Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 14/3

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 14/3/2024.

Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine: Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine. Đây là đợt viện trợ mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine kể từ tháng 12 năm ngoái.

Gói viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine được công bố sau khi Nhà Trắng trong những tháng qua liên tục cảnh báo không còn tiền để tiếp tục viện trợ cho Ukraine, do Quốc hội Mỹ chưa thông qua ngân sách bổ sung.

Quân đội Ukraine khai hỏa về phía Nga ở khu vực Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Yếu tố quyết định cục diện xung đột Nga-Ukraine trong năm nay: Nga sản xuất số lượng đạn pháo gấp gần 3 lần so với Mỹ và châu Âu cung cấp cho Ukraine. Theo đánh giá của giới phân tích, đây có thể sẽ là yếu tố quyết định cục diện xung đột Nga-Ukraine trong năm nay.

Tổng thống Zelensky nói quân Pháp không cần tham chiến tại Ukraine: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, quân đội Pháp không cần tham gia chiến đấu trong cuộc xung đột với Nga trong khi Kiev giữ tiền tuyến. Nhận định này được đưa ra sau nhiều tuần dư luận suy đoán về việc liệu NATO có cần thiết phải triển khai quân đội tới thực địa để ngăn chặn những bước tiến của Nga hay không.

"Chừng nào Ukraine còn nắm giữ tiền tuyến thì quân đội Pháp vẫn có thể ở trên lãnh thổ Pháp", Tổng thống Ukraine cho hay trên kênh truyền hình BFM TV của Pháp.

Nga tăng cường bom lượn hủy diệt mục tiêu, Ukraine loay hoay chống đỡ: Bom lượn đã trở thành vũ khí chủ chốt của không quân Nga nhằm tạo lợi thế trên không và giành thêm đất trên thực địa. Hiện Ukraine vẫn chưa có phương án chống đỡ thực sự hữu hiệu trước thứ vũ khí có sức hủy diệt đáng sợ này.

EU tranh cãi về việc gửi quân tới Ukraine: Liên minh châu Âu rục rịch với ý tưởng đưa binh sĩ tới Ukraine để hỗ trợ quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, ý tưởng có phần mạo hiểm đang gây những tranh cãi giữa các thành viên trong khối.

Theo giới phân tích, Pháp đang xây dựng một liên minh với các nước cởi mở, trong đó có khu vực Baltic với phương án đưa binh sĩ NATO tới Ukraine. Tuy nhiên, đề xuất này đến nay vẫn vấp phải sự phản đối của không ít quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và NATO.

Lính Ukraine nêu lý do xe tăng Challenger 2 không hiệu quả trên chiến trường: Challenger 2 từng được Anh phác họa là mẫu xe tăng “bất khả chiến bại”, nhưng sau một thời gian hoạt động trên chiến trường Ukraine, nó đã nhanh chóng bộc lộ điểm yếu. Challenger 2 của Anh là xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên mà các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine, mở đường cho việc chuyển xe tăng Leopard 2 và Abrams tới Kiev.

Ông Putin tuyên bố Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị đe dọa: Tổng thống Nga Putin vừa tuyên bố rằng Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu có mối đe dọa đối với nhà nước, chủ quyền và nền độc lập của Nga. Thông điệp cứng rắn về việc Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân được Tổng thống Putin đưa ra khi ông trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước Nga.

Tiêm kích Su-34 triển khai vũ khí “thay đổi cuộc chơi” ở Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video cho thấy máy bay ném bom Su-34 thả bom lượn FAB-500 - phương tiện được cho là "thay đổi cuộc chơi" trong xung đột ở Ukraine do khả năng phá hủy của chúng và tầm hoạt động lên tới 80km. Trong video dường như được ghi lại từ một camera gắn vào một bên của máy bay, có thể thấy một vài quả bom rơi xuống và bung cánh ngay sau đó.

Trực thăng Nga Mi-28 giội hỏa lực vào binh lính Ukraine ở Severodonetsk: Mi-28 là dòng trực thăng tấn công của quân đội Nga. Trực thăng này được Nga triển khai để giội hỏa lực xuống các mục tiêu là công sự, binh lính Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video ghi cảnh trực thăng quân sự Mi-28 của họ giội hỏa lực vào công sự và binh lính Ukraine ở khu vực Severodonetsk. Bộ này cho hay, tất cả mục tiêu đã bị phá hủy.

Tình thế của Ukraine sau khi “lá chắn thép” Patriot bị Nga phá hủy: Theo National Interest, Ukraine đang nỗ lực bảo vệ các hệ thống phòng không bởi chúng đang bị dàn mỏng trên nhiều mặt trận. Việc gần đây Ukraine tổn thất hệ thống Patriot do Đức cung cấp - vốn được coi là tài sản quan trọng trong chiến lược phòng không của Ukraine "đã cho thấy giao tranh ác liệt đang tiếp diễn và những ám chỉ chiến lược cho năng lực phòng không của Kiev".

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-143-post1082375.vov