Diện mạo trên vùng quê cách mạng

Tự hào là vùng đất được xem là 'cái nôi' cách mạng của huyện Bảo Thắng, ghi dấu một giai đoạn đấu tranh cách mạng hào hùng, hơn 70 năm qua, lớp lớp cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc xã Gia Phú luôn khắc ghi truyền thống lịch sử, phát huy tinh thần đoàn kết cùng sự sáng tạo, từng ngày xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nông dân Gia Phú có thu nhập cao từ chuyên canh rau, quả.

Nông dân Gia Phú có thu nhập cao từ chuyên canh rau, quả.

Lịch sử hào hùng

Ngày 15/2/1948, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành chủ trương công tác “Tổ chức đại hội vũ trang tuyên truyền hoạt động ở phía tả ngạn sông Hồng, gồm các xã Cam Đường, Gia Phú, Xuân Giao”. Tháng 3/1948, tại hội nghị cán bộ toàn tỉnh, tỉnh xây dựng lại các cơ sở cách mạng, phát động Nhân dân đấu tranh trong vùng địch tạm chiếm. Ngày 20/4/1948, theo sự phân công của cấp trên, 1 tổ cán bộ xung kích đã tới thôn Soi Cờ, xã Gia Phú để gây dựng phong trào cách mạng.

Những năm tháng đấu tranh gian khổ, Nhân dân thôn Soi Cờ đã không quản hiểm nguy, vất vả, nhường cơm, sẻ áo để nuôi giấu, hỗ trợ cán bộ xung kích. Nhờ đó, tổ cán bộ xung kích đã nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ, đưa phong trào cách mạng lên cao như vũ bão. Cuối năm 1948, địch bao vây, đàn áp dã man 14 cán bộ và đốt cháy nhiều nhà dân nhằm uy hiếp phong trào đấu tranh cách mạng nơi đây. Căm phẫn trước hành động của quân xâm lược, Nhân dân địa phương càng dốc lòng, dốc sức hỗ trợ tổ du kích, lãnh đạo Nhân dân vùng lên đấu tranh chống Pháp.

Đoàn kết dựng xây cuộc sống mới

Lịch sử hào hùng là mạch nguồn ký ức nhắc nhớ mỗi người con của vùng đất cách mạng Soi Cờ nỗ lực dựng xây cuộc sống mới. Cách đây khoảng chục năm, khi nhắc tới Gia Phú là nhắc tới địa phương còn vô vàn khó khăn của huyện Bảo Thắng. Trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Gia Phú có diện tích lớn với 29 thôn, bản; từ tháng 3/2020, một số diện tích được sáp nhập, xã chỉ còn 14 thôn, trong đó 10 thôn chưa có điện sinh hoạt, hệ thống giao thông nông thôn lạc hậu, xã mới đạt 3/19 tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn... Với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, Gia Phú đã phát huy truyền thống cách mạng, tự lực, tự cường vượt khó vươn lên. Ông Lưu Hoàng Điểu, Chủ tịch UBND xã Gia Phú khẳng định: Địa phương xác định rõ được thế mạnh, điểm yếu để xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm.

Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Lục (thôn Đồng Lục) là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất đầu tiên tại xã Gia Phú trong thời kỳ mới. Với 7 thành viên ban đầu, hợp tác xã hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm tạo nông sản an toàn, chất lượng cao, hiện đang trồng 2,5 ha dưa chuột và một số giống dưa ngoại nhập. Xã viên của hợp tác xã được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây và đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới, giàn tưới nước tự động cũng như các thiết bị nông nghiệp chuyên dụng hiện đại khác. Quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng được ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ trên “Sổ nhật ký canh tác”, đây là yêu cầu bắt buộc và làm căn cứ đánh giá chất lượng nông sản. Nhờ đó mà giá trị hàng hóa của hợp tác xã tăng nhiều lần so với trước, sản phẩm lọt vào chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn tại thành phố Lào Cai, một số siêu thị tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Hiện xã đang triển khai kế hoạch “Vùng sản xuất rau an toàn xã Gia Phú” với mục tiêu đến năm 2025 hình thành vùng sản xuất rau chuyên canh khoảng 100 ha và xây dựng được thương hiệu “Rau sạch Gia Phú”. Bước đầu địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung tại các thôn Soi Cờ, Soi Giá, Đồng Lục với 20 ha, chủ yếu canh tác dưa các loại, bí và rau theo mùa vụ. Nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nên làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó, giá bán cao hơn loại thông thường và ổn định.

Gắn với chăn nuôi là hình thành cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Hiện cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Phú Xuân được trang bị các thiết bị, dây chuyền chế biến chuyên nghiệp, công suất lớn và khá hiện đại.

Gia Phú còn được biết đến với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, chất lượng, mẫu mã đa dạng, phong phú. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, xã Gia Phú đã có phương án xây dựng làng nghề thủ công mỹ nghệ tập trung tới 50 cơ sở sản xuất. Trong giai đoạn hiện nay, xã duy trì hoạt động 3 mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và thực hiện tốt mô hình “Một cánh đồng, một giống, một thời gian gieo trồng” với tổng diện tích gần 70 ha/vụ. Trên địa bàn còn có hàng trăm trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm tại các thôn Nậm Hẻn, Chính Tiến, Xuân Lý, Soi Cờ... 100% tuyến đường giao thông do xã quản lý đã được đổ bê tông, rải cấp phối hoặc cứng hóa, đảm bảo lưu thông thuận tiện…

Năm 2020, xã Gia Phú đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã chỉ còn 3% hộ nghèo, giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác tăng từ 50 triệu đồng/ha (năm 2010) lên 130 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân của người dân đạt 48 triệu đồng/năm... Vùng quê Gia Phú hôm nay đã đổi thay, cuộc sống no ấm ngày càng hiện rõ, xứng đáng là quê hương cách mạng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346675-dien-mao-tren-vung-que-cach-mang