Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 27/1

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 27/1/2024.

Nga ồ ạt tấn công Kharkov, Ukraine đối mặt tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”: Thời gian gần đây, Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào thành phố Kharkov – cách biên giới nước này 46km về phía Nam. Mỗi khi các đợt tấn công xảy ra, còi báo động không kích lại vang lên khắp thành phố.

Xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Ảnh: Reuters.

Ukraine cho biết, Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí, trong đó có hệ thống phòng không S-300 từ sâu trong lãnh thổ nước này để nhắm vào Kharkov, như một phần trong chiến lược khai thác điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine. Ngoài ra, Moscow cũng thực hiện các cuộc tấn công kết hợp nhằm vào thủ đô Kiev và khu vực Đông Nam sông Dnipro.

Các cuộc tấn công liên tiếp bằng tên lửa cho thấy Nga sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp để áp đảo Ukraine trên chiến trường. Ngoài ra, điều này cũng làm bộc lộ điểm yếu của Kiev khi không có đủ hệ thống phòng không, ngay cả khi phương Tây đã cung cấp cho nước này một loạt hệ thống như NASAMS, Iris-T, Gepard và Stinger.

Đối với Nga, Kharkov là một trong những mục tiêu dễ tấn công nhất. Thành phố này ở gần biên giới Nga, do đó, ngay cả các hệ thống phòng không hiện đại như Patriot do Mỹ sản xuất mà Ukraine đang sử dụng cũng sẽ gặp khó khăn khi đánh chặn các tên lửa bay với tốc độ cao di chuyển trên quỹ đạo đạn đạo bởi thời gian phóng đến thời gian hạ cánh của tên lửa diễn ra chưa đầy 1 phút.

Nga biến xe tăng T-80 thành bệ phóng tên lửa đa nòng: Hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội mới đây cho thấy, Nga đã tích hợp pháp phản lực phóng loạt RBU-6000 lên khung gầm bánh xích của của xe tăng T-80 và sử dụng ở chiến trường Ukraine.

Đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy, một bệ phóng tên lửa hải quân RBU-6000 kết hợp với khung gầm xe tăng T-80B đang bắn pháo ở một thảo nguyên trên tiền tuyến trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ngành công nghiệp quốc phòng và vũ khí của Nga chưa bình luận gì càng khiến người ta tò mò về hệ thống tên lửa phóng loạt (MRLS) được chế tạo theo đơn đặt hàng riêng này.

Tên lửa bất khả chiến bại của Nga không thực sự hiệu quả trên chiến trường?: Tên lửa siêu thanh Kh-24 Kinzhal được Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cao dường như chưa thể hiện hết khả năng trên chiến trường ở Ukraine, trong bối cảnh Nga tiếp tục tấn công nhằm vào Kiev và các thành phố lớn khác.

Các lực lượng Nga thường xuyên sử dụng tên lửa Kinzhal để nhắm mục tiêu vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine trong suốt chiến dịch quân sự đặc biệt đã kéo dài hơn 2 năm. Vào năm 2018, Tổng thống Putin mô tả tên lửa Kinzhal là vũ khí “bất khả chiến bại” của Nga.

Tuy nhiên, các lực lượng Ukraine đã nhiều lần sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ cung cấp để đánh chặn tên lửa Kinzhal. Các nhà quan sát Ukraine cũng ghi nhận ngày càng nhiều tên lửa Kinzhal nhắm vào mục tiêu nhưng không phát nổ.

Nga tuyên bố, máy bay IL-76 chở tù nhân bị phòng không Ukraine bắn rơi: Dựa trên khám nghiệm hiện trường vụ rơi máy bay IL-76 chở tù nhân Ukraine để trao đổi, Cơ quan Điều tra liên bang Nga cho rằng chiếc máy bay này bị tấn công bằng tên lửa phòng không từ Ukraine.

Thông báo có đoạn: “Kết quả điều tra ban đầu, bao gồm dữ liệu sơ bộ từ khám nghiệm hiện trường máy bay rơi, cho phép chúng tôi kết luận rằng máy bay đã bị tấn công bằng một quả tên lửa phòng không phóng từ lãnh thổ Ukraine”.

Tỷ phú giàu nhất Ukraine mất hết tài sản ở Nga: Chính phủ Nga đã chấp thuận việc bán lại tài sản liên quan đến công ty khoáng sản của Rinat Akhmetov, người giàu nhất Ukraine cho các doanh nghiệp của Moscow.

Ngày 25/1, RT dẫn thông báo của điện Kremlin cho biết một tập đoàn của Nga sẽ được phép mua lại các công ty khai thác than trước đây thuộc sở hữu của tỷ phú Ukraine Rinat Akhmetov.

Quyết định này cũng đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt và quá trình mua lại phù hợp với các biện pháp chống trừng phạt hiện hành của Moscow.

Ukraine sẽ không gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt với Nga: Ngày 25/1, bộ phận báo chí của chính phủ Ukraine cho hay, nước này không lên kế hoạch gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt tự nhiên với Nga sau năm 2024.

Thông báo của cơ quan này cho biết, có khả năng Ukraine sẽ đàm phán với các nước thành viên EU về sử dụng hệ thống vận chuyển khí đốt của nước này, sau khi hợp đồng với Nga chấm dứt vào cuối năm 2024 này.

Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-271-post1074098.vov