Điều trị vảy nến cho phụ nữ mang thai và cho con bú

Điều trị vảy nến cho phụ nữ mang thai và cho con bú là vấn đề không đơn giản. Các bà mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Thay đổi nội tiết tố khi phụ nữ mang thai, sinh đẻ có thể khiến họ mắc bệnh vảy nến. Ảnh: Sixthstone.

Nhiều phụ nữ bị mắc vảy nến trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Đây là bệnh viêm, biểu hiện rõ nhất là các sẩn và mảng đỏ, ranh giới rõ bao phủ bởi các vẩy da trắng bạc. Vảy nến gây khó chịu cho người bệnh với cảm giác ngứa ngáy, đau đớn. Bệnh da liễu này còn tác động đến tâm lý, khiến bệnh nhân tự ti.

Khi bị mắc vảy nến, thai phụ và sản phụ thường lo lắng không biết có thể điều trị không. Về vấn đề này, ThS.BS Lê Thị Hoài Thu, Bệnh viện Da liễu Trung ương, khẳng định là có thể. Theo bác sĩ, bệnh vảy nến có thể thay đổi liên quan đến các mốc thay đổi nội tiết quan trọng như mang thai, sinh đẻ và mãn kinh.

Khoảng một nửa phụ nữ bị vảy nến cải thiện triệu chứng của họ trong thời kỳ mang thai. Một số phụ nữ không nhận thấy sự thay đổi nào cả, trong khi khoảng 10-20% phụ nữ có các triệu chứng vảy nến nặng nề hơn. Nhiều phụ nữ bắt gặp tình trạng vảy nến của họ bùng phát ngay sau sinh.

Những loại thuốc có thể sử dụng

Theo bác sĩ Lê Thị Hoài Thu, trong thời kỳ mang thai, phụ nữ bị bệnh vảy nến có thể dùng kem dưỡng ẩm theo chỉ định của bác sĩ. Chúng thường an toàn, giúp bong vảy da, làm mềm da, tránh các vết xây xước, kích ứng gây xuất hiện tổn thương mới.

Với trường hợp cần phải sử dụng corticoid bôi tại chỗ, các bà mẹ cần chọn loại nhẹ đến trung bình dùng trong thời gian ngắn để đạt được hiệu quả.

Bác sĩ Thu cho hay không tìm thấy bằng chứng liên quan đến việc sử dụng corticoid tại chỗ với tăng nguy cơ bất thường cho thai nhi. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm tăng các vết rạn da cho mẹ. Ngoài ra, bác sĩ lưu ý thai phụ không nên dùng corticoid loại mạnh, bôi trên diện rộng hoặc quá kéo dài.

Bên cạnh đó, với liệu pháp ánh sáng, nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị tại chỗ thông thường, chiếu ánh sáng có thể được lựa chọn. Trong đó, loại hay sử dụng nhất là chiếu tia cực tím B (UVB) dải hẹp hoặc dải rộng.

Bác sĩ Thu thông tin hiện tại, Bệnh viện Da liễu Trung ương đang sử dụng rất phổ biến phương pháp này cho các bệnh nhân vảy nến, không chỉ dành cho phụ nữ mang thai mà còn cho rất nhiều bệnh nhân khác và mang lại hiệu quả tích cực.

Tác dụng phụ hay gặp của phương pháp này là có thể đỏ da, bỏng rát sau 1-2 ngày chiếu, tuy nhiên không đáng kể. Bệnh nhân có thể trao đổi lại với bác sĩ để chỉnh liều chiếu. Về nguy cơ ung thư da mà có thể nhiều phụ nữ băn khoăn, khi bệnh nhân được điều trị đúng chỉ định bác sĩ, các nghiên cứu và thực tế đã chứng minh là an toàn, không làm tăng nguy cơ ung thư da.

Còn với thuốc sinh học, việc sử dụng thuốc sinh học trên phụ nữ mang thai không phải là thường quy và cần được cân nhắc kỹ trước khi sử dụng. Thuốc sinh học kháng TNF-α như adalimumab, etanercept, infliximab được xem là khá an toàn cho phụ nữ mang thai, tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ đi qua nhau thai, đặc biệt ở 3 tháng cuối thai kỳ, phát hiện trong máu của trẻ sơ sinh vài tháng hoặc nhiều năm sau sinh.

Thuốc Cyclosporin A có thể được chỉ định trong trường hợp vảy nến nặng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và toàn trạng. Nguy cơ gây quái thai, đẻ non, con nhỏ hơn tuổi thai dường như thấp nhưng vẫn đã được báo cáo. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc sau khi cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ, đồng thời cần phải giải thích rõ cho thai phụ trước khi dùng thuốc.

Bệnh vảy nến khiến phụ nữ khó chịu, thậm chí ảnh hưởng tâm lý. Ảnh: Shutterstock.

Loại thuốc không được sử dụng

Bên cạnh những phương pháp điều trị vảy nến có thể dùng cho phụ nữ mang thai, ThS.BS Lê Thị Hoài Thu cũng cảnh báo những loại thuốc mà thai phụ không sử dụng.

Trong đó, Tazoreten là một loại retinoid đường bôi, không dùng do nguy cơ gây quái thai. Methotrexate đường uống hoặc tiêm cũng cần tránh do đây là chất đối kháng folate, không dùng do gây quái thai, sảy thai...

Phụ nữ mang thai cũng không được dùng Acitretin. Là một loại retinoid đường uống, thuốc này không dùng do nó gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, quái thai... Không những thế, phụ nữ cần ngừng liều thuốc cuối cùng trước khi có thai 3 năm do thuốc tích lũy lâu trong mô mỡ.

Lưu ý trong điều trị với phụ nữ cho con bú

Việc điều trị vảy nến đối với phụ nữ cho con bú có thể khác so với thai phụ. ThS.BS Lê Thị Hoài Thu cho hay trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ, phụ nữ có thể dùng dưỡng ẩm, corticoid, calcipotriol, tacrolimus tại chỗ để điều trị vảy nến. Tuy nhiên, họ cần tránh vị trí tiếp xúc trực tiếp khi cho con bú.

Lưu ý thứ hai do bác sĩ Thu đưa ra là liệu pháp ánh sáng an toàn trong thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên, bác sĩ chống chỉ định tuyệt đối việc dùng methotrexate, acitretin đối với phụ nữ đang cho con bú.

Trong khi đó, khuyến cáo liên quan ciclosporin A còn nhiều mâu thuẫn nhưng thuốc có bài tiết qua sữa mẹ, bằng chứng gây hại cho trẻ thì chưa rõ.

Với thuốc sinh học, các thuốc kháng TNF α như adalimumab, etanercept, infliximab có bài tiết qua sữa mẹ, nhưng chưa có chứng minh gây hại cho trẻ. Các thuốc sinh học mới khác như kháng IL-17A, IL-23 còn thiếu dữ liệu chứng minh.

Bác sĩ Thu nhấn mạnh việc điều trị kiểm soát vảy nến ở phụ nữ mang thai và cho con bú là một vấn đề không đơn giản. Do đó, nó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ da liễu, bác sĩ sản khoa, bác sĩ nhi khoa… và bệnh nhân để đưa ra thảo luận nhằm đạt được đích điều trị tối ưu.

"Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp, tránh căng thẳng, stress, hạn chế tối thiểu các yếu tố gây bùng phát vảy nến", bác sĩ khuyến cáo.

Nguyên Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-tri-vay-nen-cho-phu-nu-mang-thai-va-cho-con-bu-post1424444.html