Điều gì khiến Đan Mạch tính loại biên sớm tiêm kích F-16?

Đan Mạch thông báo nước này có thể sớm loại biên phi đội tiêm kích F-16 sau khi đã bắt đầu nhận được những chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 là F-35.

Không quân Đan Mạch đã biên chế 43 tiêm kích F-16, khoảng 30 chiếc trong số này vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên họ đang lên kế hoạch để sớm loại biên chúng.

Lý do là Đan Mạch đã sớm đặt mua tiêm kích thế hệ 5 F-35 để thay thế F-16, chiếc đầu tiên được bàn giao tháng 8/2021.

"Tiêm kích F-35 có thể được biên chế theo từng giai đoạn và hoạt động sớm hơn kế hoạch", quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen ngày 26/6 thông báo.

"Chúng tôi có thể loại biên tiêm kích F-16 sớm hơn dự tính", ông Troels Lund Poulsen nhấn mạnh.

Cụ thể, Đan Mạch có thể loại biên tiêm kích F-16 vào năm 2025, sớm hơn hai năm so với kế hoạch ban đầu.

Truyền thông Đan Mạch đưa tin một tài liệu trình lên quốc hội nước này trước đó cho biết phi đội F-16 của họ dự kiến hoạt động tới năm 2027.

Tính chung đến nay đã có hơn 4.000 chiếc F-16 được chế tạo. Mặc dù từ năm 2000 Không quân Mỹ không đặt hàng, song tiêm kích F-16 vẫn được sản xuất để xuất khẩu.

Về lịch sử ra đời của F-16, thì những khiếm khuyết của chiếc F-4 Phantom II trong không chiến, đặc biệt là ở cự ly gần, đã định hình nên các thông số kỹ thuật của tiêm kích F-15 Eagle.

Tuy nhiên, một nhóm không chính thức và có ảnh hưởng có biệt danh là “Fighter Mafia”, tin rằng F-15 là một bước đi sai hướng.

Họ cho rằng F-15 quá lớn và đắt tiền. Mặt khác do được thiết kế như một máy bay đánh chặn nhanh, nó có bán kính quay vòng rộng và không thích hợp cho các cuộc không chiến tầm gần.

Các thông số kỹ thuật đó đã trở thành chương trình Máy bay chiến đấu hạng nhẹ (Lightweight Fighter - LWF), bắt đầu vào năm 1971. Trên cơ sở này F16 - Fighting Falcon đã ra đời.

Mặc dù tên phổ biến chính thức của F-16 là “Fighting Falcon”, nó được các phi công biết đến với cái tên “Viper”, mật danh dự án của General Dynamics trong thời gian đầu phát triển.

Ngay từ đầu, F-16 đã được dự định trở thành một “quái điểu" hiệu quả về chi phí, có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau và duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động suốt ngày đêm.

F-16 đơn giản và nhẹ hơn nhiều so với máy bay tiền nhiệm, nhưng sử dụng khí động học và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến (bao gồm cả việc sử dụng Fly-by-wire (FBW).

Fly-by-wire (FBW) - hệ thống thay thế các điều khiển bay bằng tay thông thường của máy bay bằng giao diện điện tử; nhờ đó máy bay có thể duy trì hiệu suất cao hơn rất nhiều so với trước đây.

F-16 chỉ có 1 phi công, dài 14,8m, cao 4,8m, sải cánh 9,8m, trọng lượng cất cánh 16,875 tấn, tốc độ 2.100km/h, tầm bay trên 3.200km, trần bay 15.240m.

Chiến đấu cơ hạng nhẹ này được trang bị một khẩu pháo M61 Vulcan và có thể được trang bị tên lửa không đối không và nhiều loại tên lửa hoặc bom…

F-16 được phát triển với rất nhiều phiên bản phù hợp cho các yêu cầu tác chiến khác nhau.

Hiện biến thể đang được sản xuất mới nhất đinh danh là F-16V, chúng còn được biết đến với cái tên F-16E/F Block 70/72.

Với việc trang bị radar mảng pha chủ động AN/APG-83 AESA cùng với bộ thiết bị điện tử Sniper ATP và tên lửa AIM-9X, những chiếc tiêm kích F-16V có khả năng chiến đấu ngang ngửa với chiến đấu cơ hạng nặng Su-35 của Nga.

Tập đoàn Lockheed Martin đã quyết định phát triển và trang bị hệ thống radar tạo chùm nhanh (SABR) quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) APG-83 tân tiến của tập đoàn Northrop Grumman cho các chiến đấu cơ F-16V.

Hệ thống radar kiểm soát hỏa lực APG-83 giúp F-16V có được những khả năng chiến đấu không đối không và không đối đất của các dòng tiêm kích thế hệ thứ 5.

Northdrop Grumman trước khi cung cấp radar hiện đại cho F-16V thì đã được biết đến là đơn vị cung cấp các loại radar AESA cho dòng máy bay tối tân nhất hiện nay của Mỹ là F-22 Raptor và F-35 Lightning II.

Rõ ràng radar mảng pha chủ động tạo cho chiến đấu cơ một sức mạnh mới, nhiều nhà quan sát cho rằng F-16V có một số thông số còn nhỉnh hơn chiến đấu cơ hạng nặng Su-35 vốn chỉ được trang bị radar mảng pha bán chủ động.

Do tính phức tạp cũng như giá thành chế tạo cao của loại thiết bị này nên thông thường dòng radar mảng pha chủ động chỉ được trang bị trên chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

Tuy vậy Mỹ quyết định mang chúng xuống các dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 4+ cho thấy khả năng các chiến đấu cơ này sẽ vẫn tiếp tục song hành cùng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 thêm một thời gian dài nữa.

Về khả năng mang vác vũ khí, F-16V có thể mang theo 7,8 tấn vũ khí, tức gần tương đương với mức 8 tấn trên Su-35.

Trung bình tuổi thọ khung thân của F-16 là 8.000 giờ bay, và trải qua đại tu chúng có thể lên tới 12.000 giờ bay, trong khi đó máy bay Su-30/35 của Nga có tuổi thọ khung thân là 3.000 giờ bay và khi đại tu chúng cũng chỉ có thể bay thêm 1.000 giờ bay nữa mà thôi.

Việc có tuổi thọ khung thân lớn sẽ rất có ích trong việc duy trì hoạt động của chiến đấu cơ, cũng như việc nâng cấp sau này.

Dù Mỹ sẽ không mua thêm chiến đấu cơ F-16 để trang bị, nhưng nước này vẫn đang duy trì dây chuyền sản xuất loại máy bay này để bán cho đồng minh.

Chiến đấu cơ F-16 đã chứng minh tính hiệu quả trong thực chiến, nó không ít lần tiêu diệt thành công đa dạng mục tiêu đối phương.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dieu-gi-khien-dan-mach-tinh-loai-bien-som-tiem-kich-f-16-post544001.antd