Điều kiện vay vốn phát triển vùng trồng dược liệu quý

Bạn đọc Nguyễn Văn Mạnh ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, điều kiện vay vốn phát triển vùng trồng dược liệu quý theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030; giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 27 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

Đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1. Được thành lập, hoạt động hợp pháp, có phương án đầu tư và sử dụng vốn vay để tham gia Dự án vùng trồng dược liệu quý, Dự án trung tâm nhân giống được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Được Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia thẩm định phương án vay vốn trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

--------------

* Bạn đọc Đoàn Mạnh Hải ở phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, đất cơ sở tôn giáo khác với đất tín ngưỡng như thế nào?

Trả lời: Điều 159, Điều 160 Luật Đất đai quy định:

Đất cơ sở tôn giáo:

1. Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.

2. UBND cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.

Đất tín ngưỡng

1. Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.

2. Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Việc xây dựng, mở rộng các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, có thể thấy sự khác biệt nhất về đối tượng giữa hai loại đất này bởi đất cơ sở tôn giáo thì bao gồm: Đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, còn đối với đất tín ngưỡng thì bao gồm: Đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/dieu-kien-vay-von-phat-trien-vung-trong-duoc-lieu-quy-722962