Điều gì giúp Mỹ trở thành cường quốc bóng đá nữ?

Thành công của các cô gái Mỹ nhiều năm qua trở thành hình mẫu cho những quốc gia khác trong việc phát triển bóng đá nữ.

Với thành tích giành 4 huy chương vàng Olympic, 4 lần vô địch World Cup cùng hơn một thập niên đứng trên đỉnh thế giới, tuyển Mỹ (USWNT) là đội bóng thành công nhất lịch sử bóng đá nữ. Bằng chiến lược phát triển bài bản và có hệ thống qua nhiều thập niên, bóng đá nữ của Mỹ luôn duy trì được tính ổn định.

Bất chấp sự vươn lên mạnh mẽ của Canada, Thụy Điển hay nhiều nền bóng đá khác, vị thế của tuyển Mỹ không hề bị lung lay.

 Tuyển nữ Mỹ (USWNT) là đội bóng số 1 thế giới trên bảng xếp hạng tháng 1/2022 của FIFA.

Tuyển nữ Mỹ (USWNT) là đội bóng số 1 thế giới trên bảng xếp hạng tháng 1/2022 của FIFA.

Giá trị của bóng đá học đường

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, bóng đá nữ Mỹ chưa có phong cách thi đấu rõ ràng so với các thế lực từ châu Âu. Người Mỹ không xem bóng đá là môn thể thao vua. Còn ở lục địa già, bóng đá phát triển trước nhiều năm.

Đức và Na Uy là những quốc gia có đội tuyển bóng đá nữ với bề dày truyền thống và đi trước người Mỹ thời điểm đó. Họ mang bản sắc và lối chơi riêng. Những cô gái Đức trình diễn thứ bóng đá tập thể, trong khi tuyển Na Uy đạt thành công nhờ phong cách trực diện và sử dụng nhiều bóng dài.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của HLV Anson Dorrance vào năm 1986 làm thay đổi nhiều thứ. Người đàn ông sinh ra tại Ấn Độ dành phần lớn sự nghiệp huấn luyện các đội tuyển nữ ở trường đại học của Mỹ. Với 23 chức vô địch trong hệ thống NCAA (Hiệp hội các trường Đại học Mỹ), ông Dorrance được xem là huyền thoại bóng đá học đường xứ cờ hoa.

Ở thời điểm ông Dorrance lên dẫn dắt ĐTQG Mỹ, HLV sinh năm 1951 đã 4 lần vô địch các giải thuộc hệ thống NCAA trong 5 năm, và được kỳ vọng giúp bóng đá nữ nước này cạnh tranh với các thế lực châu Âu. Bóng đá học đường Mỹ với hệ thống NCAA nổi tiếng chính là nền tảng để USWNT bước lên đỉnh cao thế giới.

 Sự phát triển của bóng đá học đường giúp tuyển nữ Mỹ phát triển như ngày nay. Ảnh: CNN.

Sự phát triển của bóng đá học đường giúp tuyển nữ Mỹ phát triển như ngày nay. Ảnh: CNN.

Theo CNN, trước năm 1971, thời điểm Chính phủ Mỹ chưa ban hành Luật chống Phân biệt Giới tính trong thể thao, chỉ có khoảng 700 nữ sinh chơi bóng đá học đường. Trong cuốn "Let Me Play: The Story of Title IX: The Law That Changed the Future of Girls in America", tác giả Karen Blumenthal nhận định trước thập niên 70 của thế kỷ trước, các môn thể thao đồng đội ở nước Mỹ không dành cho bé gái.

Những sự thay đổi về luật và chính sách phát triển thể thao học đường giúp các bé gái Mỹ tiếp cận nhiều môn thể thao hơn. Bóng đá nữ Mỹ hưởng lợi lớn nhờ điều đó. Blumenthal khẳng định bóng đá nữ Mỹ phát triển bùng nổ trong giai đoạn thập niên 80.

Những bé gái chơi bóng giỏi ở trường trung học sẽ có cơ hội lớn hơn để nhận học bổng đại học. Chính vì thế, ngày càng có nhiều nữ sinh muốn tham gia bóng đá. Đến kỳ World Cup bóng đá nữ đầu tiên vào năm 1991, nước Mỹ có hơn 120.000 cô gái chơi bóng ở trường trung học.

Chỉ sau 20 năm kể từ khi Luật chống Phân biệt Giới tính được ban hành, số nữ sinh chơi bóng đá đã tăng 17.000 % (số liệu từ CNN). Bóng đá nữ Mỹ tiếp tục khởi sắc sau các thành công ở Olympic 1996 và World Cup 1999 trên sân nhà. Vào năm 2019, có hơn 390.000 nữ sinh chơi bóng đá ở trường trung học. Bóng đá trở thành môn thể thao phổ biến thứ tư trong hệ thống NCAA, chỉ sau bóng chuyền, bóng rổ và điền kinh.

Số lượng cầu thủ trẻ dồi dào và hệ thống rộng lớn các đội bóng trường học giúp nuôi dưỡng tài năng cho ĐTQG. Từ một quốc gia không chuộng bóng đá, các cô gái Mỹ nhanh chóng bắt kịp những đối thủ từ châu Âu.

Những sự thay đổi

Michelle Akers, huyền thoại của tuyển nữ Mỹ, nhớ lại ban đầu cô và các đồng đội có thể nhỉnh hơn các đồng nghiệp Đức hay Na Uy về mặt kỹ thuật cá nhân, nhưng ở khía cạnh thể chất và chiến thuật, các đội tuyển từ châu Âu vẫn đi trước họ.

"Tôi cố gắng kiểm soát trận đấu nhưng vẫn bị các đối thủ vượt qua dễ dàng", cựu tiền vệ của tuyển Mỹ nhớ lại. "Tôi không nhận ra điều đó cho đến khi nhận một cú đánh vào mặt".

Những người làm bóng đá Mỹ nhanh chóng nhìn ra rằng thể chất và tâm lý thi đấu là một trong những khía cạnh quan trọng cần được chú ý. Shannon Higgins-Cirovski, cựu tuyển thủ Mỹ thời kỳ đó, khẳng định sự thay đổi về tâm lý và thể chất đóng vai trò quan trọng đến sự lột xác của ĐTQG.

Về khía cạnh chiến thuật, HLV Dorrance sử dụng hệ thống 3-4-3 thay vì sơ đồ 4-4-2 thời thượng lúc bấy giờ. Tuyển nữ Mỹ cũng dám chơi pressing tầm cao, điều phổ biến ngày nay nhưng xa lạ khi ấy.

Sự chuẩn bị nghiêm túc trong gần nửa thập niên giúp tuyển nữ Mỹ có màn trình diễn bùng nổ trong kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức. Các cô gái của ĐTQG nước này vô địch với thành tích toàn thắng cả 6 trận trong kỳ World Cup 1991.

Tại giải đấu trên đất Trung Quốc, đội bóng của HLV Dorrance ghi 25 bàn và chỉ 5 lần để lọt lưới. Thụy Điển, Đức và Na Uy lần lượt trở thành bại tướng của họ.

"Chìa khóa cho thành công ở World Cup 1991 của tuyển Mỹ chính là sự khác biệt", HLV Dorrance hồi tưởng. "Chúng tôi chơi một thứ bóng đá khác biệt, thứ bóng đá của riêng người Mỹ, với tinh thần thi đấu và cường độ cao".

 ĐTQG Mỹ vô địch World Cup 1991, giải vô địch thế giới cho bóng đá nữ đầu tiên được FIFA tổ chức. Ảnh: Reuters.

ĐTQG Mỹ vô địch World Cup 1991, giải vô địch thế giới cho bóng đá nữ đầu tiên được FIFA tổ chức. Ảnh: Reuters.

Những rào cản

Tuy nhiên, thành công trên sân cỏ không thể xóa đi một sự thật rằng bóng đá nữ Mỹ vẫn chưa thể là môn thể thao hái ra tiền. Trong những năm đầu của dự án phát triển bóng đá nữ, các cô gái Mỹ nhận số thù lao ít ỏi cho cống hiến ở ĐTQG.

Không ít nữ tuyển thủ phải nghỉ công việc đang làm ngoài đời để tập trung cho ĐTQG. Carin Jennings-Gabarra, người có 117 lần khoác áo tuyển Mỹ trong giai đoạn 1987-1996, tạm dừng vai trò tiếp thị ở một công ty để tập luyện và thi đấu cho ĐTQG.

"Chúng tôi được trả khoảng 10 USD một ngày (cho việc lên tuyển - PV)", Tracey Bates-Leone, một nữ tuyển thủ khác nhớ lại. "Tiền bạc rõ ràng không phải động lực lớn nhất với chúng tôi khi ấy, sự tự hào khi đại diện cho đất nước lớn hơn".

Vấn đề với tuyển nữ Mỹ thời điểm đó tồn tại tới nay. Ngay cả ở những quốc gia như Đức, Anh hay Hà Lan, sự chênh lệch về thu nhập giữa các cầu thủ nam và nữ vẫn rất lớn.

Ở Mỹ, sự vào cuộc của các đơn vị tài trợ giúp giải quyết nhiều thứ. Nike, hãng trang phục thể thao số 1 Mỹ thời điểm đó, nhận thấy tiềm năng của các cô gái ở ĐTQG và bắt đầu chìa ra các hợp đồng tài trợ. Nike nhìn thấy ở những Mia Hamm, Bates Leone hay Jennings Gabarra cơ hội chiếm lĩnh thị trường trang phục bóng đá ở Mỹ.

Sau tấm huy chương vàng Olympic 1996 hay chức vô địch World Cup 1999 trên sân nhà, Hamm trở thành ngôi sao quốc dân. Cô xuất hiện cùng huyền thoại bóng rổ Michael Jordan trong nhiều dự án quảng cáo.

USWNT trở thành đội thể thao nữ đầu tiên thu hút sự quan tâm lớn đến thế của công chúng trong nước. Sau gần ba thập niên kể từ cú đá luân lưu lịch sử của Brandi Chastain trước Trung Quốc năm 1999, những nữ cầu thủ bóng đá Mỹ trở thành các ngôi sao nổi tiếng, thu hút nhiều nhãn hàng và có cuộc sống tốt hơn trước.

 Trinity Rodman vừa trở thành nữ cầu thủ có thu nhập cao nhất lịch sử bóng đá Mỹ, với mức lương hơn 281.000 USD/năm. Ảnh: Reuters.

Trinity Rodman vừa trở thành nữ cầu thủ có thu nhập cao nhất lịch sử bóng đá Mỹ, với mức lương hơn 281.000 USD/năm. Ảnh: Reuters.

Alex Morgan, chân sút hàng đầu của bóng đá Mỹ một thập niên qua, kiếm hàng triệu USD từ việc viết sách, đóng phim và trở thành gương mặt đại diện cho các nhãn hàng.

Bản thân Morgan và các đồng đội nhiều năm qua vẫn luôn đấu tranh để thu hẹp chênh lệch về thu nhập giữa bóng đá nam và nữ Mỹ. Không dễ cho họ để làm điều đó, nhưng những sự thay đổi đang diễn ra.

Vào đầu tháng 2, Trinity Rodman, nữ cầu thủ 19 tuổi, vừa trở thành cầu thủ nhận lương cao nhất lịch sử giải nữ nhà nghề Mỹ. Con gái của huyền thoại bóng rổ Dennis Rodman sẽ nhận thu nhập 1,1 triệu USD trong 4 năm chơi cho Washington Spirit. Bản hợp đồng hậu hĩnh của Rodman lý giải việc bóng đá nữ Mỹ vẫn đứng ở đỉnh cao thế giới.

HLV Cedric: 'Tôi sớm biết tuyển nữ Việt Nam có thể dự World Cup' Chia sẻ với Zing, Cedric Roger, huấn luyện viên (HLV) thể lực tuyển nữ Việt Nam, cho biết ông sớm nhìn ra tiềm năng của các cầu thủ trước khi dự VCK Asian Cup 2022.

Tường Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-gi-giup-my-tro-thanh-cuong-quoc-bong-da-nu-post1294656.html