Diện mạo đất nước phát triển qua tranh Nơi các thành phố hội tụ

'Những bức tranh bằng màu nước khổ lớn vẽ các thành phố kết nối, hòa cùng nhau của Đoàn Quốc sống động, rộn ràng hơi thở phố thị đến mức tôi đã nghĩ chắc cậu ấy phải yêu lắm những nơi này. Phải dày công đi thực tế, nghiên cứu lên ý tưởng - bố cục, kỹ thuật vẽ chắc chắn lắm mới có thể mang khung cảnh đô thị tinh tế đến vậy vào tranh…', họa sĩ Việt Kim Quyên bày tỏ như thế khi ngắm bộ 3 bức tranh Nơi các thành phố hội tụ của họa sĩ Đoàn Quốc.

Phác họa chân dung đô thị

Khi Nơi các thành phố hội tụ chính thức trình làng Triển lãm Tranh màu nước và Trao Giải thưởng Mỹ thuật 2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM tháng 4 năm ngoái, không ít khán giả đã dừng lại khá lâu trước tác phẩm. Họa sĩ trong giới, người quen biết với Đoàn Quốc hẳn không lạ về kích thước (3 bức tranh ghép là 100x600cm) và kỹ thuật vẽ màu nước điêu luyện ấn tượng, nhưng cũng chính họ vẫn phải ngạc nhiên về mức độ đầu tư, tâm huyết với tác phẩm này.

Họa sĩ Đoàn Quốc vẽ tác phẩm Nơi các thành phố hội tụ

Họa sĩ Đoàn Quốc vẽ tác phẩm Nơi các thành phố hội tụ

Khán giả Nguyễn Minh Quang (52 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) nhận xét: “Tác phẩm có sự sáng tạo trong phối cảnh, cẩn trọng khắc họa từng chi tiết nhỏ. 3 bức nối lại thành 1 bức tranh lớn khắc họa lần lượt 3 thành phố Hà Nội - Đà Nẵng - TPHCM. Dù đặt cạnh nhau hay tách riêng, các bức tranh đều hài hòa, sống động. Người xem tranh có thể cảm nhận sự chuyển động “thay da đổi thịt” trong lòng các thành phố. Và hơn hết, cảm được tâm huyết, tình yêu của người nghệ sĩ với đất nước mình”.

Chia sẻ về ý tưởng sáng tác, họa sĩ Đoàn Quốc cho biết, lấy chủ đề về những thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM, làm mạch nguồn chính cho câu chuyện kết nối, hội tụ thành một thành phố đương đại chung. Có một Hà Nội rực rỡ với mặt trời Thủ Đô, một Đà Nẵng lung linh như một bữa tiệc ánh sáng và một TPHCM năng động và phát triển. Bộ tranh là sự dung hòa cho ý niệm đất nước Việt Nam tổng hòa phát triển toàn diện từ truyền thống, hiện đại cho đến tương lai. Trong bộ tranh, hình tượng dòng sông được tái hiện xuyên suốt, là mạch nguồn kết nối các thành phố.

“Tôi lên ý tưởng từ năm 2019, sau đó có nhiều chuyến đi dọc 3 miền đất nước để ký họa, thu thập tư liệu cho bộ tranh. Tôi dùng bút pháp và góc nhìn lồng ghép kết nối đặc trưng từng vùng miền để hòa quyện thành tổng thể thống nhất. Thông qua tác phẩm, tôi rất mong làm bật lên diện mạo chung của các đô thị tiêu biểu, giúp người xem thêm tự hào về đất nước mình”, Đoàn Quốc chia sẻ.

Gửi tình yêu TPHCM vào tranh

Họa sĩ trẻ Đoàn Quốc (27 tuổi) sớm tìm thấy lối đi riêng. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM ngành Thiết kế đồ họa, Đoàn Quốc miệt mài theo đuổi chất liệu màu nước, gặt hái được không ít thành công, cùng đồng nghiệp tổ chức nhiều triển lãm màu nước quy mô trong nước đến quốc tế.

Giữa rất nhiều đề tài, Đoàn Quốc gây ấn tượng mạnh nhất với giới chuyên môn và công chúng là những tác phẩm về TPHCM - quê hương thứ hai của anh. Thanh âm phố thị, nhịp đời bình dị, chuyển động thời đại và tình yêu thành phố mãnh liệt là những gì dễ thấy trong tranh Đoàn Quốc. Họa sĩ tâm sự: “Tôi gắn bó với TPHCM từ những ngày sinh viên chân ướt chân ráo. Thành phố cho tôi quá nhiều yêu thương, cơ hội phát triển, nuôi dưỡng và chắp cánh đam mê. Nơi này còn là niềm cảm hứng bất tận cho hành trình nghệ thuật của tôi khi luôn thấy thành phố tươi mới mỗi ngày, cảm được sức sống bung tỏa không ngừng. Vì lẽ đó, tôi lên kế hoạch vẽ về sự phát triển thành phố trong dự án cá nhân 5 năm, từ năm 2019. Tôi muốn ghi lại chặng đường phát triển đặc biệt của mảnh đất này bằng tranh màu nước: mang sức sống năng động, sáng tạo và luôn đẹp duyên dáng, bình yên”.

Hiện tại, Đoàn Quốc đã sáng tác hơn 10 bức tranh khổ lớn, hàng chục bức tranh trực họa, ký họa về thành phố. Anh cũng tham gia một kế hoạch cùng nhiều họa sĩ khác vẽ những công trình nổi tiếng cho đến những góc phố không tên nơi đây với góc nhìn mới. Tác phẩm Nơi các thành phố hội tụ chính là phần quan trọng nhất của bộ tranh dự án 5 năm. Không chỉ thấy được sự phát triển của các tỉnh thành, bộ tranh còn là vòng nối sâu sắc về sự thống nhất Bắc - Trung - Nam. Bộ tranh cũng đã được xét chọn vào vòng chung khảo Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3.

“Cùng việc khắc họa sự dịch chuyển đương đại, những giá trị văn hóa truyền thống là chủ đề tôi quan tâm. Từ năm 2020, tôi nghiên cứu và vẽ các bức tranh tĩnh vật màu nước lấy cảm hứng từ văn hóa, truyền thống. Các tác phẩm như một lăng kính nhìn về quá khứ, kể câu chuyện riêng. Màu nước là chất liệu mới. Dù là người trẻ, tôi vẫn thấy mình có trách nhiệm trong việc đưa chất liệu này đến cộng đồng”, họa sĩ Đoàn Quốc bày tỏ.

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dien-mao-dat-nuoc-phat-trien-qua-tranh-noi-cac-thanh-pho-hoi-tu-post694348.html