Diễn biến mới xung quanh việc ông Võ Kim Cự vận động thành lập hiệp hội sâm

Ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam mà không có đại diện của thủ phủ sâm Ngọc Linh là Kon Tum và Quảng Nam là chưa hợp lý.

Bộ Nội vụ vừa có công văn đề nghị các bộ, ngành Trung ương, UBND hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum có ý kiến về thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam (gọi tắt Hiệp hội).

Trước đó, Bộ NN&PTNT công nhận ban vận động thành lập Hiệp hội với 16 thành viên do ông Võ Kim Cự, Chủ tịch HĐTQ, Viện trưởng Viện bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam, cựu Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam làm trưởng ban.

Trong số 16 thành viên của ban trên có đến chín người thuộc Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh (Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh VN, có trụ sở ở Hà Nội) do ông Võ Kim Cự làm chủ tịch HĐQT.

Không có thành viên ở thủ phủ sâm Ngọc Linh

Trao đổi với PLO, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), cho rằng việc thành lập ban vận động mà không có thành viên nào thuộc vùng sâm Ngọc Linh ở hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum là điều bất hợp lý.

Sâm Ngọc Linh là loài dược liệu đặc hữu chỉ có ở núi Ngọc Linh. Ảnh: LK.

Trong quy hoạch sâm Việt Nam đến năm 2030 và 2045, sâm Ngọc Linh được xác định là cây dược liệu quý mang thương hiệu quốc gia. Đây là loại dược liệu đặc hữu, chỉ phân bố ở vùng núi Ngọc Linh và có chỉ dẫn địa lý tại huyện Tu Mơ Rông, Đắk Glei (Kon Tum) và huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Trong khi đó, việc thành lập ban vận động lại không có sự tham gia của các đơn vị, tổ chức trồng, khai thác sâm Ngọc Linh ở hai tỉnh này.

Theo ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, địa phương này hiện có 22 doanh nghiệp đầu tư trồng, phát triển sâm Ngọc Linh; việc thành lập hiệp hội sâm là cần thiết.

Thế nhưng, huyện Nam Trà My và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn không hề hay biết việc thành lập ban vận động; chỉ đến khi ban được công nhận các địa phương mới biết

“Tôi thấy ban vận động thành lập Hiệp hội cơ cấu chưa hợp lý. Tôi đề nghị tỉnh có tiếng nói để kết nạp một số doanh nghiệp, kể cả một số hộ trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My. Có như vậy mới đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả của hiệp hội”- ông Mẫn nói.

Vườn sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở núi Ngọc Linh.

Theo ông Mẫn, nếu giữ cách làm của ban vận động như vừa qua thì khả năng doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn sẽ không tham gia và Hiệp hội không phát huy được hiệu quả.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Kim Cự cho rằng việc thành lập ban vận động theo đúng quy định. Đây chỉ mới thành lập ban vận động, chứ chưa chính thức đại hội… Sau này sẽ mời gọi nhiều đơn vị tham gia. Hiện việc thành lập Hiệp hội đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến.

Hồi đáp văn bản lấy ý kiến của Bộ Nội vụ, ông Trần Út, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc thành lập Hiệp hội là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức của Hiệp hội; tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất Sâm Việt Nam.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ vận động thành lập, không có các tổ chức, cá nhân của tỉnh Quảng Nam tham gia vào ban vận động thành lập Hiệp hội là chưa hợp lý.

Chưa thuyết phục

Thực hiện công văn của Bộ Nội vụ về việc lấy ý kiến thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam, Sở Nội vụ Kon Tum đã đề nghị các sở, ngành liên quan tham gia ý kiến và nhận được văn bản phản hồi.

Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho rằng chưa cần thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam lúc này. Thứ nhất, hồ sơ đề nghị thành lập chưa nêu bật được sự cần thiết, tính cấp thiết.

Sâm Ngọc Linh được trưng bày tại hội chợ tại huyện Tu Mơ Rông.

Chương trình phát triển sâm Việt Nam của Chính phủ vừa ban hành hồi tháng 6-2023; diện tích sâm, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất chưa nhiều, chưa đủ lớn.

Mặt khác, một số nội dung hoạt động của Hiệp hội có những nét tương đồng với Hiệp hội Dược liệu. Sở Y tế Kon Tum cho rằng trước mắt để Hiệp hội Dược liệu thực hiện các hoạt động của ban vận động dự kiến cho Hiệp hội sâm là hợp lý.

Cũng theo Sở Y tế Kon Tum, qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, ông Võ Kim Cự làm trưởng ban vận động, tham gia lãnh đạo Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam. Hiện nay, ông Cự đang làm cố vấn cao cấp cho Công ty Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam.

Tuy nhiên, vừa qua báo chí phản ánh các hoạt động của Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh VN trên địa bàn tỉnh Kon Tum có những vấn đề chưa rõ ràng, không mang tính tích cực.

Sở Y tế Kon Tum cho rằng ông Cự làm trưởng ban vận động, tham gia lãnh đạo Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam là chưa thuyết phục.

Tương tự, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum bày tỏ quan điểm là chưa nên thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam; nên đặt các hoạt động dự kiến của Hiệp hội trong Hiệp hội Dược liệu. Do chương trình phát triển Sâm Việt Nam vừa ban hành chưa lâu và hoạt động dự kiến của Hiệp hội có nhiều nét tương đồng Hiệp hội Dược liệu.

Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cũng cho rằng ông Võ Kim Cự vừa làm trưởng Ban vận động, tham gia lãnh đạo Hiệp hội Sản xuất Sâm Việt Nam sẽ không thật sự thuyết phục và khó tạo được sự đồng thuận cao cho những tổ chức, cá nhân sản xuất sâm của tỉnh Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung.

Dùng giấy xác nhận đã bị thu hồi làm hồ sơ công bố sản phẩm UBND huyện Tu Mơ Rông vừa có văn bản đề nghị Sở KH&ĐT tỉnh Kon Tum báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh cho thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện dự án nuôi cấy mô và các hoạt động của Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum (công ty con của Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh VN). Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và thương hiệu sâm Ngọc Linh. Trước đó, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế có văn bản đề nghị UBND huyện Tu Mơ Rông có ý kiến về giấy xác nhận có nội dung Công ty Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum “đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh” có bị địa phương thu hồi và còn hiệu lực hay không. Trong hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh gửi Cục An toàn thực phẩm có kèm giấy xác nhận trên của Công ty Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Khu nuôi cầy mô của Công ty Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum. UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định giấy xác nhận mà huyện đã ký ngày 30-5-2022 đã bị thu hồi và không còn hiệu lực. Công ty trên mới triển khai nuôi cấy mô nên nội dung ghi “khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông” là chưa đúng thực tế. Trước đó, trên website của Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh VN từng công bố hàng loạt thông tin "quảng bá" về sâm Ngọc Linh như tập đoàn đang sở hữu vùng trồng sâm Ngọc Linh 7.000 ha; trong đó đã trồng 600 ha trên đỉnh Ngọc Linh, có kế hoạch mở 300 showroom trong nước. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, khẳng định hiện tại Công ty Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum đang thực hiện dự án đưa cây giống nuôi cấy mô ra thí nghiệm môi trường tự nhiên hơn 24 ha tại xã Ngọk Lây. Thực tế, công ty này chưa có sâm Ngọc Linh khai thác và cũng không liên kết trồng sâm Ngọc Linh với người dân địa phương. Còn ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nói huyện rất quan tâm đến việc một số doanh nghiệp trồng sâm “trên giấy”, làm ảnh hưởng đến thương hiệu của sâm Ngọc Linh. “Vừa qua, có doanh nghiệp không được chấp nhận chủ trương đầu tư hay thuê dịch vụ môi trường rừng trên đỉnh Ngọc Linh nhưng vẫn nói có vườn sâm 600 ha trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu sâm Ngọc Linh”- ông Mẫn bức xúc. Theo ông Mẫn, UBND huyện Nam Trà My chưa có thông tin việc cá nhân ông Võ Kim Cự hay tập đoàn của ông liên quan đến trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn.

LÊ KIẾN - THANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/dien-bien-moi-xung-quanh-viec-ong-vo-kim-cu-van-dong-thanh-lap-hiep-hoi-sam-post745185.html