Điều gì khiến cổ phiếu hệ sinh thái Apec Group bất ngờ thăng hoa?

Các cổ đông trong hệ sinh thái Apec Group trong những ngày qua được sống trong cảm giác vui mừng tột đỉnh khi cổ phiếu liên tục thăng hoa. Đà tăng của API, APS, IDJ diễn ra sau đại hội cổ đông của API hồi cuối tuần trước, sau sự xuất hiện của ông Nguyễn Đỗ Lăng - cựu thành viên Hội đồng quản trị API.

Đóng cửa phiên hôm 13/5, cổ phiếu các cổ phiếu APS, API và IDJ đồng loạt tăng trần lên mức lần lượt 4.700 đồng/cp, 5.600 đồng/cp và 6.200 đồng/cp. Cả ba mã này đều trắng bên bán, dư mua giá trần lên đến hàng triệu đơn vị. Sắc tím được duy trì đến cuối phiên, khép lại ngày giao dịch đầu tuần thăng hoa của nhóm APEC.

Cổ phiếu họ Apec bất ngờ thăng hoa

Cả 3 công ty này đều là những trụ cột nằm trong hệ sinh thái Apec Group và ông chủ phía sau là Nguyễn Đỗ Lăng (SN 1974). Diễn biến tích cực này xảy ra khi bất ngờ có sự xuất hiện của ông Nguyễn Đỗ Lăng tại ĐHĐCĐ thường niên của API.

Cụ thể, vào 10/5 vừa qua, API đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2024. Trong năm 2024, API lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 354 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 51 tỷ đồng và 38 tỷ đồng. Tại buổi họp, ông Nguyễn Đỗ Lăng đã bất ngờ tham dự.

Vào ngày mai (15/5), Chứng khoán APS sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Công ty dự trình kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu đạt 123,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 49 tỷ đồng. Còn IDJ dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 17/5. Trong năm 2024, công ty dự trình mục tiêu doanh thu đạt 331 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 52 tỷ đồng.

Gần một năm trước, vào cuối tháng 6/2023, ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng vợ là bà Huỳnh Thị Mai Dung và ba bị can khác đã bị khởi tố, bắt tạm giam về cáo buộc thao túng giá cổ phiếu của APS, API và IDJ, thu được lợi bất chính hơn 157 tỷ đồng.

Sau gần một năm vắng bóng, ông Lăng tái xuất và cho biết không có ý định tham gia Đại hội đồng cổ đông mà chỉ muốn ở sau hậu trường. Ông miêu tả vụ việc xảy ra với mình rước đó như "một tai nạn vô cùng bất ngờ" và khẳng định: "Chúng tôi không tham gia, có một vài nhân viên ở dưới đã làm như vậy". Ông cũng cho biết vụ việc đang được điều tra và hi vọng mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách rõ ràng.

Ngoài ra, ông Lăng cảm thấy tiếc nuối khi thị giá của cổ phiếu API đang rất thấp và cho rằng điều này không hợp lý. Theo ông, về mặt nội tại, API là một công ty tốt có khối tài sản lớn với hơn 2.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính, trong khi nợ hiện tại chỉ khoảng 120 tỷ đồng. Ông cũng nhấn mạnh rằng API vẫn an toàn hơn nhiều so với nhiều doanh nghiệp bất động sản khác trên thị trường.

“Hôm nọ tôi nhìn cũng hơi bị chạnh lòng với bên Phát Đạt, quỹ tiền mặt của họ còn đâu 9 - 10 tỷ đồng gì đấy, trong khi mình có mấy chục tỷ đồng, nhưng giá cổ phiếu mình thì bằng 1/10 của họ” - ông Nguyễn Đỗ Lăng chia sẻ với cổ đông.

Hiện tại, nhóm cổ phiếu APEC vẫn đang chịu án phạt từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Cụ thể, cổ phiếu API đã bị cảnh báo từ ngày 9/4/2024 do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2023 âm và kiểm toán có ý kiến ngoại trừ với báo cáo tài chính hợp nhất 2023. Tương tự, cổ phiếu APS cũng bị cảnh báo từ ngày 1/4/2024 do lợi nhuận sau thuế kiểm toán âm trong hai năm liên tiếp. Đối với IDJ, dù công ty vẫn có lãi nhưng cũng bị cảnh báo từ ngày 4/4/2024 do ý kiến ngoại trừ từ kiểm toán về số tiền phải thu và tạm ứng cho nhân viên.

Bất chấp án phạt, trong tháng gần đây, nhóm cổ phiếu này đã bắt đầu tăng trở lại. Thị giá của API và IDJ tăng khoảng 27%, còn APS tăng 17% so với mức đáy gần nhất. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để nhóm cổ phiếu APEC thoát khỏi vùng đáy. Kể từ sự kiện lãnh đạo, thị giá của ba cổ phiếu APEC đã mất khoảng 60%, và so với đỉnh cao vào giữa tháng 11/2021, đã giảm đến 80-90%.

N.Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/dieu-gi-khien-co-phieu-he-sinh-thai-apec-group-bat-ngo-thang-hoa-122686.html