Diện tích nuôi cá tra và cá lóc khó phát triển

Năm 2023 diện tích ao nuôi cá tra và cá lóc giảm mạnh và nhiều hộ nuôi chuyển sang đa dạng các đối tượng nuôi khác nhằm giảm rủi ro do giá cá giảm mạnh và hình thức các hộ nuôi liên kết với các doanh nghiệp (thu mua cá tra) không còn...

Ao nuôi cá tra của Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông - Cần Thơ thuê đất ở ấp Xẻo Cạn, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè.

Theo kế hoạch về diện tích thả nuôi thủy sản năm 2024, đối tượng cá tra với diện nuôi 30ha, tập trung ở các huyện Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long; diện tích cá lóc 450ha (năm 2023: 510ha) tập trung nhiều ở huyện Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, Tiểu Cần…

Hiện nay, các diện tích nuôi cá tra phần lớn chuyển sang hình thức nuôi gia đình và người nuôi cá tự tìm nguồn tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Tại huyện Tiểu Cần, là địa phương có diện tích nuôi cá tra khá phát triển trong giai đoạn 2014 - 2015, diện tích thả nuôi trên 120ha. Hiện nay, diện tích ao nuôi cá tra giảm chỉ còn khoảng 05ha, tập trung ở xã Tân Hòa, Hùng Hòa…

Theo đồng chí Trần Văn Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần: nguyên nhân diện tích nuôi cá tra giảm là các doanh nghiệp đầu mối không còn liên kết với người nuôi. Ngoài ra, việc tiêu thụ cá tra gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm đi bán tại các nhà máy. Các ao nuôi cá tra của các hộ trên địa bàn huyện hiện nay chuyển sang nuôi cá lóc hoặc nuôi cá tra bán chợ.

Còn tại huyện Cầu Kè, với điều kiện khá thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá tra do nằm ven tuyến Sông Hậu. Tuy nhiên, diện tích nuôi cá tra của Cầu Kè không phát triển trong những năm gần đây. Đến cuối năm 2023, toàn huyện chỉ có Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông - Cần Thơ thuê đất của người dân ở xã Hòa Tân và xã Ninh Thới khoảng 10ha để nuôi cá tra. Phần lớn diện tích còn lại (khoảng 15ha) là nuôi theo hình thức hộ gia đình và tiêu thụ tại các chợ.

Bên cạnh do các doanh nghiệp không còn liên kết với người nuôi hoặc thuê đất để nuôi cá tra, từ đó, đã kéo giảm đáng kể diện tích ao nuôi. Đối với diện tích nuôi cá lóc, do ảnh hưởng giá cá giảm liên tục và kéo dài trong năm 2022 và năm 2023, đã ảnh hưởng đến tiến độ thả nuôi.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản - Quản lý chất lượng (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh): trong tháng đầu năm 2024 chỉ có 51 hộ thả nuôi với diện tích 7,1ha/3,73 triệu con giống. Do giá cá giảm và người nuôi chỉ thả rải vụ, nên ảnh hưởng đến tiến độ thả nuôi chung của đầu năm.

Đồng chí Dư Sê Tha, Công chức Nông nghiệp - Môi trường xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, cho biết: năm 2023, diện tích nuôi cá lóc của xã khoảng 51,7ha, đạt 79,5 % so kế hoạch; nguyên nhân diện tích thả nuôi không đạt là do ảnh hưởng giá cá lóc giảm mạnh, các hộ nuôi cá đều thua lỗ. Các diện tích ao nuôi cá lóc hiện được các hộ thả nuôi rải vụ, trung bình các hộ chỉ thả khoảng 35 - 40% số ao nuôi; một số hộ sẽ chuyển sang các đối tượng nuôi khác hoặc treo ao.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/dien-tich-nuoi-ca-tra-va-ca-loc-kho-phat-trien-34906.html