Điền kinh Việt Nam đủ khả năng vượt qua 'cú sốc doping' tại SEA Games

Bất chấp những khó khăn phải đối mặt sau sự việc 5 vận động viên dương tính với doping tại SEA Games 31, đội tuyển điền kinh Việt Nam vẫn đặt mục tiêu hướng đến ngôi vị số một tại SEA Games 32.

Sau một kỳ SEA Games 31 thành công trên sân nhà, đội tuyển Điền kinh Việt Nam hướng đến kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á tiếp theo với một đội hình giàu sức trẻ gồm những vận động viên ở độ tuổi đôi mươi.

Tuy nhiên trong giai đoạn chuẩn bị, tuyển Điền kinh Việt Nam đón nhận "tin dữ" khi có 5 tuyển thủ được xác định là dương tính với chất cấm và sẽ không tham dự SEA Games năm 2023.

Chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy từng vinh dự là người châm đuốc tại kỳ Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ I, năm 1985. (Ảnh: NVCC)

Chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy từng vinh dự là người châm đuốc tại kỳ Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ I, năm 1985. (Ảnh: NVCC)

Theo đó, Quách Thị Lan (huy chương vàng 400m rào, huy chương Vàng tiếp sức 4x400m, huy chương đồng 400m), Khuất Phương Anh (huy chương Vàng 800m, huy chương Bạc 1.500m), Vũ Ngọc Hà (huy chương vàng nhảy xa, huy chương Bạc nhảy 3 bước), Hoàng Thị Ngọc (huy chương Vàng tiếp sức 4x400m) và Lê Ngọc Phúc (huy chương Bạc 400m, huy chương Bạc tiếp sức 4x400m) là những cái tên được xác định dương tính với chất cấm tại SEA Games 31.

Trao đổi với Báo Điện tử VietnamPlus, ông Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn Điền kinh của Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết đây là sự cố đáng tiếc trước thềm kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32, tuy nhiên cũng mở ra cơ hội để những gương mặt trẻ thuộc lớp kế cận vươn lên "lãnh ấn tiên phong" cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại các giải đấu lớn.

"Tại kỳ Đại hội thể thao tổ chức tại Campuchia, đội tuyển Điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 14 đến 17 huy chương Vàng đồng thời thống trị ngôi vị số một của điền kinh Đông Nam Á. Theo đánh giá chủ quan của tôi, Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1995) và Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1993) là những gương mặt được kỳ vọng có thể đảm bảo từ 2-3 huy chương Vàng cá nhân cho đoàn Việt Nam. Nội dung chạy tiếp sức 400m nữ và 4x400m nam-nữ cũng là một 'cửa sáng' cho đội hình tiếp sức hỗn hợp của đoàn Việt Nam 'gặt vàng.'"

"Về kỷ lục, Nguyễn Thị Oanh được kỳ vọng sẽ vượt qua kỷ lục cá nhân là 9 phút 43 giây ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Ở các nhóm nội dung kỹ thuật gồm nhảy xa 3 bước, phối hợp đồng đội nam-nữ, nhảy cao nam-nữ, ném lao nam-nữ..., Bùi Thị Thu Thảo và Nguyễn Tiến Trọng là hai gương mặt được kỳ vọng sẽ bảo vệ thành công huy chương Vàng."

Theo chuyên gia Dương Đức Thủy, Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1995) là một trong những 'niềm hy vọng vàng' của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32. (Ảnh: Quang Hà/TTXVN)

Theo chuyên gia Dương Đức Thủy, Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1995) là một trong những 'niềm hy vọng vàng' của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32. (Ảnh: Quang Hà/TTXVN)

Về trường hợp đáng tiếc xảy ra với 5 vận động viên dính doping, chuyên gia Dương Đức Thủy đánh giá đây là bài học cho đoàn Thể thao Việt Nam về việc sử dụng dinh dưỡng và các loại thực phẩm chức năng theo đúng quy định.

"Không chỉ áp dụng với Liên đoàn Điền kinh, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam thường xuyên mở những lớp phổ cập kiến thức về chất cấm cho các liên đoàn thể thao trong nước. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để tiến hành kiểm tra doping đột xuất (trong các kỳ tập huấn) cho vận động viên tại Việt Nam vẫn còn khá eo hẹp. Để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, Liên đoàn Thể thao Việt Nam tăng cường phổ biến kiến thức về danh mục những chất bị cấm trong thi đấu, để các huấn luyện viên và vận động viên nắm được thành phần, liều lượng sử dụng... của các loại thuốc trong trường hợp vận động viên cần điều trị chấn thương."

Nhận định về các đối thủ của đội tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32, chuyên gia Dương Đức Thủy đánh giá cao sự 'vươn lên' mạnh mẽ của đoàn Singapore, tuy nhiên khẳng định Thái Lan vẫn là đối thủ chính trong cuộc chiến giành ngôi số một của môn Điền kinh tại Đông Nam Á.

"Trong khoảng 5 đến 6 năm trở lại đây, các nước trong khu vực đã có những sự vươn lên rất mạnh mẽ, đặc biệt là đoàn thể thao Singapore với tuyển thủ Shanti Pereira - nữ vận động viên Đông Nam Á đầu tiên chạy cự ly 200m dưới 23 giây (thông số 22 giây 89) tại Giải điền kinh Australia mở rộng năm 2023.

Ngoài ra, cô cũng lập kỷ lục quốc gia Singapore mới ở cự ly 100m với thông số 11 giây 37. Bên cạnh cá nhân có thành tích tốt, Singapore cũng sở hữu một đội hình 4x100m nữ có sự đồng đều. Ngoài ra, các vận động viên lứa U18 của Indonesia cũng đã thể hiện được năng lực ở các giải trẻ. Tuy nhiên theo tôi, đối thủ đáng ngại nhất với chúng ta vẫn là Thái Lan - đội tuyển đang đặt quyết tâm cao tại SEA Games với nhiều ngôi sao nhập tịch, nổi bật là chân chạy gốc Australia Joshua Atkinson (sinh năm 2003)..."./.

Để tránh lặp lại sự cố đáng tiếc về doping như ở kỳ SEA Games 31, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao đã liên tục nhắc nhở các vận động viên về việc sử dụng dinh dưỡng, thực phẩm chức năng theo đúng quy định. Mọi loại thuốc bổ mà các vận động viên sử dụng đều phải thông báo cho bác sỹ đội để tìm hiểu về thành phần, hoạt chất trong thuốc liệu có chất cấm hay không. Đây là các bước quan trọng trước thềm những giải đấu chuẩn bị khởi tranh./.

Việt Anh (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dien-kinh-viet-nam-du-kha-nang-vuot-qua-cu-soc-doping-tai-sea-games/860827.vnp