Điều tồi tệ hơn cả kinh tế sụp đổ dưới thời Taliban

Sau khi cấm nữ sinh trở lại trường trung học và bị nghi chứa chấp thủ lĩnh Al Qaeda, Taliban đang khiến dư luận quốc tế phẫn nộ và đẩy các khoản viện trợ vào nguy hiểm.

Các chuyến bay thường lệ đã được nối lại từ Dubai và Islamabad. Tại sân bay Kabul, nơi từng diễn ra cuộc sơ tán hỗn loạn vào năm 2021, một tấm biển mới được dựng bên cạnh nhà ga với dòng chữ: “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan tìm kiếm mối quan hệ hòa bình và tích cực với thế giới”.

Thế nhưng, chính quyền non trẻ của Taliban dường như đang tự phá hủy mối quan hệ ấy, thông qua chính sách cấm nữ sinh bậc trung học phổ thông đi học và dung dưỡng cho thủ lĩnh Al Qaeda.

Đầu năm nay, phát ngôn viên hàng đầu của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết ông hy vọng các trường trung học dành cho nữ sinh sẽ mở cửa trở lại vào ngày 23/3 - đầu năm học Afghanistan.

“Chúng tôi không phản đối giáo dục”, ông nhấn mạnh.

Nhưng vào ngày đầu tiên nhập học, Bộ Giáo dục Afghanistan bất ngờ thông báo các trường nữ sinh sẽ không mở cửa trở lại. Trong thời khắc được cho là ngày hy vọng của đất nước, báo chí nước ngoài ghi nhận hình ảnh nữ sinh đứng khóc ngoài cánh cổng trường học đóng kín.

Nếu Taliban muốn phá hoại mối quan hệ với phương Tây, họ đang làm điều ấy quá tốt, theo Matthieu Aikins, một nhà báo thường xuyên đưa tin về Afghanistan.

Taliban kiểm soát hoạt động của phụ nữ và trẻ em gái ngày càng gắt gao. Ảnh: New York Times.

“Quả bom" trước ngày hy vọng

Ông Aikins đã đến Bộ Giáo dục Afghanistan để tìm hiểu chuyện gì xảy ra. Leo lên cầu thang, ông bước vào một phòng chờ, nơi ông bị một số người đàn ông với bộ râu mới mọc phớt lờ cho đến khi ông nói mình đến gặp sếp của họ.

Phần lớn các vị trí trong bộ máy hành chính cấp thấp của Afghanistan vẫn được giữ nguyên, nhưng các cấp bên trên đã bị Taliban thay thế bằng những tay súng và học giả trong các chủng viện tôn giáo.

Trùm chiếc khăn turban màu đen, một quan chức giáo dục cấp cao ngồi sau chiếc bàn gỗ lớn và lắng nghe một cách lịch sự khi ông Aikins hỏi tại sao Taliban lại từ chối cho phép trẻ em gái vị thành niên học tập.

Vị quan chức giấu tên cho biết trong nhiều tháng, vấn đề này đã là chủ đề tranh luận của nội các lâm thời, một nhóm toàn nam giới gồm những thành phần sừng sỏ của Taliban.

Quan điểm phản đối giáo dục trẻ em gái của Taliban bắt nguồn từ cách diễn giải đặc biệt khắt khe về vai trò giới trong truyền thống ở vùng nông thôn Afghanistan: Phụ nữ cần ở nhà. Đó là điều mà Taliban đã cố gắng áp đặt trên toàn quốc vào những năm 1990.

Trên thực tế, theo một số quan chức Taliban, vào cuối mùa đông, đa số nội các ủng hộ việc mở lại trường học, bao gồm các nhà lãnh đạo quân sự như Bộ trưởng Quốc phòng Mawlawi Muhammad Yaqoub và Sirajuddin Haqqani, Bộ trưởng Nội vụ bị FBI truy nã gắt gao.

Vào đầu tháng 3, Bộ Giáo dục đã kêu gọi giáo viên trở lại và chuẩn bị mở cửa lớp học trên khắp cả nước. Nhưng có một vấn đề.

“Khi chúng tôi gửi kế hoạch cho nội các, họ trả lời rằng họ không có thẩm quyền ra quyết định vì đây là vấn đề nhạy cảm”, vị quan chức nói.

Tiếng nói cuối cùng thuộc về Hội đồng lãnh đạo (shura) có trụ sở tại thành phố Kandahar, gồm các nhân vật lão làng và do nhà lãnh đạo tối cao được gọi là amir al momineen - “lãnh tụ của sự trung thành” - đứng đầu.

23h đêm trước ngày tựu trường, Bộ trưởng Giáo dục Mawlawi Noorullah Munir mới thông báo cho nhân viên biết tin.

“Chúng tôi nhận được cuộc gọi từ Kandahar”, vị quan chức giáo dục kể lại. “Họ nói nữ sinh sẽ không trở lại trường học vào ngày mai. Tin này giống như một quả bom nguyên tử vậy".

Zakera (18 tuổi) và Husna (15 tuổi) ở nhà tại Kabul. Hầu hết trường trung học dành cho nữ sinh vẫn bị đóng cửa ở Afghanistan. Ảnh: New York Times.

Việc Taliban từ chối cho nữ sinh Afghanistan trở lại trường trung học khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ và làm lu mờ triển vọng về các gói hợp tác, cứu trợ. Theo New York Times, chính quyền non trẻ của Taliban đang đẩy khoản viện trợ quốc tế hàng tỷ USD giữ cho người Afghanistan sống sót vào bờ vực nguy hiểm.

Nền kinh tế sụp đổ

Bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt và bị cắt viện trợ đột ngột, nền kinh tế Afghanistan đang trên đà sụp đổ. Theo Liên Hợp Quốc, người dân Afghanistan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, với một nửa dân số bị nạn đói đe dọa.

Trước đó, bất chấp phương Tây chi hơn 100 tỷ USD để phát triển đất nước, Afghanistan vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất và phụ thuộc vào viện trợ nhiều nhất trên thế giới. 3/4 ngân sách của nước này đến từ viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, viện trợ từ bên ngoài lên tới gần một nửa GDP.

Tuy nhiên, sau khi Taliban tiếp quản, số tiền đó đã bị cắt, làm phát sinh hệ quả có thể lường trước. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, nhập khẩu giảm mạnh và đói nghèo gần như xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Một đợt dịch tả hoành hành khắp miền Nam, trong khi nạn đói tồi tệ hơn do hạn hán kéo dài sang năm thứ hai, đã trở thành cuộc khủng hoảng đối với hàng triệu gia đình. Vào bữa ăn ở thủ đô, rất đông phụ nữ và trẻ em ngồi bên ngoài các tiệm bánh mì chỉ để trông chờ có một mẩu bánh.

Ông Aikins đã đến thăm một điểm phân phối của Chương trình Lương thực Thế giới ở Kabul - nơi những người đàn ông đứng thành hàng dài qua nhiều dãy phố.

Bên cạnh họ là hàng đợi thứ hai, gồm những người lao động đi xe cút kít. Họ chờ ở đó với hy vọng có thể kiếm được số tiền tương đương 50 xu bằng cách hỗ trợ chở các bao tải bột và đậu về nhà.

Những người chờ đợi thức ăn ở hàng một hầu hết là chủ gia đình trung niên, trong khi nhóm người khuân vác ở hàng hai rất đa dạng, từ những người đàn ông lớn tuổi đến những cậu bé trông chỉ 9, 10 tuổi.

Khi ông Aikins đi vào trong, ông phát hiện nhóm người xếp hàng nhận tiền trợ cấp bột mì, đậu, dầu ăn và muối là người đến từ Qala-e Wazir - một khu phố trung tâm nơi nhiều người từng làm việc với các nhà thầu nước ngoài và tổ chức phi chính phủ.

“Họ trước kia thuộc tầng lớp trung lưu”, Philippe Kropf, người đứng đầu bộ phận truyền thông của tổ chức nói. Nhưng giờ đây, nhiều người đã mất việc làm sau khi chính quyền cũ sụp đổ.

Một trong số họ là Nasib Nazari, người từng dạy tiếng Đức trong chương trình do Đại sứ quán Đức tài trợ. Anh nuôi sống đại gia đình với khoản lương 700 USD hàng tháng nhưng số tiền này đã bị cắt khi đại sứ quán đóng cửa và người Đức sơ tán.

“Đây là lần đầu tiên tôi đến nhận viện trợ đồ ăn”, anh nói. "Nhưng không có gì xấu hổ khi bạn không còn sự lựa chọn nào".

Ngay cả dưới thời chính phủ cũ, nhiều người Afghanistan đã không đủ ăn. Trước khi sụp đổ, WFP đã hỗ trợ khoảng một triệu người mỗi tháng.

Vào lúc nhu cầu tăng cao nhất trong mùa đông, WFP đã cung cấp thực phẩm cho 18 triệu người - quy mô lớn nhất trong lịch sử của họ.

“Chúng tôi đang nuôi gần một nửa dân số”, Philippe Kropf nói.

Một điểm phân phối của Chương trình Lương thực Thế giới ở Kabul. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Afghanistan Thomas West lo ngại rằng sự quan tâm của các bên viện trợ cuối cùng sẽ giảm dần, đặc biệt là khi Taliban gây phẫn nộ về vấn đề giáo dục nữ giới.

Không chỉ vậy, cuộc khủng hoảng lương thực do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, cùng mối đe dọa suy thoái toàn cầu, cũng làm mùa đông này trở nên khó khăn hơn với Afghanistan.

Không còn bác sĩ nữ

Y tế cũng là vấn đề đau đầu. Vì viện trợ phát triển có mục tiêu chính trị, dạng viện trợ này thường phụ thuộc vào sự hợp tác với chính phủ sở tại.

Nhưng sau khi Taliban nắm chính quyền, sự hỗ trợ trước đây đã bị nhiều quốc gia và tổ chức viện trợ đóng băng. Những bước tiến triển trong 20 năm qua có nguy cơ bị xóa sổ.

Kho bạc của chính phủ trống rỗng, đe dọa hệ thống bệnh viện công của đất nước, vốn có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) không can thiệp.

“Rất nhiều người đã chết”, Reto Stocker, một quan chức ICRC kể lại. "Đó là tình huống khẩn cấp tuyệt đối".

Các bệnh viện tại Afghanistan cũng đang chật vật. Giờ đây, chiến sự đã dừng lại ở vùng nông thôn, vì vậy, nhiều bệnh nhân từ các vùng sâu vùng xa - nơi công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản thường yếu kém - đã có thể đến thủ đô.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế đã phá hủy khu vực tư nhân và đặt dấu chấm hết cho các hoạt động điều trị y tế ở nước ngoài. Kết quả là các bệnh viện công như Bệnh viện Phụ sản Malalai ở trung tâm thành phố Kabul - nơi được điều trị miễn phí - có số lượt khám bệnh ngoại trú tăng gấp 10 lần.

Tuy nhiên, ngay cả khi trải qua một đợt tăng ca, cuộc sống của các nhân viên y tế vẫn không được đảm bảo. Phần lớn công chức tại Afghanistan đã không được nhận lương từ đầu tháng 4-5.

Các nhân viên vẫn tiếp tục làm việc hàng tháng trời mà không được trả lương. Họ chỉ có thể cầu xin viện trợ thực phẩm và các nguồn cung cấp khác từ doanh nghiệp địa phương.

Sinh viên y khoa được quan sát trong quá trình hộ sinh. Ảnh: New York Times.

Giáo dục đại học cũng rơi vào khủng hoảng sau sự sụp đổ của nền cộng hòa. Cuộc không vận Kabul đã sơ tán hơn 100.000 người Afghanistan, nhiều người trong số họ là các chuyên gia có trình độ học vấn cao của đất nước.

Ở một đất nước mà hầu hết ngành nghề đều nhận được viện trợ phát triển từ bên ngoài, cuộc di tản là một tổn thất nghiêm trọng. Nó đồng nghĩa với việc “tước bỏ” các chuyên gia kỹ thuật, quan chức, luật sư và bác sĩ trong một xã hội đầy biến động.

“Phụ nữ vẫn được phép đi học y khoa, nhưng không còn giáo viên để dạy họ nữa. Hầu hết họ (giáo viên) đã trốn khỏi đất nước", tiến sĩ Mursal Rasool, một chuyên gia y tế công cộng đang điều phối ICRC tại Afghanistan, cho biết.

Bên cạnh đó, tại các bệnh viện sinh sản như Malalai, gần như tất cả nhân viên đều là phụ nữ. Điều nghịch lý là Taliban chỉ cho phép bác sĩ nữ điều trị cho bệnh nhân nữ nhưng họ lại đang cấm các nữ sinh trung học đến trường.

Đây là lý do lệnh cấm giáo dục trung học không chỉ đơn giản là vấn đề gây tổn hại đến hình ảnh quốc gia và khoản viện trợ quốc tế, nó cũng gây nguy hiểm cho tương lai lực lượng lao động của đất nước.

Sau khi lãng phí mất một năm vì ảnh hưởng đại dịch, các cô gái vị thành niên giờ đây vẫn ngồi ở nhà. Trừ khi Taliban cho phép họ quay lại trường, số lượng các nữ bác sĩ và y tá cuối cùng sẽ cạn kiệt trong tương lai.

Lính Taliban mang theo súng đi đạp vịt ở công viên Các chiến binh Taliban được bắt gặp khi thư giãn trên một hồ nước tại Công viên Quốc gia Band-e Amir ở tỉnh Bamiyan, miền Trung Afghanistan.

Minh An

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-toi-te-hon-ca-kinh-te-sup-do-duoi-thoi-taliban-post1350060.html