Điều chỉnh giá điện không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu:'Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng' và 'Xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định'.

Khách hàng sử dụng điện ký biên bản sau khi được Điện lực Vĩnh Linh sửa chữa, nâng cấp thiết bị điện, góp phần giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí tiền điện sinh hoạt. Ảnh: T.N

Khách hàng sử dụng điện ký biên bản sau khi được Điện lực Vĩnh Linh sửa chữa, nâng cấp thiết bị điện, góp phần giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí tiền điện sinh hoạt. Ảnh: T.N

Theo đó, ngày 9/11/2023 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Quyết định số 1416/QĐ-EVN về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc điều chỉnh giá điện lần này đã được EVN tính toán cẩn trọng nhằm hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ của EVN cũng được thực hiện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Tại Khoản 5, Điều 3 của Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định: “Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất” và Khoản 2, Điều 3: “Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành”.

Sở dĩ EVN có quyết định điều chỉnh giá điện vào dịp cuối năm 2023 là do ảnh hưởng của El Nino, sản lượng thủy điệnnguồn điện giá rẻ-giảm gần 17 tỉ kWh so với năm 2022; sản lượng các nhiệt điện than, khí, dầu huy động tăng và chi phí đầu vào cho sản xuất điện vẫn duy trì ở mức cao.

Mặc dù trong năm 2022 và 2023, EVN đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tiết kiệm chi phí như: tiết kiệm chi phí thường xuyên 15%; chi phí sửa chữa lớn cắt giảm ở mức rất cao; tiết kiệm tối đa trong công tác quản trị...nhưng chi phí sản xuất điện không hề giảm.

Lần này, trong lần điều chỉnh giá điện theo quan điểm và tính toán của EVN về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2022 cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ.

Cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng; hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Bên cạnh đó, dựa trên số liệu thống kê về khách hàng sử dụng điện trong 9 tháng đầu năm 2023, EVN đã có tính toán cụ thể về tác động tới từng đối tượng khách hàng sử dụng điện. Cụ thể, với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sau khi điều chỉnh giá, mỗi hộ tiêu thụ điện dưới 50kWh/ tháng, số tiền điện tăng thêm bình quân là khoảng 3.900 đồng/hộ; các hộ tiêu thụ từ 51-100 kWh/tháng, tiền điện tăng thêm bình quân là khoảng 7.900 đồng/hộ.

Các hộ tiêu thụ từ 101-200kWh, số tiền điện tăng thêm bình quân là khoảng 17.200 đồng/hộ (đây là nhóm khách hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số khách hàng sử dụng điện sinh hoạt (chiếm 34,08%); các hộ tiêu thụ từ 201-300kWh, số tiền điện tăng thêm bình quân là khoảng 28.900 đồng/hộ; các hộ tiêu thụ từ 301-400kWh, tiền điện tăng thêm bình quân là khoảng 42.000 đồng/hộ; các hộ tiêu thụ từ 401kWh trở lên, tiền điện tăng thêm bình quân là 55.600 đồng/hộ.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tác động của việc điều chỉnh giá điện tùy thuộc vào việc sử dụng điện của khách hàng và tỉ lệ sử dụng điện trong tổng chi phí giá thành của doanh nghiệp.

Theo tính toán, đối với khách hàng kinh doanh dịch vụ có 547 nghìn khách hàng, sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230.000 đồng/tháng; khách hàng sản xuất có 1.909 nghìn khách hàng, trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432.000 đồng/tháng; khách hàng hành chính sự nghiệp có 681 nghìn khách hàng, trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 90.000 đồng/tháng...

Như vậy, việc điều chỉnh tăng giá điện lần này của EVN về cơ bản không gây ra những ảnh hưởng lớn về kinh tế cho khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, hộ có sản lượng điện tiêu thụ hằng tháng thấp.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/dieu-chinh-gia-dien-khong-anh-huong-lon-den-nen-kinh-te/182013.htm