Điện Thái Hòa và điện Kiến Trung sẽ mở cửa đón khách dịp Tết Giáp Thìn

Điện Thái Hòa và điện Kiến Trung tại Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa để phục vụ du khách tham quan vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Ngày 4/1, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sau thời gian dài trùng tu, điện Thái Hòa và điện Kiến Trung - hai cung điện quan trọng thuộc hệ thống các cung điện của triều Nguyễn - sẽ mở cửa để phục vụ du khách tham quan vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo ông Trung, sau hơn 2 năm đóng cửa để trùng tu, du khách chỉ có thể tham quan thông qua hình thức du lịch thực tế ảo thì Tết Nguyên đán năm 2024, điện Thái Hòa sẽ được đơn vị quản lý tạm bỏ hàng rào bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan khu vực và trưng bày bên trong để phục vụ du khách.

 Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn. Ảnh: thuathienhue.gov.vn

Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn. Ảnh: thuathienhue.gov.vn

Ngoài ra, điện Kiến Trung cũng sẽ mở cửa đón khách tham quan vào Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sau thời gian dài tu bổ, phục hồi.

Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích Cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay. Công trình được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay.

Đây là nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi triều chính của triều đình nhà Nguyễn trong suốt 143 năm tồn tại. Điện Thái Hòa không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí nhất thi, nhất họa độc đáo đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trải qua hơn 200 năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng nên đã được tiến hành trùng tu tổng thể từ tháng 11/2021, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Điện Kiến Trung được xây dựng từ năm 1923 dưới triều vua Khải Định. Ngôi điện này là một trong năm công trình lớn nằm ở cực Bắc trục thần đạo xuyên qua trung tâm Tử Cấm Thành.

Sau khi vua Khải Định qua đời, vua Bảo Đại đã cho cải tạo lại nội thất, lắp đặt thêm các tiện nghi phương Tây, còn phần ngoại thất vẫn giữ nguyên. Từ đó, điện Kiến Trung trở thành nơi ở của cả gia đình nhà vua.

 Công trình điện Kiến Trung đang được tu bổ, phục hồi. Ảnh: Báo Thanh niên

Công trình điện Kiến Trung đang được tu bổ, phục hồi. Ảnh: Báo Thanh niên

Sau Cách mạng Tháng Tám, điện Kiến Trung trở thành chứng nhân của sự kiện vua Bảo Đại có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Phái đoàn Chính phủ lâm thời để chính thức họp bàn thoái vị, trao lại quyền điều hành đất nước cho Chính phủ lâm thời. Đến năm 1947, công trình bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng.

Năm 2024, ngành du lịch Thừa Thiên Huế dự kiến đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70%; tổng thu từ du lịch khoảng 7.500 - 8.000 tỷ đồng. Ngành du lịch tỉnh sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh; xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng cùng nhiều giải pháp khác để thúc đẩy du lịch.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dien-thai-hoa-va-dien-kien-trung-se-mo-cua-don-khach-dip-tet-giap-thin-post279735.html