Điều gì tạo nên sức hút của bộ bài tarot nổi tiếng nhất thế giới?

Waite-Smith là một trong những bộ bài tarot nổi tiếng nhất thế giới. Các lá bài được minh họa với các biểu tượng và hình ảnh nhân vật theo phong cách nghệ thuật đặc biệt.

Bộ bài Waite-Smith, còn được biết đến với tên Rider-Waite-Smith, là một trong những bộ bài tarot nổi tiếng nhất và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Năm 1909, Pamela Colman Smith, nghệ sĩ, họa sĩ và nhà thiết kế trang phục người Anh, đã gặp Arthur Waite, nhà thơ mộ dòng, thông qua Hội Hermetic Order of the Golden Dawn.

Niềm tin chung của họ vào tâm linh, các nghi lễ, biểu tượng đã thôi thúc họ cùng nhau hợp tác và tạo ra bộ tarot Waite-Smith. Bộ bài nổi tiếng này kết hợp các ý tưởng của Waite với những hình ảnh minh họa theo phong cách Art Nouveau của Smith, theo CNN.

Bộ tarot nổi tiếng

"Art Nouveau" là một trào lưu nghệ thuật và kiến trúc xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đây là một phong cách nghệ thuật độc đáo và phổ biến thời điểm đó với đặc trưng là những đường cong tự nhiên, hoa văn phức tạp và sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghiệp.

Bộ bài được xuất bản vào năm 1910 và tạo nên những ảnh hưởng lớn. Song, những đóng góp của Smith đã bị xóa bỏ khỏi tiêu đề và bị làm mờ bởi Rider, tên của nhà xuất bản gốc.

Đến năm 1990, một phiên bản mới được xuất bản bởi Taschen, The Tarot of A.E. Waite and P. Colman Smith: The Story of the World’s Most Popular Tarot, với bộ bài đầy đủ của các lá bài gốc và một loạt bài luận. Phiên bản mới này đã cung cấp cho công chúng nhiều thông tin sâu rộng về lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa và ảnh hưởng của bộ bài đối với thế giới.

Bộ bài gồm tổng cộng 78 lá bài, chia thành hai phần chính: Arcana Nhỏ (56 lá) và Arcana Lớn (22 lá).

Mỗi lá bài được minh họa với các biểu tượng và hình ảnh các nhân vật cụ thể có nguồn gốc từ Italy vào thế kỷ 15. Các lá bài đều tương ứng với ý nghĩa tâm linh và tâm lý đằng sau đó.

Phiên bản mới của Waite-Smith, được xuất bản bởi Taschen, bao gồm của các lá bài gốc và một loạt bài luận cung cấp thêm thông tin về nguồn gốc, ý nghĩa bộ bài. Ảnh: Taschen.

Sức hút của bộ bài

Theo Johannes Fiebig, nhà biên soạn sách và chuyên gia nghiên cứu về tarot, việc tạo ra bộ bài Waite-Smith đã phản ánh một "điểm giao văn hóa quan trọng" của thế kỷ 20. Đó là giai đoạn lịch sử có sự chuyển đổi lớn trong tư duy văn hóa, tâm linh, và nghệ thuật.

Đến những năm 1970, sự quan tâm về tarot trở nên mạnh mẽ. Điều này đã giúp bộ bài Waite-Smith trở nên phổ biến song song với các phong trào nữ quyền, chống chiến tranh và nhân quyền toàn cầu vào thời điểm đó.

Hiện nay, mọi người thường sử dụng tarot như một phương tiện hỗ trợ để hiểu tìm hiểu về các vấn đề bản thân, thường thông qua các hoạt động như đọc bài, giải mộng và chọn một lá bài hàng ngày.

Theo Fiebig, mỗi lá bài có thể được hiểu và giải đọc theo các cách khác nhau tùy thuộc vào từng người.

Hình ảnh chính là yếu tố quan trọng đối với mọi trải nghiệm xem tarot và đó là lý do hàng đầu để giải thích cho sự phổ biến lâu dài của bộ bài Waite-Smith.

"Waite và Smith là những thiên tài, nhưng vào thời điểm đó, rất ít người nhận ra điều đó", Fiebig nói với CNN.

Sự sáng tạo của Smith được hình thành nhờ cuộc sống đa dạng của bà ở nhiều quốc gia. Smith sinh ra ở thành phố Manchester (Anh), sau đó bà chuyển đến Jamaica (một quốc gia thuộc khối Caribe) cùng gia đình. Đến thời niên thiếu, bà nhập học tại một trường đại học ở Brooklyn (New York, Mỹ).

Về sau, bà định cư ở London (Anh) và trở nên liên kết với cộng đồng nghệ thuật tại đây, như nhà văn W.B. Yeats, Mark Twain, Rudyard Kipling, nhạc sĩ Claude Debussy…

Bộ bài nổi tiếng một phần nhờ những hình ảnh minh họa theo phong cách Art Nouveau của Smith. Ảnh: Aphrodite.

Trong một bài luận về Smith, tác giả Mary K. Greer cho rằng phong cách nghệ thuật của bà đã ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như truyện dân gian Jamaica, tranh in Nhật Bản và các buổi biểu diễn, thiết kế sân khấu trong sự nghiệp của bà…

Bên cạnh đó, Greer đặt ra nghi vấn có khả năng Waite và Smith đã đến thăm một triển lãm về bộ bài tarot Italy thế kỷ 15 tại Bảo tàng Anh vào năm 1907, điều này là nguồn cảm hứng cho cả hai sáng tạo nên một bộ tarot mới.

Những lá bài tarot, được tạo ra vào mùa hè năm 1909, miêu tả các nhân vật, họa tiết và biểu tượng với các phong cảnh thường gắn liền với nước Anh như đồi núi và bờ biển. Theo Fiebig, vẻ đẹp của các ảnh minh họa nằm ở khả năng giải đọc đa dạng của chúng, mỗi lá bài đồng thời là gợi ý và cảnh báo.

Ví dụ, lá “Hanged Man” không nhất thiết là điều đáng sợ, mà có thể hiểu như một cơ hội để chia sẻ. Lá "Star" không chỉ biểu tượng cho ánh sáng, trong trắng, mà còn có thể tượng trưng cho tự ái và sự cứng nhắc.

Theo Fiebig, đó là sự khôn ngoan của Smith và Arthur.

Smith và Arthur đã sáng tạo những lá bài đầy linh hoạt và mở lòng, giúp mọi người tự do diễn đạt ý nghĩa khi họ đối mặt với các lá bài. Đồng thời, những lá bài còn giúp mọi người có một không gian để tự do suy nghĩ, tìm kiếm các ý nghĩa cá nhân mà không bị ràng buộc bởi sự định hình hay giới hạn từ trước.

Đối với Fiebig, sức hút và sức lôi cuốn lâu dài của bộ bài Waite-Smith còn bắt nguồn từ khả năng của những lá bài, chúng khuyến khích mọi người đối mặt với những vấn đề cá nhân của họ, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng.

"Nhiều người đang tìm kiếm cách sống, nhận thức, và giá trị mới, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn. Điều này đã phản ánh suy nghĩ của Smith về việc muốn khuyến khích mọi người tiếp xúc với nghệ thuật để học hỏi và cảm nhận. Smith từng nói ‘Học từ mọi thứ, nhìn thấy mọi thứ, và hơn tất cả, hãy cảm nhận mọi thứ’”, Fiebig nhấn mạnh.

Thiên An

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-gi-tao-nen-suc-hut-cua-bo-bai-tarot-noi-tieng-nhat-the-gioi-post1452446.html