩn kiến thức đặt ra trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Đề thi đã hướng đến sự đổi mới, học sinh không được “học tủ, học vẹt”, hoặc đoán đề mà phải phát huy, tăng cường kỹ năng vận dụng của học sinh, các em phải nắm thật chắc kiến thức thì mới giải quyết được các yêu cầu của đề. Điều này cũng đã góp phần “triệt tiêu” văn mẫu”, cô Minh nhận định.

THAY ĐỔI CÁCH DẠY VÀ HỌC

Vấn đề tồn tại trong dạy và học môn Ngữ văn trong rất nhiều năm qua ở nhiều trường phổ thông là vẫn còn tình trạng đọc - chép, từ đó làm cho học sinh không mấy mặn mà với môn học này. Điều này đặt ra vấn đề cần thực hiện quyết liệt hơn nữa sự đổi mới dạy và học môn Ngữ văn trong các nhà trường, đặc biệt là trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT năm 2018.

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 2 Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) triển khai Chương trình GDPT năm 2018. Việc đổi mới dạy và học Ngữ văn đã được nhà trường chú trọng. Đứng trước yêu cầu chương trình mới, việc dạy và học Ngữ văn trong trường chú trọng cả kỹ năng viết, đọc hiểu, nói; dạy học Văn gắn với cuộc sống và khuyến khích học sinh tích cực phản biện.

Thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo cho biết: “Việc đổi mới đó là khi dạy về nghị luận xã hội, giáo viên cần đưa ra những vấn đề đa chiều, khuyến khích khả năng tư duy, phản biện, nói lên chính kiến của học sinh thay vì bắt các em viết, khi đó các em sẽ hứng thú hơn. Còn việc dạy viết bài văn là phải bám sát thật chắc kỹ năng, hướng dẫn, mục tiêu mà chương trình đề ra, chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, đảm bảo cấu trúc. Công tác kiểm tra đánh giá, giáo viên xây dựng, đặc tả ma trận cụ thể, ra đề bám sát ma trận, tuyệt đối không để tư duy chủ quan, cảm tính trong ra đề thi”.

Về công tác kiểm tra, đánh giá, cô Nguyễn Thị Thu Nga, giáo viên môn Ngữ văn một trường THPT ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho rằng, giáo viên cần phong phú hóa ngữ liệu nhưng phải bảo đảm chất lượng. Ngữ liệu có thể lấy từ văn bản khác với văn bản đã học của các tác giả đã được thẩm định; phần văn bản còn lại trong sách giáo khoa; ngữ liệu ở bộ sách giáo khoa khác. Mặc dù khuyến khích lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nhưng giáo viên phải hết sức cẩn thận xem xét tính đa nghĩa, ngữ cảnh của ngữ liệu để tránh gây hiểu nhầm.

Dù đổi mới dạy và học với nhiều cách khác nhau nhưng theo nhiều giáo viên dạy Ngữ Văn thì cần chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học. Dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận…

Ngữ văn là môn học công cụ quan trọng trong trường phổ thông, đổi mới dạy và học Ngữ văn là vấn đề cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn ngành Giáo dục triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 như hiện nay.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202401/dinh-huong-day-va-hoc-mon-ngu-van-1000663/