Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Nạo vét, gia cố kênh mương thủy lợi ở các địa phương

Theo dự báo, từ ngày 22-23/4, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất 37-40 độ C. Nhiệt độ cao nhất trong đợt này ở vùng đồng bằng, trung du, ven biển và TP. Huế 37-39 độ C, huyện Nam Đông 38-40 độ C, huyện A Lưới 35-37 độ C.

Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở nhiều vùng trên địa bàn tỉnh bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Tại miền núi A Lưới, nắng nóng chưa đến mức gay gắt nhưng nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, địa hình phức tạp gây nguy cơ thiếu nước trong sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt là vụ hè thu tới.

Ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng cho biết, toàn xã có 27 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, phục vụ tưới tiêu cho 160 ha lúa và nhiều cây trồng trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ có 10 công trình thủy lợi, kênh mương được kiên cố hóa, còn lại được dẫn dòng, đắp bằng đất đá tạm nên thường xuyên hư hỏng. Bước vào mùa vụ, xã huy động nhân lực, được sự chung tay của lực lượng BĐBP gia cố, đắp tạm các đập, kênh dẫn nước phục vụ sản xuất.

Về lâu dài, cần có kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, kênh mương trên địa bàn để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất hè thu.

“Hiện nay, xuống cấp nặng nhất là hơn 500m kênh mương tại khu vực đồng A Pop phục vụ tưới tiêu cho hơn 10 ha lúa của 3 thôn trên địa bàn xã. Đây là số kênh mương được xây dựng từ nguồn vốn ADB hơn 20 năm trước, đến nay đã hư hỏng, sạt trượt nhiều điểm. Địa phương mong muốn bố trí kinh phí khoảng 2-3 trăm triệu đồng để khắc phục công trình này”, ông Hồ A Lua cho biết thêm.

Duy trì các trạm bơm động lực để chống hạn mặn

Theo Công ty Thủy lợi, hiện tại đơn vị này đang quản lý vận hành phục vụ tưới trên địa bàn A Lưới gồm 16 hồ chứa, 3 trạm bơm điện và 53 đập dâng lớn nhỏ để phục vụ cho khoảng 800 ha lúa và 86 nuôi cá nước ngọt, phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước bổ sung giữa thời vụ.

Do địa hình phức tạp, hạn chế nguồn vốn đầu tư, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện A Lưới chưa được đầu tư kiên cố, các hồ chứa có dung tích nhỏ, nguồn nước chưa chủ động, chủ yếu dựa vào lượng nước mưa trong kỳ bổ sung.

Trong trường hợp nắng hạn kéo dài, lượng nước bốc hơi nhanh làm cho các khe, suối cạn kiệt thì sẽ gặp khó khăn không có nguồn nước để tưới. Do đó, nhiều khả năng sẽ thiếu nước diện rộng ở một số vùng đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện A Lưới, trong đó có số diện tích công ty đã ký hợp đồng cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty Thủy lợi thông tin, hiện nay đơn vị đang phối hợp với các địa phương triển khai phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để áp dụng các biện pháp cấp nước hợp lý.

Công ty đã chủ động bố trí kinh phí tiến hành nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng nhằm khôi phục, tăng khả năng trữ nước và tăng cường thực hiện việc nạo vét, khơi thông, vớt bèo thông thoáng dòng chảy các sông, hói, kênh mương nội đồng.

Rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước và gia tăng xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp. Bổ sung các loại máy bơm nước, bơm chuyền khi cần thiết.

Đồng thời tổ chức kiểm tra, phát hiện và sửa chữa hư hỏng tại các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ cấp nước. Vận hành các công trình ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long, Cửa Lác, các cống trên đê, trên sông hợp lý phục vụ chống hạn và tổ chức tưới hiệu quả, tiết kiệm nước.

Người dân A Roàng (A Lưới) đào đắp kênh mương dẫn nước ứng phó hạn hán

Mới đây, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc gửi các địa phương, chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương xây dựng lại cơ cấu cây trồng để thích ứng kịp thời trong điều kiện khô hạn có thể xảy ra trong vụ hè thu năm 2024, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất, chân đất lúa có khả năng thiếu nước sang trồng loại cây cụ thể.

Trong trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác.

Vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước, đặc biệt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình lấy nước ven sông và hồ chứa nước ngọt.

Đối với nuôi trồng thủy sản những diện tích thiếu nước, tăng cường sử dụng các giống nuôi thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Chuyển đổi các diện tích không đảm bảo nguồn nước hoặc bỏ hoang, không tổ chức nuôi trồng tránh gây thiệt hại cho người nuôi.

Theo nhận định xu hướng thời tiết, dự báo trong tháng 4/2024, lượng mưa các địa phương trong tỉnh ở mức xấp xỉ và thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, nền nhiệt độ tháng 4/2024 tại các địa phương trong tỉnh ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 1-2 độ C. Nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/dieu-tiet-nuoc-nao-vet-kenh-muong-ung-pho-han-man-140076.html