Điều đặc biệt ở Sư đoàn 1 anh hùng

Làm nhiệm vụ trong 9 năm (1965-1974), với chiến thuật 'Nắm thắt lưng địch mà đánh', Sư đoàn 1 đã liên tục giành thắng lợi giòn giã ở các chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ... góp phần quan trọng cùng quân, dân cả nước đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược.

Danh tiếng của đơn vị khiến kẻ thù chỉ nghe thấy đã khiếp sợ. Vậy điều đặc biệt gì làm nên "thương hiệu" Sư đoàn 1?

Vào trận khi chưa công bố thành lập đơn vị

Năm 1964, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, ta tổ chức đưa quân chủ lực từ miền Bắc vào miền Nam làm nòng cốt đánh Mỹ, đồng thời thành lập Mặt trận Tây nguyên (B3). Theo đó, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) được lệnh hành quân cấp tốc vào Tây Nguyên cùng với Trung đoàn 33 (Sư đoàn 325b) và Trung đoàn 320 (đã có mặt ở Tây Nguyên) để thành lập Sư đoàn 1. Tháng 8-1965, Bộ Tổng tư lệnh đã ban hành quyết định thành lập Sư đoàn 1 nhưng do nhiệm vụ tác chiến khẩn trương nên việc công bố phải đến cuối năm 1965 mới được thực hiện.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn 1 cho biết, ngày 15-8-1965, đồng chí Hoàng Văn Thái, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Kiện, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 và đồng chí Nguyễn Nam Khánh, Chính ủy Lữ đoàn 305: "Bộ quyết định điều một số đơn vị vào tăng cường cho Mặt trận B3, nhưng do yêu cầu phải giữ bí mật nên không thể trao quyết định cho các đồng chí...". (Khi thành lập Sư đoàn 1, đồng chí Hoàng Kiện là Sư đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Nam Khánh là Phó chính ủy Sư đoàn).

Lính Mỹ đổ bộ xuống Ia Đrăng trong Chiến dịch Plei Me năm 1965. Ảnh tư liệu

Đại tá Đinh Quốc Kỳ, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 33, Sư đoàn 1, nguyên điều tra viên cao cấp của Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng, thông tin: "Các đơn vị có mặt ở Tây Nguyên đã cùng cơ quan tham mưu Mặt trận B3 khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến chiến dịch đánh phủ đầu quân Mỹ. Mặt trận B3 đã nghiên cứu và chọn Plei Me-căn cứ huấn luyện biệt kích lớn nhất Tây Nguyên để bao vây khống chế, buộc Mỹ phải cho quân đến tăng viện.

Đêm 19-10-1965, Trung đoàn 33 nổ súng bao vây căn cứ Plei Me mở màn chiến dịch. Chỉ ít phút sau, tiền đồn Chư Ho bị tiêu diệt, Plei Me bị vây chặt. Địch chống trả quyết liệt bằng bom, pháo, xe bọc thép, phản kích liên tục vào trận địa hòng giải vây cho căn cứ, nhưng đều bị quân ta đẩy lui.

“Nắm thắt lưng địch mà đánh”

Trước việc căn cứ Plei Me bị vây chặt, ngày 23-10-1965, địch cho quân tăng viện, nhưng đến trục đường 21 đã lọt vào trận địa phục kích của Trung đoàn 320. Thua đau, Mỹ điều Sư đoàn kỵ binh số 1 với trang bị, vũ khí hiện đại thực hiện các cuộc đổ bộ quân xuống Tây Nguyên. Tướng Westmoreland, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam lúc đó, tự tin cho rằng: "Sư đoàn kỵ binh số 1 được huấn luyện kỹ càng nhất trong lịch sử quân đội Mỹ và có thể làm được mọi nhiệm vụ". Với lực lượng tinh nhuệ này, Westmoreland chủ trương bất ngờ đổ quân đánh úp cơ quan đầu não, cướp phá kho tàng, cắt đứt hành lang chiến lược, tiến tới tiêu diệt chủ chốt của ta.

Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, kể: "Nắm được ý đồ của địch, khi chúng điều Sư đoàn kỵ binh số 1 đổ bộ xuống Tây Nguyên, Bộ chỉ huy Mặt trận B3 quyết định chọn Ia Đrăng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai làm điểm quyết chiến đánh trận then chốt và sử dụng Trung đoàn 66 đánh địch. Sáng 14-11-1965, hàng chục máy bay địch tiến hành ném bom, bắn phá dọn bãi và đổ Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 3) xuống làng Mùi. Sau khi thiết lập được trận địa pháo, Tiểu đoàn 1 do Trung tá Harold Moore chỉ huy tiến quân đánh chiếm sườn Đông Bắc dãy núi Chư Prông. Được phi pháo mở đường, Tiểu đoàn 1 Mỹ hùng hổ dàn hàng ngang tiến lên. Chúng thọc đúng vào trận địa của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, song bộ đội ta bình tĩnh đợi quân Mỹ vào thật gần mới đồng loạt nổ súng tiêu diệt. Những ngày sau, với sự yểm trợ của Trung đoàn 33, thực hiện phương châm “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, một tổ, một người cũng đánh, đánh liên tục, đánh dứt điểm từng trận, ta đã đánh bại lực lượng địch đổ bộ xuống Ia Đrăng".

Chiến thắng Ia Đrăng đã giải đáp vấn đề nóng hổi lúc đó: Việt Nam có đánh được Mỹ không? Tây Nguyên có đánh được Mỹ không? Qua trận chiến ở Ia Đrăng đã chứng minh ta có thể đánh bại quân Mỹ. Với chiến công oanh liệt này, Sư đoàn 1 được tặng thưởng hai Huân chương Quân công hạng Nhất. Trong bức điện gửi Bộ tư lệnh Mặt trận B3, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam, giải thích: "Quân đội ta không có Huân chương nào cao hơn Huân chương Quân công hạng Nhất, nhưng để xứng đáng với Chiến thắng Plei Me, nên tặng chiến thắng này hai Huân chương Quân công hạng Nhất".

Vào giữa thập niên 1980, khi nghiên cứu các trận đánh, tướng Mỹ Harold Moore đã hỏi Trung tướng Hoàng Phương, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: “Trong trận Ia Đrăng, vì sao lúc đầu quân kỵ binh bay đổ xuống, các ông đánh còn lẻ tẻ, nhưng chỉ sau vài tiếng, Quân đội của các ông từ tứ phía phối hợp chiến đấu ăn ý, kịp thời như vậy?”. Trung tướng Hoàng Phương trả lời: "Những người lính của chúng tôi đánh quân cơ động Mỹ thì tiếng súng là mệnh lệnh hiệp đồng. Các đơn vị chưa biết quân Mỹ ở đâu nên chỗ nào có tiếng súng thì các nơi khác phải cùng phối hợp chiến đấu".

Trong 9 năm chiến đấu, Sư đoàn 1 đã đánh gần 3.000 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 92.000 tên địch, bắn rơi, bắn cháy 1.231 máy bay, phá hủy hơn 3.600 xe các loại và 38 kho đạn, thu gần 13.000 khẩu súng. Làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, ngoài việc đánh địch giải phóng hầu hết 9 tỉnh Tây Nam Campuchia, Sư đoàn 1 còn giúp bạn xây dựng chính quyền và du kích phum (xã) ở vùng giải phóng; xây dựng, huấn luyện 5 tiểu đoàn bộ binh cho Quân đội Campuchia. Với những chiến công, thành tích xuất sắc, ngày 25-4-2013, Sư đoàn 1 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/dieu-dac-biet-o-su-doan-1-anh-hung-719366