Điều trị viêm túi lệ kéo dài

Viêm túi lệ là bệnh khá phổ biến, thường do tắc lệ đạo. Tình trạng này gây khó chịu, luôn bị chảy nước mắt, giảm khả năng lao động cho người bệnh. Nguyên nhân do đâu và dùng thuốc gì để trị?

Nguyên nhân gây viêm túi lệ

Viêm túi lệ là tình trạng nhiễm trùng túi lệ, ống lệ ở khóe mắt gần mũi, gây tắc lệ đạo. Khi tắc lệ đạo, nước mắt sẽ không được dẫn lưu xuống mũi mà ứ đọng tại túi lệ gây viêm túi lệ, nước mắt chảy ra ngoài, nhiễm trùng mắt, làm mờ mắt…

Viêm túi lệ thường gặp ở trẻ sơ sinh và người lớn trên 40 tuổi. Bệnh ban đầu là cấp tính nhưng có thể diễn tiến mạn tính nếu không được điều trị dứt điểm. Vi khuẩn gây viêm chủ yếu là tụ cầu vàng và liên cầu tan huyết.

Khi viêm túi lệ cấp tính bệnh nhân sẽ bị chảy nước mắt, sưng đỏ, đau nhức vùng túi lệ, có thể có gỉ mắt. Trường hợp nặng hơn có thể gây áp-xe túi lệ. Giai đoạn muộn có thể bị rò mủ ra ngoài, kèm theo sốt, mệt mỏi, nổi hạch trước tai.

Viêm túi lệ mạn tính có biểu hiện chảy nước mắt và tiết gỉ mắt thường xuyên. Vùng túi lệ có khối sưng nề, ấn vào có mủ nhầy trào ra ở góc trong mắt...

Sưng nề do viêm túi lệ.

Sưng nề do viêm túi lệ.

Cách dùng thuốc điều trị viêm túi lệ

Khi mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng viêm túi lệ, cần đi khám tại chuyên khoa mắt để được hướng dẫn điều trị sớm. Tùy vào tình trạng bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp.

Phương pháp điều trị phổ biến áp dụng điều trị viêm túi lệ cấp tính là sử dụng kháng sinh nhỏ mắt hoặc kháng sinh toàn thân. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có đau và sưng nề bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc thuốc giảm đau, thuốc giảm phù nề để cải thiện các triệu chứng này.

Trước khi sử dụng kháng sinh nhỏ mắt hoặc kháng sinh đường toàn thân, cần lây dịch mủ để nuôi cấy vi khuẩn, tìm tác nhân gây bệnh để kê đơn kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ. Với trường hợp không làm được kháng sinh đồ, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng kháng sinh phổ rộng tại mắt và toàn thân.

Điều trị viêm túi lệ cấp tính

Kháng sinh nhỏ mắt tại chỗ như moxifloxacin, ngày nhỏ mắt 6 - 8 lần. Có thể thay thế bằng kháng sinh gatifloxacin, levofloxacin.

Kháng sinh đường toàn thân như cefuroxim, hoặc amoxicilin+clavulanat.

Thời gian dùng kháng sinh phải từ 7 - 10 ngày tùy theo mức độ đáp ứng kháng sinh và mức độ nhiễm khuẩn cấp tính. Kháng sinh dùng ở trẻ em khác so với người lớn kể cả về nhóm kháng sinh cũng như liều lượng. Do đó cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, cần điều trị phối hợp để bệnh nhanh khỏi với các biện pháp tháo chích mủ túi lệ, dùng thuốc giảm phù nề, thuốc giảm đau…

Điều trị viêm túi lệ mạn tính

Để điều trị viêm túi lệ mạn tính cần phải làm cho đường lệ thông sang mũi bằng bơm thông lệ đạo hoặc mổ nối thông túi lệ mũi. Khi đã dùng biện pháp này nhưng bệnh vẫn không khỏi, cần phải cắt túi lệ để loại trừ hoàn toàn viêm túi lệ mạn tính.

Viêm túi lệ rất hay tái phát nếu không giải quyết được tình trạng tắc lệ đạo. Phương pháp điều trị tối ưu là phẫu thuật tạo đường thông lệ đạo mới sẽ giúp cho bệnh nhân hết chảy nước mắt, hết viêm và mủ nhầy ở túi lệ.

Hình ảnh lệ đạo bị tắc dẫn đến viêm túi lệ.

Hình ảnh lệ đạo bị tắc dẫn đến viêm túi lệ.

Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ biện pháp đầu tiên và đơn giản nhất là day, nắn vùng có túi lệ. Khi cần thiết phải kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ mắt. Biện pháp day nắn vùng túi lệ phải hết sức kiên trì và thật khéo mới mang lại hiệu quả và không gây tổn thương do tác động vật lý.

Nếu biện pháp này không hiệu quả cần cho trẻ bơm rửa và thông lệ đạo, giúp thông nước mắt xuống mũi. Tuổi để thông lệ đạo tốt nhất là khi trẻ được 4 - 5 tuổi. Trường hợp trẻ lớn hơn, nên đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa mắt để bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân.

Điều trị càng sớm các trường hợp tắc lệ đạo thì càng hiệu quả và phòng bệnh tiến triển thành mạn tính. Điều trị tốt viêm túi lệ mạn tính lại có thể dự phòng được viêm túi lệ cấp tính tái phát.

BS. Nguyễn Xuân Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-viem-tui-le-keo-dai-169240315180053477.htm