Điều kỳ diệu trong đêm Giao thừa

Chiều 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nam thanh niên 26 tuổi qua đời do chấn thương sọ não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã hiến tặng 8 mô, tạng, góp phần cứu sống nhiều người bệnh khác.

Cũng ngay trong đêm 30 Tết, các bác sĩ tại Bệnh viện đã tổ chức lấy-ghép 8 mô tạng gồm tim, gan, thận, thận-tụy, 2 tay, 2 giác mạc (trong đó có 2 tạng lần đầu thực hiện tại Bệnh viện là ghép tim và ghép thận-tụy), đồng thời lấy phổi điều phối cho Bệnh viện Phổi Trung ương ghép. Một năm cũ khép lại nhưng đã mở ra cuộc sống mới cho nhiều người.

Viết tiếp giấc mơ cho cô gái 21 tuổi

Ngày đầu tiên làm việc của năm mới Giáp Thìn, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thông tin về tình hình sức khỏe của bệnh nhân được ghép phổi trong đêm 30 Tết. Bệnh nhân là cô gái 21 tuổi, quê ở tỉnh Bắc Kạn, đang là sinh viên của một trường đại học và phải bỏ giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối. Người bệnh phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Phó giám đốc Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, bệnh nhân mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ, là một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi.

Các bác sĩ thực hiện ca ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh do Bệnh viện Phổi Trung ương cung cấp

Người bệnh đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020 và chờ ghép phổi từ vài tháng nay vì 2 lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao. Ngay sau khi nhận được thông tin có tạng ghép, Bệnh viện đã huy động gần 100 y, bác sĩ để tiến hành ca ghép. Ca mổ kéo dài 12 tiếng, kết thúc đúng vào 22 giờ đêm 30 Tết.

12 giờ sau mổ, cô gái trẻ đã tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới và ngay trong ngày đầu tiên sau khi ghép phổi đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định. Đến ngày thứ 5 sau mổ, bệnh nhân đã đi lại tốt hơn, phổi nở tốt. Các bác sĩ đánh giá liều ức chế miễn dịch đạt được như kỳ vọng. Tình trạng nhiễm khuẩn được kiểm soát hoàn toàn.

"Một cuộc đời mới đã mở ra đối với bệnh nhân, em đã có cuộc đời mới với hai lá phổi mới. Khả năng bệnh nhân được quay trở lại trường học đã gần hơn", bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc xúc động nói.

Theo bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, ca ghép phổi thực hiện chiều 30 Tết là ca ghép phổi thứ hai của Bệnh viện Phổi Trung ương. Ca ghép đã thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế của Trung tâm ghép phổi UCSF (một trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ).

Ca ghép thành công là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương cùng với sự phối hợp hiệp đồng của các y, bác sĩ, giáo sư đến từ nhiều bệnh viện đầu ngành. Trên thế giới, ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển do đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn nhưng tại Bệnh viện Phổi Trung ương, ca ghép lại được thực hiện thành công trên một người bệnh nghèo ở vùng núi cao Bắc Kạn.

Mang cuộc sống mới đến cho nhiều người

Với những thành công trên, chương trình ghép phổi của nước ta sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới. Thành công của ca ghép phổi đã góp phần quan trọng vào thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam, giúp cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được. Đồng thời, sự thành công của các ca ghép phổi cho thấy Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng, đây là thành tựu tiêu biểu của ngành y tế Việt Nam, mang lại những giá trị to lớn cho sức khỏe người bệnh và nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ: "Có được thành công này là nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự mong mỏi, khát vọng để kỹ thuật ghép tạng phát triển, là sự nỗ lực bền bỉ từ nhiều năm trước, từ nhiều thế hệ đúc rút ra những quy trình, điều kiện để có sự chuẩn bị tốt nhất kể cả về nhân lực, hậu cần, chuyên môn kỹ thuật...”.

Hành trình hơn 30 năm ghép tạng của nền y học Việt Nam giúp thấy rõ được những nỗ lực, cố gắng không ngừng của các nhà khoa học, thầy thuốc, phẫu thuật viên. Về kỹ thuật ghép tạng, chúng ta đi sau thế giới hàng chục năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép tạng tăng dần. Ở Việt Nam, nhiều cơ sở y tế đã làm chủ và thực hiện các kỹ thuật ghép tạng, với tỷ lệ sống cao. Đến ngày 31-12-2023, ngành y tế Việt Nam đã thực hiện 8.302 ca ghép tạng.

PGS, TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng-Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chia sẻ: "Một người hiến tạng có thể ghép tối thiểu cho 5 bệnh nhân: Ghép tim, ghép phổi, ghép gan, ghép hai thận. Ngoài ra, các mô như gân, xương, da, dây thần kinh, tĩnh mạch, van tim và giác mạc cũng có thể hiến. Vì thế, một người chết não hiến tạng sẽ có nhiều cuộc sống mới được hồi sinh...".

Hiến, tặng mô, tạng là sẻ chia sự sống nhằm mục đích kéo dài sự sống cho những người bị suy tạng. Đây là một nghĩa cử cao đẹp của người hiến, tặng mô, tạng, giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng như đã tắt hết hy vọng sống. Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế Việt Nam.

DIỆP CHÂU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/dieu-ky-dieu-trong-dem-giao-thua-765585