Điện mặt trời mái nhà: Giải pháp xanh cho doanh nghiệp

Năng lượng xanh đang là xu hướng tất yếu không chỉ đem đến các điều kiện cơ bản trong quá trình hội nhập quốc tế và các đòi hỏi từ thị trường. Trong đó, sử dụng điện mặt trời mái nhà ngoài bảo vệ môi trường còn giúp cho doanh nghiệp, người dân cắt giảm chi phí sử dụng điện, tăng tính cạnh tranh trong sản xuất tiêu thụ hàng hóa.

Hiện doanh nghiệp này có hơn 4 nghìn công nhân làm việc tại 6 phân xưởng. Mỗi phân xưởng có diện tích mái khoảng 9 nghìn m2. Đơn vị điện tiêu thụ bình quân khoảng 420 nghìn kWh/tháng, tương đương khoảng 900 triệu đồng tiền điện. Năm 2021, Công ty đầu tư 10 tỷ đồng lắp hơn 2,2 nghìn tấm pin năng lượng mặt trời, tổng công suất 1MW. Kế hoạch trong năm nay đơn vị sẽ tiếp tục lắp đặt 1MW và năm 2024 thêm 1 MW.

Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất, có chứng chỉ xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trước đây trung bình đơn vị này phải chi trả ít nhất từ 10 đến 15 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Tuy nhiên, từ khi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời có tổng công suất 20w, đơn vị này đã tiết kiệm gần như toàn bộ chi phí sử dụng điện lưới vào ban ngày.

Việc các doanh nghiệp tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết, bởi hiện tại, chi phí điện lưới là rất lớn, phát triển điện mặt trời mái nhà giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay. Mặt khác cũng tạo ra các chứng chỉ xanh, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa được sản xuất ra.

NHÀ DÂN VÀ CÔNG SỞ HƯỞNG LỢI TỪ ĐIỆN MẶT TRỜI ÁP MÁI

Không chỉ các doanh nghiệp, với những lợi ích kép mà ĐMTMN mang lại, vào thời điểm trước năm 2020, khi có cơ chế khuyến khích, nhiều công sở và hộ dân đã đồng loạt triển khai lắp đặt ĐMTMN. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sử dụng điện, mà còn giúp cho căn nhà mát hơn, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường.

Là hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện lớn cho căn nhà 3 tầng đầy đủ các thiết bị điện, đặc biệt là hệ thống máy lọc nước kinh doanh chạy thường xuyên trong ngày, gia đình ông Chu Văn Đức tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã lắp đặt hai hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 55kW vào năm 2019 với tổng chi phí bỏ ra khoảng 700 triệu đồng. Sau khi đã trừ nguồn điện sử dụng cho gia đình, ông Đức vẫn có thể thu nguồn lợi kinh tế trung bình khoảng hơn 100 triệu đồng/ năm từ phần điện dư thừa được EVN mua lại.

Lắp đặt sau thời điểm Quyết định 13/2020 của Chính phủ có hiệu lực, dù không còn được đấu nối phát điện lên lưới, gia đình anh Thơm là một trong số ít hộ dân vẫn lắp đặt ĐMT áp mái chỉ để gia đình tự dùng.

Không chỉ tại các hộ gia đình, nhiều công sở tại các địa phương cũng chủ động lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Đây là hệ thống điện mặt trời tại trường ĐH Điện lực. Nhờ hệ thống này, ban ngày, lượng điện của nhà trường có thể sử dụng tối ưu, chi phí tiền điện giảm đáng kể.

Theo số liệu của EVN, cả nước đã phát triển được khoảng 113.000 hệ thống điện áp mái. Năm 2021-2022, hệ thống này đưa lên lưới điện 11,3 tỷ KWh. Năm 2022 hệ thống này chiếm khoảng 4,21% điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống. Công suất phát điện quy đổi tương ứng khoảng 7.700 MW. Nguồn năng lượng xanh, sạch này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, công sở và nhà nước cùng hưởng lợi.

DỰ THẢO KHUYẾN KHÍCH ĐIỆN MẶT TRỜI TỰ DÙNG TẠI CÔNG SỞ, NHÀ Ở

Sử dụng điện mặt trời mái nhà đang là yếu tố quan trọng hướng tới mục tiêu xanh hóa. Do đó, tại Quy hoạch điện VIII cũng đã đưa ra cơ cấu phát triển điện mặt trời trong đó, quy mô điện mặt trời mái nhà đạt khoảng 2.600MW, với lộ trình phấn đấu bao phủ 50% tòa nhà công sở và nhà dân lắp đặt tính đến năm 2030. Sau Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ Dự thảo đề xuất chỉ ưu tiên khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại hộ dân, công sở, chưa khuyến khích tại các cơ sở khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ điện lớn.

Dự thảo nêu quy định các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà tại tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để sử dụng tại chỗ, tức là tự sản, tự tiêu và không mua bán được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện.Các công sở thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, bộ, ngành sẽ được ngân sách ưu tiên bố trí vốn khi lắp đặt loại năng lượng này.Các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật.Tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, công trình xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.Đây là chính sách nhằm thúc đẩy từng bước thực hiện Quy hoạch điện VIII. Theo đó, tổng công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng trên toàn quốc được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

Tuy nhiên, khi Dự thảo được công bố đã nhận về nhiều ý kiến khác nhau. Một số chuyên gia cho rằng, cách tiếp cận của Bộ Công Thương là tương đối an toàn, tính toán kỹ lưỡng.

Nhưng nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp lại cho rằng chính sách chưa đủ tính hấp hẫn. Kèm theo đó cũng có những kiến nghị nên mở rộng cơ chế ưu đãi phạm vi, đối tượng lắp đặt như các khu vực: trường học, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, trang trại, nhà kho…Bởi điện mái nhà vừa giúp doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng, vừa có thể đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa sản xuất. Nếu như các dự án này không phát điện lên lưới, không gây áp lực lên hệ thống truyền tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không mua lại thì tại sao lại không được áp dụng cơ chế khuyến khích?

Về vấn đề này, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ sẽ được nghiên cứu trong các quy định sau này. Bởi cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác trong tổng cơ cấu nguồn điện đặc biệt là bảo đảm cho hệ thống điện vận hành an toàn.

Trong điều kiện cung ứng điện từ nay đến năm 2025 dự báo còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, việc bổ sung kịp thời các nguồn điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển ĐMT áp mái, cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu và nhanh nhất để bảo đảm an ninh năng lượng.

Kim Thoa - Hiền Trang - Ngọc Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dien-mat-troi-mai-nha-giai-phap-xanh-cho-doanh-nghiep-190878.htm