Dính 'bom tổng lực' từ phương Tây, Nga không hề hấn? Dầu diesel có cửa né trừng phạt?

Châu Âu tiếp tục gia tăng áp lực lên nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, tìm cách làm cạn kiệt ngân quỹ của Tổng thống Vladimir Putin khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine chưa có hồi kết.

G7, EU thống nhất áp giá trần đối với xăng dầu của Nga. (Nguồn: Getty Images)

G7, EU thống nhất áp giá trần đối với xăng dầu của Nga. (Nguồn: Getty Images)

Thị trường dầu mỏ thêm rắc rối

Ngày 5/2, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia thống nhất áp giá trần đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga. Hành động này nhằm hạn chế Moscow tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết, mức giá trần đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga được EU nhất trí ở 100 USD/thùng đối với xăng, dầu diesel và dầu hỏa; 45 USD/thùng đối với dầu nhiên liệu.

Lệnh cấm vận sẽ có hiệu lực đúng hai tháng sau khi phương Tây thực hiện bước quan trọng nhất với Nga.

Trước đó, G7, EU và Australia đã thực hiện mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga. Với mức giá trần đó, phương Tây cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, khối 27 quốc gia thành viên này cũng đã cấm mua và nhập khẩu dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển kể từ ngày 5/12/2022.

Một số nhà phân tích năng lượng lo lắng rằng, các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây với xăng, dầu tinh chế Nga có thể gây ra sự xáo trộn thị trường đáng kể. Lệnh cấm này sẽ phức tạp hơn và gây rối hơn so với những gì đã xảy ra trước đây.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cảnh báo, lệnh cấm mới nhất của EU có thể sẽ có tác động gây rối hơn so với các lệnh trừng phạt nhập khẩu dầu thô trước đây.

Nhà phân tích Matthew Sherwood tại Economist Intelligence Unit (EIU) dự đoán: “Chúng tôi dự kiến sẽ có một số gián đoạn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu - đặc biệt là ngay sau lệnh cấm - khi các thị trường EU tiếp tục sắp xếp các nguồn cung cấp thay thế. Chúng tôi cũng cho rằng, điều này sẽ gây áp lực tăng giá đối với các sản phẩm dầu mỏ nói chung".

Ông Sherwood cho biết, nhóm nghiên cứu tại EIU cho rằng, sẽ có một số thay đổi trong dòng chảy dầu của Nga. Cụ thể, Moscow sẽ gửi nhiều thùng dầu hơn đến Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi. Trong khi đó, châu Âu tăng cường nhập khẩu dầu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông và Mỹ.

"Điều này có thể sẽ làm tăng chi phí vận chuyển", nhà phân tích Sherwood khẳng định.

Trung Quốc và Ấn Độ là "cứu tinh"

Các nhà phân tích năng lượng đã hoài nghi về tác động của mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga của phương Tây, đặc biệt là khi Moscow đã có thể định tuyến lại phần lớn các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển của châu Âu đến các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

EU kêu gọi Ấn Độ và Trung Quốc tuân theo giá trần đối với dầu của Nga. Tuy nhiên, vào tháng 12/2022, nhập khẩu dầu của Ấn Độ tăng lên mức kỷ lục trong 5 tháng, khi nước này tích cực tăng cường mua dầu thô của Nga.

Trong khi đó, tháng 1/2023, Trung Quốc cũng là là khách hàng lớn thứ hai của dầu Urals Nga.

Nhà phân tích Stephen Brennock tại PVM Oil Associates ở London nhận định: “Tác động của các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Nga sau hai tháng cấm vận của EU không nghiêm trọng như một số người dự đoán”.

Bình luận của ông được đưa ra ngay sau khi hãng tin Reuters báo cáo rằng, lượng dầu từ các cảng Baltic của Nga đã tăng 50% trong tháng 1/2023 so với tháng 12/2022.

Ông Brennock nói: “Đây là kết quả không tệ đối với quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, 'số phận' của các sản phẩm dầu tinh chế có thể sẽ không giống như vậy. Trung Quốc và Ấn Độ là 'cứu tinh' cho xuất khẩu dầu thô của Nga nhờ năng lực lọc dầu lớn. Điều này cũng có nghĩa là họ sẽ tiếp tục sử dụng dầu thô nhập khẩu giá rẻ và xử lý trong nước, thay vì mua dầu tinh chế của Moscow".

Nga đã trả đũa các biện pháp của phương Tây được thực hiện vào cuối năm 2022 bằng cách cấm bán dầu cho các quốc gia tuân thủ giá trần.

Trước đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc phương Tây áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ không ảnh hưởng đến khả năng duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ông Paul Sankey, Chủ tịch và nhà phân tích hàng đầu tại Công ty nghiên cứu Sankey Research nói rằng, các biện pháp trừng phạt áp đặt lên những sản phẩm dầu Nga “là một quả bom tổng lực nhưng nó đã thất bại hoàn toàn". Bởi thị trường dầu mỏ vẫn mạnh mẽ vì nguồn cung dầu Nga không thực sự bị gián đoạn và họ "vẫn duy trì xuất khẩu dầu ở mức cao”.

Vị chuyên gia này nói thêm rằng: “Tôi nghe được tin người Saudi Arabia đã hỏi rằng làm thế nào mà dầu Nga vẫn đang lưu thông khắp nơi? Điều đó đặt ra câu hỏi là điều gì sẽ diễn ra đối với các lệnh trừng phạt mới nhất lên các sản phẩm dầu".

Hai mối quan tâm chính

Vấn đề vận chuyển và giá cả là mối quan tâm chính khi nói đến lệnh cấm của EU đối với xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Thật vậy, khi những thách thức này được tính đến thì các nhà phân tích tại Eurasia Group tin rằng, lệnh cấm sản phẩm dầu tinh chế Nga có thể chịu tác động lớn hơn đối với thị trường, so với lệnh cấm vận dầu thô.

Việc vận chuyển các sản phẩm dầu tinh chế của Nga bằng đường biển được cho là khó khăn hơn vì các tàu chở dầu phải được làm sạch sâu khi chuyển từ chở nhiên liệu này sang nhiên liệu khác, chẳng hạn như từ xăng sang dầu nhờn.

Các nhà phân tích tại Eurasia Group cho biết: “Điều này sẽ tạo ra những thách thức về hậu cần và chi phí vận chuyển cao hơn nếu Nga tìm cách chuyển hướng dòng sản phẩm sang châu Á, như quốc gia này đã làm với dầu thô”.

Còn theo ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo: “Một khi lệnh cấm vận của EU đối với xuất khẩu dầu tinh chế qua đường biển của Nga có hiệu lực, chúng ta có thể thấy giá xăng và đặc biệt là dầu diesel vẫn được hỗ trợ bằng cách thắt chặt nguồn cung".

Tuy nhiên, ông Ole Hansen cũng cho rằng, Nga có thể gặp khó khăn trong việc chuyển hướng nguồn cung dầu diesel cho những khách hàng khác, ngoài châu Âu.

(theo CNBC)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dinh-bom-tong-luc-tu-phuong-tay-nga-khong-he-han-dau-diesel-co-cua-ne-trung-phat-215530.html