Điều gì làm nên cuộc sơ tán thần kỳ khỏi máy bay Nhật Bản bốc cháy?

Hàng trăm người trên chuyến bay chở khách được sơ tán trong gang tấc khi xảy ra vụ va chạm với máy bay tuần duyên tại sân bay Haneda (Tokyo, Nhật Bản).

Chiều tối 2/1, chuyến bay mang số hiệu 516 của hãng hàng không Japan Airlines hạ cánh xuống sân bay Haneda sau hành trình trở về từ Sapporo.

Tai nạn kinh hoàng đã xảy ra khi chiếc Airbus A350-900 này lập tức bốc cháy do đâm vào một máy bay tuần duyên nhỏ hơn, đang chờ chuyển viện trợ cho bán đảo Noto bị động đất ngay ngày đầu năm mới, Guardian đưa tin. Sau tiếng động mạnh từ cú va chạm ban đầu, toàn bộ hành khách bàng hoàng chứng kiến biển lửa bao trùm toàn bộ máy bay, thậm chí "liếm" sát cabin chính trong khi hàng loạt mảnh vỡ rơi xuống đường băng.

May mắn là 379 người trên chuyến bay, bao gồm 8 hành khách trẻ em cùng 12 thành viên phi hành đoàn, đã được sơ tán an toàn thông qua máng trượt thoát hiểm bơm hơi. Sở cứu hỏa Tokyo thông báo rằng 14 người trong số đó bị thương nhẹ, không có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng.

Thiết kế tốt và sơ tán chuyên nghiệp

"Tôi nghĩ có nhiều yếu tố gộp lại khiến mọi người sống sót ra khỏi máy bay", Robert Sumwalt, chuyên gia an toàn giao thông của CBS và là cựu chủ tịch Hội đồng An toàn Vận chuyển Quốc gia Mỹ, nói với CBS.

Một trong những yếu tố đó là việc các máy bay đời mới được trang bị phần bên trong ngăn lửa. "Thành bên hông máy bay không cháy nhanh như những đời trước", ông nói.

Vụ cháy có thể xem là một bài kiểm tra cho các máy bay có phần vỏ làm từ sợi carbon tổng hợp thay vì thân nhôm như thường thấy. Phần thân máy bay có khả năng đã bảo vệ hành khách bằng cách không cho lửa cháy qua nhanh, chuyên gia an toàn John Cox nói với AP.

Chiếc máy bay bốc cháy tối 2/1. Ảnh: Kyodo.

Ngoài ra, người Nhật cũng rất tự hào về an toàn hàng không, theo phóng viên CBS Lucy Craft, người đưa tin từ Tokyo. Bộ trưởng Giao thông Nhật nói với các phóng viên rằng việc sơ tán đã diễn ra "đúng quy trình".

Ông Sumwalt cũng đồng ý, cho rằng việc sơ tán thành công có phần không nhỏ của "sự chuyên nghiệp của phi hành đoàn".

Video cũng cho thấy hành khách hàng khách nhanh chóng nhưng bình tĩnh trượt xuống cầu trượt được bơm phồng và ra khỏi máy bay. "Nếu bạn nhìn video, mọi người không cố gắng lấy hành lý trên đầu. Họ tập trung ra khỏi máy bay".

“Tôi đang ngồi ở giữa máy bay thì nghe tiếng động lớn. Theo phản xạ, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy khói cuộn lên từ cánh máy bay, thậm chí cảm nhận được khí nóng phả vào mặt mình. Chỉ ít phút sau, khói tràn ngập cabin và nhiều hành khách hét lên: 'Nó cháy rồi! Nó đang cháy!’”, một nhân viên văn phòng 47 tuổi ở quận Ota (Tokyo) thuật lại trải nghiệm với tờ Yomiuri Shimbun.

Trước tình thế ấy, hành khách được phi hành đoàn yêu cầu giữ bình tĩnh, để lại đồ đạc và đi xuyên qua làn khói dày đặc trong cabin. Hành khách sơ tán nhớ lại cảnh tượng đèn tắt và sức nóng trong cabin dần tăng lên. Khi ấy, mọi người cố gắng tuân theo hướng dẫn của phi hành đoàn, đi theo ngọn đuốc để tới lối thoát hiểm.

Khi máy bay không còn hành khách, lính cứu hỏa từ hơn 100 xe cứu hỏa đã dập tắt ngọn lửa trên máy bay. Ngọn lửa được dập tắt vào lúc 20h30, gần ba giờ sau cú va chạm ban đầu.

Máy bay cứu nạn động đất

Về phía máy bay tuần duyên De Havilland Canada DHC-8 (Dash 8), cơ trưởng đã thoát ra ngoài và bị thương, năm người còn lại của phi hành đoàn xấu số đã thiệt mạng.

Đây là lực lượng đang trên đường đến sân bay Niigata trên bờ biển phía tây Nhật Bản, để chuyển hàng cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh xảy ra vào ngày đầu năm mới, đến nay đã khiến ít nhất 48 người thiệt mạng.

Chiếc máy bay đang trên đường tham gia cứu hộ sau trận động đất ngày 1/1 ở Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ sự thương tiếc và lòng biết ơn đối với ý thức sứ mệnh của lực lượng này.

Sau vụ tai nạn nghiêm trọng, sân bay Haneda quyết định tạm ngưng hoạt động các chuyến bay nội địa.

Bên cạnh đó, Airbus, một trong những hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, cho biết họ đang cử chuyên gia đến giúp đỡ, xem xét tình hình chiếc Airbus A350-900 bị gãy làm đôi.

Thời gian tới, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp cùng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia điều tra lý do cả hai máy bay ở trên cùng một đường băng. Vấn đề này hiện có nhiều giả thuyết xoay quanh, chẳng hạn như một trong hai máy bay nghe nhầm hướng dẫn, hệ thống liên lạc gặp trục trặc.

Mai Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/chay-may-bay-o-tokyo-hanh-khach-thoat-chet-than-ky-post1452574.html